LCĐT - Tháng 3/1947, Đảng bộ tỉnh Lào Cai được thành lập. Trên cơ sở đó, 6 tháng sau, chi bộ đảng đầu tiên của thị xã Lào Cai ra đời, đánh dấu bước quan trọng về xây dựng và trưởng thành của tổ chức đảng ở thành phố Lào Cai sau này.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, ngày 1/11/1950, thị xã Lào Cai được giải phóng hoàn toàn. 3 ngày sau (ngày 4/11/1950), thực hiện chủ trương của Tỉnh ủy, Ban Cán sự Đảng thị xã Lào Cai được thành lập, đây trở thành dấu mốc ra đời của Đảng bộ thành phố Lào Cai.
Ngay sau khi ra đời, Ban Cán sự Đảng thị xã đã kịp thời lãnh đạo toàn dân triển khai thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị là khắc phục hậu quả chiến tranh, bảo vệ thành quả cách mạng, ổn định tình hình chính trị trên địa bàn. Thành quả cách mạng thể hiện trên nhiều lĩnh vực như khôi phục và ổn định, phát triển kinh tế, thiết lập quan hệ sản xuất với sự chủ đạo của thành phần kinh tế quốc dân, củng cố mô hình kinh tế tập thể.
Đầu năm 1959, Tỉnh ủy Lào Cai ban hành Quyết định số 11- QĐ/TU thành lập Ban Thị ủy lâm thời thị xã Lào Cai thay cho Ban Cán sự Đảng trước đây, trong đó chỉ định Ban Chấp hành Thị ủy lâm thời. Ngay sau khi thành lập, Thị ủy Lào Cai rất quan tâm tới phát triển đảng viên, đến cuối năm 1959 đã có 2 chi bộ với 32 đảng viên, mở ra thời kỳ mới về tổ chức, xây dựng Đảng của thị xã Lào Cai. Nhiệm vụ lãnh đạo của Thị ủy Lào Cai đặt ra những năm này là tập trung sản xuất, phát triển kinh tế, trong văn hóa là tuyên truyền xóa hủ tục, lạc hậu, coi trọng giáo dục, tiếp tục đề cao công tác xây dựng Đảng, củng cố hệ thống chính trị.
![]() |
Đồng chí Đỗ Trường Sơn, Bí thư Thành ủy Lào Cai thăm gia đình đảng viên Hoàng A Páo, 55 năm tuổi Đảng ở thôn Luổng Láo 1, xã Cốc San, thành phố Lào Cai. |
Những năm cả nước kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Đảng bộ thị xã Lào Cai lãnh đạo Nhân dân hưởng ứng tinh thần “mỗi người làm việc bằng hai, tất cả vì miền Nam ruột thịt” và cụ thể hóa bằng các nghị quyết lãnh đạo. Sau ngày đất nước thống nhất, đến khi tỉnh Lào Cai tái lập (năm 1991), Đảng bộ thành phố Lào Cai tập trung vào sản xuất với trọng tâm là phát triển kinh tế tập thể, củng cố sự nghiệp văn hóa - xã hội, chiến đấu bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ quốc gia và khắc phục hậu quả chiến tranh.
Sau 30 năm tái lập tỉnh, từ thị xã độc lập rồi sáp nhập với thị xã Cam Đường, Đảng bộ thành phố Lào Cai đã có sự phát triển vượt bậc. Đến nay, Đảng bộ thành phố có hơn 8.000 đảng viên, sinh hoạt tại 57 tổ chức cơ sở đảng. Xuyên suốt quá trình lãnh đạo những năm qua, Đảng bộ thành phố Lào Cai luôn lấy công tác xây dựng Đảng là then chốt, phát triển kinh tế là nhiệm vụ trọng tâm, xây dựng văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội. Nhờ xác định đúng hướng, trong nhiều năm qua, tốc độ tăng trưởng kinh tế của thành phố Lào Cai tiếp tục dẫn đầu toàn tỉnh với mức trung bình 16,4%/năm, cơ cấu kinh tế chuyển dịch nhanh, đúng hướng. Về sản xuất, thương mại, dịch vụ, thành phố hiện có 1.380 doanh nghiệp, hợp tác xã, 11.300 cơ sở thương mại, dịch vụ, toàn địa bàn có 13 chợ. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ trong năm qua đạt 22.500 tỷ đồng (bằng 2,34 lần năm 2015); Cửa khẩu Quốc tế tại thành phố Lào Cai tiếp tục là điểm giao thương quốc tế sôi động với tổng kim ngạch đạt 3,4 tỷ USD (bằng 3,36 lần năm 2015); nguồn thu ngân sách từ hoạt động xuất - nhập khẩu đạt 2.300 tỷ đồng (bằng 1,7 lần năm 2015). Năm 2020, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn thành phố Lào Cai ước đạt 2.800 tỷ đồng, vượt 180% mục tiêu Đại hội Đảng bộ thành phố và chiếm 28% số thu của toàn tỉnh. Lĩnh vực du lịch có bước phát triển mạnh, ước lượng du khách đến địa bàn trong năm 2020 đạt khoảng 3,7 triệu lượt (bằng 2,1 lần năm 2015), số cơ sở lưu trú và số phòng nghỉ đã tăng 35%, dự kiến tổng doanh thu trong lĩnh vực này ước đạt 4.650 tỷ đồng trong 2020, chiếm 20,6% tỷ trọng cơ cấu nền kinh tế. Công nghiệp - xây dựng của thành phố đạt 11.190 tỷ đồng; sản xuất nông nghiệp đạt giá trị hơn 800 tỷ đồng; thu nhập bình quân của người dân thành phố Lào Cai đạt 86 triệu đồng/năm.
Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Lào Cai luôn dành sự quan tâm đặc biệt đối với công tác quản lý quy hoạch, phát triển đô thị, coi đây là nền tảng và có tính định hướng, tác động trực tiếp đến các chỉ tiêu phát triển khác. Đến nay, thành phố đã lập, trình phê duyệt 307 đồ án quy hoạch đô thị, quy hoạch chuyên ngành, tạo điều kiện để thành phố đạt tiêu chí đô thị loại I trong thời gian tới. Bên cạnh đó, nổi bật trong lĩnh vực văn hóa - xã hội là sự nghiệp giáo dục - đào tạo, thành phố tiếp tục giữ vững ngôi đầu toàn tỉnh với 100% trường phổ thông đạt chuẩn quốc gia, trên 2.000 lượt học sinh đoạt giải các cuộc thi cấp quốc gia, quốc tế.
Việc triển khai Bộ quy tắc ứng xử văn hóa, văn minh gắn với xây dựng hình ảnh con người thành phố Lào Cai “văn minh, lịch sự, thân thiện, kỷ cương” dần trở thành những giá trị văn hóa tốt đẹp, là đặc trưng của địa bàn. Công tác quốc phòng, an ninh và đối ngoại được đảm bảo, quan hệ hữu nghị, hợp tác với huyện Hà Khẩu và thành phố Mông Tự (Vân Nam, Trung Quốc), huyện Mường Xay (U Đôm Xay, Lào) được duy trì. Trong công tác xây dựng Đảng và củng cố hệ thống chính trị, Đảng bộ thành phố Lào Cai có sự tập trung cho việc nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở đảng và đảng viên. Về tổ chức, thành phố tiếp tục đi đầu toàn tỉnh về thực hiện thí điểm rà soát, sắp xếp, tinh gọn bộ máy các cơ quan của Đảng, nhất thể hóa chức danh lãnh đạo một số cơ quan khối Đảng, đoàn thể và phòng, ban chuyên môn.
![]() |
Đô thị thành phố Lào Cai hôm nay. |
Định hướng phát triển được Đảng bộ thành phố Lào Cai đặt ra trong những năm tới là tiếp tục lấy kinh tế là trọng tâm với yêu cầu khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế, nhất là điểm mạnh khu kinh tế cửa khẩu, phát triển thương mại, dịch vụ, công nghiệp. Đầu tư xứng đáng cho hạ tầng khu vực đô thị, vùng nông thôn, cùng xây dựng thành phố biên cương có các tiêu chí hữu nghị, thông minh, đặc sắc ngày càng nâng cao, sớm đạt các tiêu chí đô thị loại I, là trung tâm phát triển vùng Tây Bắc. Một số mục tiêu tăng trưởng được cụ thể hóa như: Duy trì đà tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 15,4%; thu nhập bình quân của người dân đạt 110 triệu đồng/năm; tổng mức lưu chuyển, bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt 35 nghìn tỷ đồng; giá trị sản phẩm trên diện tích sản xuất đạt 155 triệu đồng/năm; lượng khách du lịch đến thành phố đạt 4 triệu lượt; thu ngân sách trên địa bàn đạt 4.500 tỷ đồng đến năm 2025.
Để thực hiện thắng lợi định hướng, nhiệm vụ, Đảng bộ thành phố Lào Cai xác định 2 khâu đột phá là: “Xây dựng đô thị văn minh, thân thiện” và cải cách hành chính với trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành theo hướng “Chuyên nghiệp - kịp thời - hiệu quả”. Ngoài việc kế thừa, phát huy những thành quả đạt được của giai đoạn trước, Ban Chấp hành Đảng bộ đã đặt ra nhiều mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp có tính đột phá, sáng tạo trong giai đoạn mới, thể hiện qua việc cụ thể hóa các mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XXIII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 bằng Chương trình hành động, bên cạnh việc ban hành 6 đề án, 4 nghị quyết lãnh đạo.
Phát huy truyền thống, tập trung trí tuệ, nguồn lực, khơi dậy tinh thần đoàn kết, Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân các dân tộc thành phố Lào Cai nêu cao quyết tâm hoàn thành thắng lợi các mục tiêu phát triển đã đề ra để xứng đáng hơn nữa là thành phố 2 lần được phong tặng danh hiệu anh hùng, vững vàng vị trí “điểm sáng” vùng Trung du, miền núi phía Bắc và khu vực Tây Bắc.
Đỗ Trường Sơn
(Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy Lào Cai)