Vượt qua khó khăn, tăng trưởng ổn định
Những năm qua, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh gặp nhiều khó khăn do thời tiết, thiên tai, dịch bệnh diễn biến phức tạp, giá phân bón, vật tư tăng mạnh… nhưng ngành nông nghiệp vẫn đạt tốc độ tăng trưởng ổn định.
Mặc dù có quy mô và giá trị chiếm tỷ trọng tương đối nhỏ trong toàn nền kinh tế (12,8% năm 2022), nhưng nông nghiệp là ngành có sức lan tỏa lớn, tác động trực tiếp đến hàng chục nghìn hộ nông dân. Nông nghiệp không những đảm bảo cung cấp lương thực, thực phẩm cho tiêu dùng trong tỉnh, mà còn phục vụ xuất khẩu, cung cấp nguyên liệu cho công nghiệp chế biến…
Năm 2022, giá trị sản xuất toàn ngành nông nghiệp đạt 8.800 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt trên 5,34%, giá trị sản phẩm/ha canh tác đạt 90 triệu đồng. Trong năm, sản lượng lương thực có hạt đạt trên 338 nghìn tấn. Các cây trồng chủ lực phát triển mạnh, mang lại giá trị thu nhập cao cho nông dân (cây dược liệu đạt 390 tỷ đồng, cây chè đạt 274 tỷ đồng, cây chuối đạt 140 tỷ đồng, cây ăn quả ôn đới đạt 160 tỷ đồng; cây quế đạt gần 800 tỷ đồng…). Nhiều mặt hàng nông sản đã được thị trường đón nhận, đáp ứng tiêu chuẩn của thị trường trong nước và xuất khẩu...
Nông nghiệp đã khẳng định vai trò là “trụ đỡ” của nền kinh tế thông qua việc bảo đảm vững chắc an ninh lương thực trong mọi tình huống, tạo sinh kế, việc làm và thu nhập ổn định cho người dân nông thôn, diện mạo nông thôn có nhiều đổi mới; hạ tầng thiết chế về giao thông, thủy lợi, văn hóa, y tế, giáo dục… được cải thiện, hộ nghèo giảm, đời sống người dân nâng lên, góp phần quan trọng ổn định chính trị - xã hội và phát triển.
Phát triển nông nghiệp xanh
Xuất phát điểm về sản xuất nông nghiệp của Lào Cai thấp, “đi sau” so với nhiều địa phương khác. Vì vậy, Nghị quyết 10 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy xác định có tư duy và hướng đi phù hợp để có thể vượt lên, “về trước” thông qua việc phát triển một số ngành hàng chủ lực với định hướng đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp xanh, nông nghiệp hữu cơ. Tỉnh tập trung quy hoạch, phát triển vùng sản xuất hàng hóa đối với 6 ngành hàng chủ lực (chè, dược liệu, chuối, dứa, quế, chăn nuôi lợn), 2 lĩnh vực là phát triển kinh tế đồi rừng và ngành hàng tiềm năng địa phương.
Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 8.400 ha chè, hơn 3.000 ha chuối, 2.200 ha dứa, 890 ha cây dược liệu, hơn 55.000 ha quế, đàn lợn đạt 432 nghìn con... Các địa phương vận động người dân phát triển kinh tế dưới tán rừng bền vững thông qua việc phát triển rừng có giá trị kinh tế cao như quế, trẩu, bồ đề…; cây cho lâm sản phụ như măng các loại, cánh kiến trắng (nhựa bồ đề), hạt trẩu, hồi, thuốc tắm người dao đỏ, dược liệu dưới tán rừng...
Toàn tỉnh có hơn 4.200 ha sản xuất nông nghiệp được chứng nhận đạt tiêu chuẩn hữu cơ quốc tế, gồm: 3.503 ha quế, gần 700 ha chè. Sản xuất nông nghiệp hữu cơ thu hút 4 doanh nghiệp, 2 hợp tác xã đầu tư liên kết tiêu thụ, với khoảng 2.500 hộ nông dân tham gia.
Ngành nông nghiệp đã chủ động tham mưu, triển khai hiệu quả cơ chế, chính sách để khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ, lồng ghép nguồn lực thực hiện các dự án liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị thuộc 3 chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2022 - 2025. Đồng thời chỉ đạo các địa phương nâng cao chất lượng, mở rộng các vùng sản xuất nông nghiệp hữu cơ (chè, quế, cây ăn quả, rau) nhằm nâng cao giá trị, phát triển bền vững phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.
Ngành nông nghiệp phối hợp với các cấp, các ngành liên quan xây dựng, hoàn thiện quy trình kỹ thuật theo tiêu chuẩn hữu cơ cho các sản phẩm chủ lực; tập huấn chuyển giao kỹ thuật về các tiêu chuẩn, quy chuẩn liên quan đến sản xuất, bảo quản, chế biến sản phẩm nông nghiệp hữu cơ cho các doanh nghiệp, hợp tác xã và người dân. Tiếp tục ứng dụng chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp hữu cơ; tăng cường thông tin, tuyên truyền về vai trò, lợi ích của sản phẩm hữu cơ... Khuyến khích, kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm; tạo quỹ đất thu hút đầu tư xây dựng các dự án chế biến nông sản; tăng cường xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, coi trọng phát triển thị trường trong nước, mở rộng thị trường xuất khẩu đối với các sản phẩm chủ lực như chè, chuối, dứa, quế, chế biến lâm sản… thúc đẩy nông nghiệp phát triển bền vững.