Sáng sớm, khi những làn sương mù bốc lên từ mặt sông Hồng lơ lửng trườn theo triền sông, vương tràn cánh đồng rau màu cũng là lúc nông dân thôn Đồng Tâm, xã Sơn Hải ra đồng làm các công việc như tưới rau, bón phân, nhổ cỏ. Toàn bộ cánh đồng bãi bồi ven sông Hồng rộng nhất xã Sơn Hải chủ yếu do bà con thôn Đồng Tâm, thôn An Tiến canh tác xưa nay.
Vụ đông này, bà con tiếp tục trồng nhiều loại rau như cải các loại, su hào, xà lách, rau gia vị và trồng ngô, khoai lang, khoai tây. “Giờ nước tưới cũng tiện, đường nội đồng đổ bê tông có ở khắp nơi, việc chuyên chở rau hay bán rau tại chân ruộng thuận lợi hơn nhiều”, một người dân thôn Đồng Tâm cho hay.
Ông Vũ Tuấn Khơi, Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Hải cho biết, vụ đông năm 2024, xã tập trung sản xuất tại 7 thôn với diện tích 53 ha, tăng hơn 10 ha so với năm trước để bù đắp sản lượng thiệt hại do ảnh hưởng của bão Yagi. Xã định hướng xây dựng kế hoạch với trọng tâm mở rộng diện tích trên chân ruộng lúa 2 vụ vùng thấp, nơi thuận lợi nước tưới, tập trung vào các cây trồng có thị trường tiêu thụ ổn định.
Ngay sau thiên tai, UBND xã Sơn Hải đã chỉ đạo bà con trồng các cây rau ngắn ngày để bù đắp sản lượng, nâng cao giá trị và ổn định thị trường thực phẩm trong thời điểm ngắn hạn. Kết quả, nhiều diện tích rau đã có 2 đến 3 chu kỳ thu hoạch kể từ sau bão, giá bán khá cao và ổn định. Thống kê của Văn phòng UBND xã Sơn Hải cho thấy năng suất ngô nếp đạt 20 tấn/ha, giá bán trung bình 10 nghìn đồng/kg; rau cải các loại có năng suất đạt 16 tấn/ha, giá bán trung bình 7 nghìn đồng/kg; khoai lang có năng suất đạt 21 tấn/ha, giá bán 15 nghìn đồng/kg; khoai tây có năng suất và giá bán tương đương với khoai lang.
Tại xã Thái Niên, Đảng ủy xã ban hành Nghị quyết chuyên đề về sản xuất vụ đông năm 2024 với mục tiêu phấn đấu trồng cây vụ đông trên diện tích 136 ha tại 13/16 thôn của xã. Ngoài cây rau, củ, quả các loại, xã Thái Niên còn phát triển mạnh một số loại hoa có giá trị kinh tế cao. Bà Lê Thị Thùy, Bí thư Đảng ủy xã cho biết địa phương định hướng phát triển vụ đông năm 2024 với trọng tâm là các loại rau, củ, quả theo hướng đảm bảo điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm, tiêu chuẩn VietGAP, sản xuất theo quy trình hữu cơ hoặc các tiêu chuẩn của đối tác đặt hàng yêu cầu, sản xuất bám sát nhu cầu thị trường.
Đảng ủy xã cũng định hướng các thôn phát huy lợi thế sẵn có để lựa chọn các cây trồng, tính toán mùa vụ phù hợp, trong đó tập trung 7 thôn vùng đất bãi ven sông Hồng, 2 thôn trung tâm xã. Xã còn khuyến khích người dân áp dụng công nghệ mới vào sản xuất, tích cực liên kết trong tiêu thụ, tham gia quá trình xây dựng nhãn hiệu hàng hóa tập thể cho một số sản phẩm thế mạnh.
Ông Nguyễn Thế Trường, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bảo Thắng cho biết: Theo kế hoạch được UBND huyện phê duyệt, vụ đông 2024, địa phương sản xuất 714 ha rau màu tại 14/14 xã, thị trấn. Khi triển khai, các địa phương đã nâng diện tích thực hiện lên 825 ha. Lý do vượt là nhằm bù đắp sản lượng, diện tích cây trồng bị thiệt hại bởi mưa lũ. Cây trồng vụ đông 2024 của huyện Bảo Thắng tập trung vào bắp cải với diện tích 110 ha, su hào 80 ha, cà chua 38 ha, dưa chuột 33 ha, rau các loại khác 222 ha, ngô ngọt 90 ha, ngô hạt 50 ha, khoai lang 95 ha, khoai tây 22 ha, hoa 20 ha... Phần lớn diện tích cây vụ đông đến nay đã cho thu hoạch và tái sản xuất chu kỳ thứ 2, thứ 3 như một số loại rau ngắn ngày.
Theo ông Nguyễn Thế Trường, ngoài tham mưu UBND huyện chỉ đạo các xã, thị trấn tổ chức sản xuất đúng thời vụ, đảm bảo diện tích, lựa chọn cây trồng, Phòng còn tham mưu chỉ đạo việc liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ. Kết quả là các địa phương đã thu hút được 1 doanh nghiệp đến từ tỉnh Bắc Ninh liên kết sản xuất 21 ha dưa leo tại xã Gia Phú (10 ha) và xã Thái Niên (11 ha). Hiện dưa leo đang sinh trưởng, phát triển tốt. Huyện cũng chỉ đạo các xã, thị trấn tiếp tục có cơ chế thúc đẩy liên kết sản xuất giữa các doanh nghiệp, hợp tác xã tại địa bàn với người dân và tuyên truyền, vận động các hộ sản xuất thực hiện đúng cam kết, hợp đồng về kỳ thu hoạch sản phẩm, giá bán để tạo liên kết bền vững, sản xuất ổn định. Huyện Bảo Thắng đề ra chỉ tiêu mỗi xã, thị trấn lựa chọn từ 2 đến 3 sản phẩm cây trồng có tiềm năng để đăng ký xây dựng vùng sản xuất hàng hóa có quy mô tập trung, là cơ sở để thu hút doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm, liên kết đầu tư sản xuất.
Sản xuất vụ đông vốn là vụ tăng thêm, khá ngắn hạn, xen kẽ giữa 2 vụ sản xuất chính trong năm nhưng đang có tương quan về giá trị sản xuất, nguồn thu nhập cao hơn vụ chính, góp phần nâng cao đời sống nông dân. Theo ông Nguyễn Thế Trường, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, kinh nghiệm rút ra là nơi nào cấp ủy đảng, chính quyền chủ động, có chủ trương, kế hoạch, phương án sản xuất kịp thời, sát thực thì nơi đó sẽ thành công, thắng lợi và niềm vui của người nông dân được nhân lên.