Dự hội nghị có đại diện Vụ Pháp chế, Thanh tra Chính phủ; lãnh đạo Thanh tra tỉnh; lãnh đạo một số sở, ngành; lãnh đạo các huyện, thị xã, thành phố; công chức Thanh tra tỉnh, Thanh tra các sở, ban, ngành và các huyện, thị xã, thành phố.
Ngày 14/11/2022, tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật Thanh tra số 11/2022/QH15 thay thế Luật Thanh tra số 56/2010/QH12. Chủ tịch nước đã ký Lệnh công bố và luật có hiệu lực kể từ ngày 1/7/2023.
Luật Thanh tra năm 2022 gồm 8 chương, 118 điều: Chương I – những quy định chung có 8 điều; chương II – tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan thực hiện chức năng thanh tra có 29 điều; chương III – thanh tra viên, người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành có 6 điều; chương IV – hoạt động thanh tra có 58 điều; chương V – thực hiện kết luận thanh tra có 5 điều; chương VI – phối hợp trong hoạt động thanh tra, kiểm toán nhà nước, điều tra có 5 điều; chương VII – điều kiện bảo đảm hoạt động của cơ quan thanh tra có 2 điều; chương VIII – điều khoản thi hành có 5 điều.
So với Luật Thanh tra năm 2010, Luật Thanh tra năm 2022 tăng 30 điều, trong đó bổ sung 2 chương mới. Hiện Chính phủ đã ban hành 2 nghị định hướng dẫn thi hành gồm: Nghị định 43/2023/NĐ-CP ngày 30/6/2023 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thanh tra 2022; Nghị định số 03/2024/NĐ-CP ngày 11/1/2024 về cơ quan thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành và hoạt động của cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành.
Tại hội nghị tập huấn, các đại biểu được đại diện Vụ Pháp chế, Thanh tra Chính phủ truyền đạt các nội dung của luật và một số điểm mới về tổ chức hoạt động của các cơ quan thanh tra; trình tự, thủ tục tiến hành thanh tra; xử lý chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động thanh tra; bổ sung các quy định tiêu chuẩn bổ nhiệm, miễn nhiệm thanh tra viên... Đồng thời, trao đổi, giải đáp những vấn đề mới, vướng mắc giữa quy định và thực tiễn trong quá trình triển khai thi hành Luật Thanh tra năm 2022 và các nghị định hướng dẫn thi hành luật.