Sau Cách mạng Tháng Tám, nhằm đáp ứng yêu cầu lãnh đạo phong trào cách mạng ngày càng lên cao, ngày 10/10/1949, Tỉnh ủy Lào Cai ra quyết định thành lập Ban Cán sự Đảng huyện Bát Xát do đồng chí Phạm Cao Sáng làm Trưởng ban. Từ đây, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của tổ chức đảng và các đảng viên, quân và dân huyện Bát Xát cùng với các đơn vị bộ đội chủ lực giành hết thắng lợi này đến thắng lợi khác, đỉnh cao là ngày 4/11/1950, huyện hoàn toàn giải phóng, chấm dứt 63 năm bị thực dân đô hộ.
Dấu mốc lịch sử này càng khẳng định rõ hơn vai trò lãnh đạo to lớn của Đảng đối với vận mệnh quốc gia, dân tộc, tiếp thêm niềm tin chỉ có Đảng mới lãnh đạo giành tự do, độc lập dân tộc, mang đến hạnh phúc cho người dân cần lao.
Năm 1961, Đại hội Đảng bộ huyện Bát Xát lần thứ Nhất tổ chức thành công. Trong suốt những năm tháng kháng chiến chống Mỹ, Đảng bộ huyện Bát Xát đã lãnh đạo Nhân dân các dân tộc trên địa bàn tập trung khôi phục, phát triển kinh tế, tích cực huy động, chi viện sức người, sức của cho chiến trường miền Nam đánh thắng đế quốc.
Non sông thống nhất, đất nước ta bước vào thời kỳ đổi mới, Đảng bộ huyện Bát Xát một mặt lãnh đạo khôi phục kinh tế, mặt khác thúc đẩy phát triển địa phương theo đúng định hướng mới của Đảng. Một số dấu mốc đáng nhớ trong thời kỳ này là sau khi chia tách tỉnh (năm 1991), năm 1992, trung tâm hành chính huyện Bát Xát được chuyển từ xã Bản Xèo về thị trấn Bát Xát như hiện nay; năm 2005, huyện Bát Xát đã xóa thôn bản “trắng” đảng viên; năm 2020, huyện có 8 xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó xã Quang Kim là 1 trong 2 xã đầu tiên của tỉnh đạt chuẩn quốc gia về nông thôn mới.
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Bát Xát lần thứ XXIII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã xác định mục tiêu đến năm 2025, trở thành địa phương biên giới phát triển của tỉnh. Để hiện thực hóa, ngay từ đầu nhiệm kỳ, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện đã ban hành 9 đề án với 5 trọng tâm đột phá. Đó là, lấy nhiệm vụ nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng bộ, xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh làm then chốt.
Coi sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, phát triển nông - lâm nghiệp và thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới làm nhiệm vụ trọng tâm; trong kinh tế, phát triển du lịch là đột phá, chú trọng phát triển thương mại, công nghiệp, xây dựng; nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo, y tế và giảm nghèo bền vững; bảo đảm ổn định chính trị, củng cố quốc phòng - an ninh, bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới quốc gia.
Ngày 15/3/2022, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 353/QĐ-TTg, trong đó đưa Bát Xát vào danh sách các huyện nghèo nhất cả nước, tỉnh Lào Cai có 4 huyện. Tháng 1/2023, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lào Cai ban hành Nghị quyết số 36-NQ/TU về định hướng không gian phát triển kinh tế trọng tâm của huyện Bát Xát đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Nội dung nghị quyết chỉ rõ mục tiêu hình thành, phát triển hai hành lang kinh tế huyện, gồm bám theo trục sông Hồng (phía Đông) phát triển công nghiệp, thương mại, kinh tế cửa khẩu và du lịch (phía Tây).
Dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, trong chỉ đạo, điều hành, Đảng bộ huyện Bát Xát luôn có những dự báo sát tình hình, xác định thuận lợi, lường trước khó khăn, tìm ra nhiệm vụ trọng tâm, lĩnh vực trọng điểm để tập trung triển khai. Thường trực, Ban Thường vụ Huyện ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện thường xuyên đổi mới phương thức lãnh đạo theo hướng thiết thực, gần dân, sát cơ sở; chủ động đề xuất làm việc với các sở, ngành, đơn vị của tỉnh, với các tập đoàn, doanh nghiệp... để kêu gọi đầu tư, vận động sự ủng hộ, tháo gỡ khó khăn cho địa phương.
Kết quả là tốc độ tăng trưởng kinh tế tại huyện Bát Xát đạt mức tăng trung bình 13% từ đầu nhiệm kỳ đến nay; Thực hiện Nghị quyết số 10 của Tỉnh ủy, kinh tế nông nghiệp phát triển theo hướng hàng hóa, hình thành một số vùng sản xuất tập trung, có giá trị kinh tế cao như vùng cây ăn quả ôn đới, chè, rau, dược liệu, cây ăn quả. Giá trị sản phẩm thu hoạch/ha diện tích sản xuất tăng từ 69 triệu đồng (năm 2020) lên 78 triệu đồng (năm 2023). Đến nay, Bát Xát có 24 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP cấp tỉnh, huyện có 8 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Về an sinh, huyện Bát Xát đã xóa 1.400 ngôi nhà tạm và nhà dột nát.
Trong sản xuất tiểu thủ công nghiệp là việc duy trì, phát triển các nhãn hiệu hàng hóa mạnh trên thị trường như rượu Séng cù, rượu Sim san, miến đao, đồ bạc sản xuất nhờ nghề thủ công truyền thống. Phát triển công nghiệp trên địa bàn có mũi nhọn chủ lực là dự án về thủy điện, khai thác và tuyển quặng đồng Sin Quyền, luyện đồng tại xã Bản Qua. Bát Xát đang tích cực phối hợp với các cơ quan, ngành chuyên môn của tỉnh để sớm đầu tư các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn huyện. Cũng trong lĩnh vực kinh tế, huyện tiếp tục chú trọng phát triển du lịch là mũi đột phá với sự kêu gọi đầu tư, khai thác, quảng bá các điểm đến, tua tham quan hấp dẫn.
Phương châm phát triển du lịch của Bát Xát là bảo tồn tự nhiên, phát huy bản sắc văn hóa để “biến di sản thành tài sản”. Huyện đang quản lý và khai thác tốt di tích danh thắng đang được nhiều du khách quan tâm như: Ruộng bậc thang thung Lũng Thề Pả, Đường đá cổ Pavie, các đỉnh núi Lảo thẩn, Kỵ Quan San... Với lĩnh vực văn hóa, chất lượng giáo dục được nâng lên, huyện phấn đấu đến hết năm 2025 có 80% số trường học phổ thông đạt chuẩn quốc gia.
Mục tiêu, giải pháp triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXIII là lấy nâng cao năng lực, sức chiến đấu của Đảng bộ, các cấp ủy đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh làm then chốt. Để triển khai, Huyện ủy tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ nhiệm vụ, trong đó ưu tiên sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế; điều động, tiếp nhận, luân chuyển cán bộ, nhất là cán bộ từ huyện xuống cơ sở. Hiện toàn huyện Bát Xát có 5.011 đảng viên, sinh hoạt tại 43 chi bộ, đảng bộ trực thuộc Đảng bộ huyện; tỷ lệ đảng viên trên dân số đạt 6%.
Để thực hiện thắng lợi nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp, nhất là Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện lần thứ XXIII, Nghị quyết số 36-NQ/TU của Tỉnh ủy về phát triển huyện Bát Xát cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp với tinh thần phấn đấu cao nhất. Đó là, tiếp tục đổi mới mạnh mẽ công tác tuyên truyền, vận động; các cấp ủy, chính quyền tăng cường việc học tập làm theo tưởng đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, trọng tâm là thực hiện “tinh thần 7 dám”. Tiếp tục đổi mới, sắp xếp, tổ chức bộ máy trong hệ thống chính trị theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; trong xây dựng Đảng là phát huy hiệu quả Chương trình mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức giúp đỡ hộ nghèo thoát nghèo.
Nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật trong Đảng; phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, đảm bảo quyền làm chủ của Nhân dân, trong phát triển kinh tế là khai thác thế mạnh, thực hiện các giải pháp giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới gắn với các chương trình mục tiêu quốc gia. Ngoài ra là tiếp tục đẩy mạnh xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh toàn diện, củng cố quốc phòng - an ninh và mở rộng quan hệ đối ngoại.
Bát Xát là vùng đất giàu truyền thống cách mạng, được thiên nhiên ưu đãi, “sơn thủy hữu tình”, đồng bào các dân tộc đoàn kết trong xây dựng và bảo vệ quê hương. Phía trước là cơ hội lớn nhưng cũng không ít thách thức, điều đó đòi hỏi quyết tâm chính trị cao nhất của mỗi đảng viên, cán bộ, cả hệ thống chính trị và người dân trên địa bàn vì mục tiêu xây dựng huyện Bát Xát ngày càng giàu đẹp, sớm trở thành huyện biên giới phát triển của tỉnh Lào Cai.