Đợt mưa lũ đầu tháng 9 vừa qua, hơn 3.000 mét vuông vườn trồng các loại rau màu bị ngập úng hoàn toàn. Sau khi nước rút, gia đình anh bắt tay vào vệ sinh vườn, làm đất và trồng dưa chuột, mướp đắng, mướp ngọt, đậu đỗ, bắp cải… Các loại cây được trồng rải vụ cho thu hoạch liên tục và bán được giá.
Hiện tại, giá bán dưa chuột bán tại vườn dao động 5 - 6 nghìn đồng/kg, giá mướp đắng dao động 6 - 7 nghìn đồng/kg. Nhờ sớm gieo trồng rau màu trở lại đã giúp gia đình anh Thuận có thu nhập, bù đắp thiệt hại sau mưa lũ.
Cũng tại thôn Soi Cờ, vợ chồng anh Đoàn Văn Hòa và chị Nguyễn Thị Nga tất bật chăm sóc những luống su hào, đậu đỗ và su su đang vươn lên giàn. Anh Hòa cho biết: Với trên 5.000 mét vuông trồng rau của gia đình, thời điểm này các năm trước đang vào thu hoạch rộ và cho khoản thu nhập tương đối tốt. Nhưng đợt mưa lũ vừa qua, diện tích rau của gia đình đã bị chết do ngập nước lâu ngày, bùn đất bồi dày thêm 20 - 30 cm.
Để phục hồi toàn bộ diện tích này, 3 lao động được huy động thêm và 2 máy cày phải làm việc liên tục trong khoảng 20 ngày mới hoàn thành khâu vệ sinh vườn và làm đất, sau đó mới tiến hành gieo trồng.
Các hộ dân trong thôn Soi Cờ sống chủ yếu dựa vào sản xuất rau các loại cung cấp cho thành phố Lào Cai và các khu công nghiệp, nên khi lũ rút, tất cả đều dồn sức vệ sinh vườn, làm đất, lo giống để vào ngay vụ mới. Đến nay, hầu hết hộ trong thôn đã phục hồi toàn bộ diện tích bị ngập úng và nhiều loại rau ngắn ngày đã cho thu hoạch.
Đợt mưa lũ vừa qua, gần 8 ha rau xanh các loại (mướp, bầu, bí ngô, rau cải, đỗ…) đang bước vào kỳ thu hoạch đã bị thiệt hại trên 70% sản lượng. Vì vậy, ngay sau khi nước rút, xã chỉ đạo cán bộ nông nghiệp xuống tận vườn ruộng, đến từng nhà để hướng dẫn bà con khôi phục lại vùng rau bằng những loại cây phù hợp với điều kiện canh tác, lựa chọn chủng loại rau có thời gian sinh trưởng ngắn, đáp ứng nhu cầu thị trường và đặc biệt phục vụ để bán trong dịp Tết sắp tới.
Hiện nay, toàn xã Gia Phú có 40 ha rau, trong đó 23 ha chuyên canh… Nông dân xã Gia Phú đã đưa vào canh tác các loại rau ưa đất phù sa ẩm, sinh trưởng nhanh, được người tiêu dùng ưa chuộng nên bán được giá như: mướp đắng, mướp ngọt, đậu đỗ các loại, su hào, súp lơ, su su, cải bắp, cà chua, rau gia vị...
Còn tại xã Thái Niên, vùng chuyên canh rau dọc sông Hồng, gồm các thôn: Quyết Tâm, Lạng, Báu, Lượt, Thái Niên, Múc, Làng Giàng, Cầu Xum - nơi có trên 60 ha rau, cây ăn quả bị ngập úng, thiệt hại nặng, nhưng đến nay nhiều diện tích cũng đã được phủ xanh, với các loại rau như: cải ngọt, bí ngô lấy ngọn, đậu đỗ, xà lách, su hào, súp lơ…
Năm nay, lũ sông Hồng dâng cao, diện tích canh tác của bà con nông dân các thôn: Quyết Tâm, Báu, Thái Niên, Múc, Làng Giàng bị thiệt hại nhiều về cây ăn quả, rau màu các loại; khi nước rút để lại lớp bùn có nơi rất dày, gây khó khăn cho việc gieo trồng trở lại.
Theo ông Đỗ Ngọc Sơn, Chủ tịch UBND xã Thái Niên: Chính quyền xã phối hợp với đơn vị chuyên môn của huyện hướng dẫn người dân đào bùn vùi lấp tại gốc cây na để tránh nghẹt rễ gây chết cây, thực hiện trồng xen giống bí lấy ngọn và rau cải ưa bóng mát dưới tán cây na. Cùng với đó, chỉ đạo người dân các thôn chuyên canh rau tập trung khôi phục lại diện tích thiệt hại, bằng cách gieo trồng các loại rau, đậu đỗ có thời gian sinh trưởng ngắn, bảo đảm gối vụ liên tục, đáp ứng nhu cầu thị trường. Hiện tại, nhiều diện tích rau bị ngập úng do mưa lũ đã xanh trở lại với các loại bí, bầu, đậu đỗ, cà chua...
Để phục hồi sản xuất nông nghiệp sau mưa lũ, huyện Bảo Thắng đã thành lập các đoàn kiểm tra và chỉ đạo công tác khắc phục thiên tai tại các xã, thị trấn.
Mấu chốt là hướng dẫn bà con nông dân các biện pháp kỹ thuật tiêu úng, vệ sinh đất và lựa chọn cây trồng phù hợp. Bên cạnh đó, phân bổ hỗ trợ 5,1 tấn ngô nếp và ngô tẻ, 405 kg hạt giống rau các loại, hàng trăm lít hóa chất cho người dân khôi phục sản xuất ngay sau mưa lũ