Tiếp nối thành công của Diễn đàn Kinh tế thể thao năm 2023, Diễn đàn Kinh tế thể thao năm 2024 (Vietnam Sport Economic Forum 2024) là nơi các chuyên gia, nhà quản lý, các doanh nghiệp trong và ngoài nước cùng thảo luận, chia sẻ quan điểm chuyên sâu và toàn diện về các vấn đề liên quan đến quản lý và phát triển nền kinh tế thể thao tại Việt Nam, với mục tiêu tìm kiếm những giải pháp để phát triển một nền thể thao chuyên nghiệp, hiện đại và bền vững.
Trong lần thứ 2 tổ chức, Diễn đàn Kinh tế thể thao năm 2024 (Vietnam Sport Economic Forum 2024) có 3 phiên thảo luận chính, tập trung vào những vấn đề cốt lõi của ngành thể thao: “Mối quan hệ giữa cơ quan quản lý nhà nước, các hội thể thao quốc gia và các nhà tổ chức”, “Tác động kinh tế của việc tổ chức các sự kiện thể thao lớn”, “Khai thác giá trị thương mại của các giải đấu thể thao”.
Từ những phiên thảo luận này, với những lát cắt cắt quan trọng, Ban tổ chức kỳ vọng sẽ tìm kiếm những giải pháp để góp phần phát triển một nền thể thao chuyên nghiệp, hiện đại và bền vững.
Phiên thảo luận 1 có chủ đề “Tạo lập môi trường pháp lý để phát triển kinh tế thể thao”, nhằm giúp đánh giá môi trường pháp lý hiện nay, những thuận lợi, khó khăn của các cơ quan, tổ chức trong triển khai các hoạt động TDTT để tiến tới đề xuất kiến tạo môi trường thuận lợi, thúc đẩy các hoạt động kinh tế thể thao; phát huy tối đa của khu vực ngoài công lập trong hầu hết các lĩnh vực hoạt động của TDTT theo tinh thần Kết luận số 70-KL/TW của Bộ chính trị ngày 31/01/2024. Các nội dung chính được thảo luận bao gồm các vấn đề pháp lý xung quanh việc quản lý, tổ chức các hoạt động thể thao trong nước và quốc tế (cơ chế phối hợp giữa các bên liên quan); vai trò của các hội thể thao quốc gia đối với hoạt động thể thao thành tích cao, thể thao chuyên nghiệp và thể thao phong trào; chính sách quản lý và sử dụng cơ sở hạ tầng thể thao nhằm phát huy nguồn lực tại chỗ và khuyến khích các hoạt động thể dục thể thao phát triển.
Phiên thảo luận 2 đề cập tới “Tác động kinh tế của việc tổ chức các sự kiện thể thao lớn đối với địa phương, đơn vị đăng cai”. Hiện nay, các sự kiện thể thao quy mô lớn tiếp tục được sự quan tâm của nhiều quốc gia trên thế giới và đã minh chứng đem lại nhiều nguồn lợi từ hoạt động này. Tuy nhiên, để tối đa hóa lợi ích và giảm thiểu rủi ro, thông qua phiên thảo luận này giúp các địa phương, đơn vị đăng cai nhận thức, có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, lên kế hoạch chi tiết, phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng như thế nào giúp tìm ra những hướng đi phù hợp, hiệu quả cho địa phương, đơn vị mình. Các nội dung chính được thảo luận bao gồm vị thế chủ nhà - lợi ích và thách thức; làm thế nào để đăng cai một sự kiện thể thao lớn; vai trò của cơ quan quản lý nhà nước trong việc quyết định đăng cai một sự kiện thể thao lớn (nhận thức, chính sách, sự ủng hộ...); lợi ích thương mại lâu dài từ việc phát triển thương hiệu địa phương thông qua các hoạt động, sự kiện thể thao.
Phiên thảo luận 3 hướng đến “Khai thác giá trị thương mại và lợi ích xung quanh một giải thi đấu thể thao”. Việc tổ chức một giải đấu thể thao mang lại nhiều lợi ích đa dạng, không chỉ cho các vận động viên và người hâm mộ mà còn cho cả cộng đồng và nền kinh tế. Qua phiên thảo luận này, các hội, các đơn vị, tổ chức liên quan hiểu và khai thác giá trị thương mại từ một giải thi đấu thể thao như thế nào cho đạt hiệu quả cao nhất. Các nội dung chính được thảo luận bao gồm sự tham gia và tiêu dùng của người hâm mộ thông qua giải đấu; cách tiếp cận, các điều kiện cần và đủ, lợi ích đem lại từ quyền phát sóng và dịch vụ trực tuyến; những bài học từ C1 - giải bóng đá cấp câu lạc bộ lớn nhất thế giới.
Phát biểu tại diễn đàn, ông Lê Thanh Liêm – Chánh Thanh tra Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, chia sẻ về môi trường pháp lý để triển khai các hoạt động thể dục thể thao hiện nay; khẳng định hệ thống pháp luật về TDTT được chi thành hai nhóm: Nhóm điều chỉnh trực tiếp các hoạt động TDTT; nhóm các văn bản có liên quan, đặc biệt là các quy định liên quan đến khuyến khích đầu tư, huy động nguồn lực, chính sách thuế đối với hoạt động TDTT.
"Hệ thống pháp luật về TDTT đã tạo ra bước chuyển biến căn bản trong nhận thức của toàn xã hội về vị trí, vai trò, tác dụng của TDTT trong việc bảo vệ, nâng cao sức khoẻ, thể lực, tầm vóc và chất lượng cuộc sống của nhân dân, chất lượng nguồn nhân lực, giáo dục ý chí, đạo đức, xây dựng lối sống và môi trường văn hoá lành mạnh, góp phần củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, mở rộng quan hệ hữu nghị và hợp tác quốc tế. Tạo hành lang pháp lý quan trọng để nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong quản lý và phát triển sự nghiệp TDTT.
Từ chỗ TDTT hoàn toàn được bao cấp bởi Nhà nước, đến nay đã từng bước được xã hội hoá, một số môn thể thao chuyển dần sang cơ chế thể thao chuyên nghiệp, vai trò của các tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp về TDTT ngày càng được nâng cao; các hoạt động TDTT được tổ chức thường xuyên trong các đối tượng và ở các vùng miền của đất nước, đã và đang thu hút sự tham gia đông đảo của nhân dân; hoạt động kinh doanh dịch vụ TDTT ngày càng phát triển, đóng góp nhiều hơn vào phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Góp phần luật hóa các quy định của điều ước quốc tế trong lĩnh vực TDTT mà Việt Nam là thành viên, thúc đẩy giao lưu, hợp tác TDTT giữa Việt Nam với các nước và các tổ chức thể thao quốc tế, góp phần thực hiện thắng lợi chủ trương của Đảng và Nhà nước về hội nhập quốc tế. Thúc đẩy sự phát triển của thể thao Việt Nam trong những năm qua: tỷ lệ người tập thể dục thể thao thường xuyên tăng đạt 29,53% tổng số dân, tỷ lệ gia đình thể thao đạt 21,2% tổng số hộ gia đình trên toàn quốc, số lượng huy chương giành được tại các giải thể thao quốc tế chính thức tăng thành tích của đoàn thể thao Việt Nam luôn nằm trong 3 nước đứng đầu các nước Đông Nam Á, một số vận động viên đạt trình độ hàng đầu Châu Á và thế giới", ông Lê Thanh Liêm cho biết.
Còn TS. Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Vụ trưởng Vụ Xã hội, Ban Kinh tế Trung ương, thì chia sẻ: Kinh tế thể thao là một trong những ngành kinh tế có tốc độ phát triển nhanh trên thế giới. Giá trị thị trường thể thao toàn cầu năm 2023 đạt 512,14 tỷ USD và dự kiến đạt 623 tỷ USD vào năm 2027. Tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm của thị trường thể thao đạt 5,2%, cao hơn nhiều so với tốc độ tăng trưởng bình quân GDP toàn cầu.
Việt Nam là quốc gia nằm trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương có sự phát triển "nóng" về kinh tế thể thao, với tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm cao hơn so với toàn cầu. Kinh tế thể thao ở Việt Nam khởi đầu từ chính sách “Xã hội hóa” của Đảng và Nhà nước đã mang lại hiệu quả to lớn.
Trong thời gian qua, các hoạt động kinh doanh tài sản, thị trường và tiêu dùng thể thao; hoạt động kinh doanh thể thao ở trong nước và ở nước ngoài; quản trị sản xuất, dịch vụ và marketing thể thao; kinh doanh thể thao chuyên nghiệp, thể thao giải trí; tài trợ thể thao và thể thao nhà nghề trong thị trường thi đấu thể thao; thị trường lao động và chuyển nhượng VĐV, huấn luyện viên nhà nghề từng bước phát triển; nhiều thương hiệu thể thao lớn trên thế giới đã lựa chọn Việt Nam là một trong số những quốc gia gia công sản phẩm chủ chốt, việc một lượng lớn nguồn đầu tư từ nước ngoài đã tạo ra cú hích không nhỏ đối với ngành sản xuất và tiêu thụ các trang thiết bị dụng cụ thể thao, các doanh nghiệp trong nước không chỉ tích cực tham gia vào chu trình sản xuất mà còn được tiếp cận với những chu trình quản lý, sản xuất và tiêu thụ khoa học, hiện đại, các sản phẩm đã được cải thiện đáng kể về mặt chất lượng và thiết kế, đáp ứng tốt nhu cầu trong nước và xuất khẩu.
Theo TS. Nguyễn Mạnh Hùng, kinh tế thể thao của Việt Nam được vận hành theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, với mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, việc phát triển các ngành kinh tế trong đó có kinh tế thể thao sẽ tạo cơ sở, nguồn lực cho giải quyết các vấn đề xã hội. Việc lựa chọn phát triển hàng hóa và dịch vụ thể thao phải phù hợp với điều kiện thực tiễn của quốc gia (căn cứ vào đặc thù địa lý, khí hậu…), tính khả thi (yếu tố văn hóa, thể chất, y tế, lịch sử, pháp luật...), đảm bảo nguyên tắc “thúc đẩy sản xuất kinh doanh” nhưng phải “bảo vệ môi trường” và “thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội”.
"Bên cạnh những quy luật, nguyên lý, quy tắc, quan hệ kinh tế của kinh tế học nói chung (kinh tế thị trường) kinh tế thể thao có những đặc điểm gắn với chính bản chất, tính chất của thể dục thể thao, đó là:
Thứ nhất, kích thích phát triển sản xuất hàng hóa và cung cấp dịch vụ thể thao: khi số lượng người luyện tập thể thao tăng lên sẽ giúp cho hoạt động sản xuất các loại hàng hóa (quần, áo, giầy, tất, dụng cụ luyện tập…) và dịch vụ thể thao (các dịch vụ hướng dẫn luyện tập, các sự kiện, chăm sóc y tế…) phát triển.
Thứ hai, hàng hóa, dịch vụ thể thao vừa có tính chất của hàng hóa, dịch vụ thông thường (như quần áo, dụng cụ cho nhu cầu luyện tập) vừa có tính chất của hàng hóa, dịch vụ công cộng (tập thể dục buổi sáng của cộng đồng).
Thứ ba, có thể tham gia trực tiếp vào một khâu (công đoạn) giá trị nào đó mà mình có lợi thế so sánh và có thể thu lợi (lợi nhuận) một cách bền vững: một nước đi sau không nhất thiết phải xây dựng từ đầu một ngành kinh tế mới hoàn chỉnh mà có thể liên kết hay hội nhập ngay vào chuỗi hay chùm giá trị hàng hóa, dịch vụ về thể thao.
Thứ tư, thúc đẩy sử dụng có hiệu quả các nguồn lực trong xã hội bao gồm: vốn tài chính; nhân lực; khoa học và công nghệ; thông tin và quản lý.
Thứ năm, trong kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa Phát triển các loại hàng hóa và dịch vụ thể thao đảm bảo phát triển ổn định, bền vững, sử dụng một cách tiết kiệm, có hiệu quả nguồn tài nguyên quốc gia, bảo vệ môi trường sinh thái, có giá trị lớn về văn hóa, xã hội phản ánh truyền thống dân tộc, văn hóa con người Việt Nam, có sự tham gia đầy đủ của các thành phần kinh tế, đa dạng hóa hình thức sở hữu dưới sự quản lý và điều tiết của Nhà nước.
Do đó, các loại hàng hóa, dịch vụ thể thao được lựa chọn phải đảm bảo không gây ảnh hưởng xấu đến môi trường tự nhiên, môi trường xã hội; đảm bảo mọi người dân đều phải được tiếp cận và sử dụng các loại hàng hóa, dịch vụ đó; các doanh nghiệp kinh doanh không vì mục tiêu tối đa hóa lợi nhuận mà phải đảm bảo lợi ích của người dân", TS. Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh.
"Diễn đàn Kinh tế thể thao năm 2023 từng nhận được nhiều sự quan tâm, ủng hộ của các bộ, ngành liên quan, quy tụ những quan điểm, ý kiến, chia sẻ kinh nghiệm quý báu từ các cơ quan tổ chức, cá nhân về các vấn đề liên quan đến quản lý và phát triển kinh tế thể thao Việt Nam. Trên tinh thần đó, bằng kinh phí từ nguồn xã hội hóa, Cục Thể dục Thể thao, Ủy ban Olympic Việt Nam, Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Công ty Vietcontent tiếp tục tổ chức Diễn đàn Kinh tế thể thao năm 2024.
Diễn đàn Kinh tế thể thao được tổ chức thường niên để các cơ quan quản lý, các nhà nghiên cứu, các doanh nghiệp, các hội thể thao quốc gia và cá nhân hoạt động, nghiên cứu, kinh doanh trong lĩnh vực thể thao gặp gỡ, trao đổi và chia sẻ về các vấn đề lớn liên quan đến quan điểm, cách thức quản lý, vận hành, khai thác nguồn lực kinh tế từ các hoạt động, sự kiện thể thao. Những ý kiến tại Diễn đàn sẽ được Ban Tổ chức ghi nhận và làm cơ sở cho việc đề xuất các chủ trương, chính sách phát triển kinh tế thể thao của Việt Nam; đồng thời cũng là những gợi mở quan trọng đối với công tác quản lý ngành và giúp cho các doanh nghiệp chủ động hơn trong việc tham gia vào thị trường kinh tế thể thao của Việt Nam trong thời gian tới", đại diện BTC chia sẻ.