1. Vượt hơn 200km đường núi quanh co, chúng tôi đến Tây Giang trong một ngày đầu tháng 8. Khác với không khí nóng bức, ngột ngạt của mùa hè miền Trung, Tây Giang đón chúng tôi trong làn gió mát như giữa mùa thu. Từng đàn trẻ ở thôn Pơr'ning, xã Lăng ùa ra khi thấy những chiếc ô tô đi vào sân nhà Gươl. Ở góc bên phải, một nhóm người dân Cơ Tu đang nướng thịt, bổ sắn, rửa rau…, chuẩn bị một bữa thịnh soạn để đón đoàn khách từ Tam Kỳ ghé thăm.
Âm nhạc và múa chính là linh hồn của di sản văn hóa Cơ Tu.
Cười tươi từ xa, già làng Bríu Pố ở thôn Arớh, xã Lăng làm cả đoàn chúng tôi ngỡ ngàng trước tiếng sáo lạ lẫm nhưng lại đầy mê hoặc. Già bảo, đó là một trong những nét đặc sắc trong cách tiếp đón khách quý của người dân nơi đây. “Người Cơ Tu gắn bó với rừng, yêu mảnh đất quê hương và cũng giàu lòng mến khách. Chúng tôi có tục cả làng nấu cơm đãi khách và luôn muốn được giữ gìn, lan tỏa nét văn hóa phong phú, truyền thống của người Cơ Tu”, già làng Bríu Pố nói.
Chỉ vào nhà Gươl nằm giữa sân, xung quanh được bao bọc bởi những ngôi nhà nhỏ hơn nằm xen lẫn với các cây hoa màu sắc sặc sỡ, già làng Bríu Pố cho biết, nhà Gươl được dựng lên bằng công sức của mọi người trong thôn và được người Cơ Tu coi là chốn linh thiêng, nơi cư ngụ của thần linh, ông bà, tổ tiên. Các buôn làng, thôn xóm của người Cơ Tu dù giàu hay nghèo đều có nhà Gươl. “Gươl, tiếng Cơ Tu có nghĩa là công cộng - cộng đồng. Theo phong tục từ xa xưa, người Cơ Tu khi lập làng, dựng nhà đều chọn đất. Nhà Gươl là trung tâm sinh hoạt của cả thôn. Không gian nhà Gươl cũng là nơi tổ chức nhiều lễ hội truyền thống của thôn như lễ ăn mừng lúa mới, lễ ăn thề kết nghĩa anh em giữa hai thôn Cơ Tu…”, già làng Bríu Pố giải thích.
Quả thật, nhìn vào vị trí trung tâm của nhà Gươl cũng đủ thấy ngôi nhà này có ý nghĩa quan trọng như thế nào đối với người dân nơi đây. Trong kiến trúc truyền thống, nhà Gươl của dân tộc Cơ Tu là nhà sàn được chống bởi cây cột cái ở giữa và 8 cây cột con ở xung quanh. Mái nhà được lợp bằng lá nón hoặc lá mây. Nhìn từ xa, mái Gươl có hình dáng như trái xoài. Người Cơ Tu chạm khắc rất nhiều trên kết cấu gỗ của nhà Gươl những tác phẩm điêu khắc về những con vật hay cảnh lao động hoặc hoạt động văn hóa của họ. Các lễ hội thường diễn ra trong khuôn viên nhà Gươl. Khi một người dân làng mất đi, đám ma cũng được tổ chức ở nhà Gươl. Đặc biệt, nhà Gươl còn là biểu tượng tinh thần đoàn kết của người Cơ Tu, bởi khi đến đây, mọi người không được cãi nhau, đánh nhau.
Cũng theo già làng Bríu Pố, cho đến nay, ngoài việc phục hồi kiến trúc nhà Gươl, khó có nơi nào gìn giữ được nguyên sơ nhiều nét văn hóa Cơ Tu độc đáo như ở Tây Giang. Đó là bảo tồn nghề dệt, khôi phục ẩm thực, sưu tầm, biên chép về phong tục, tín ngưỡng, lễ hội, dân ca, dân vũ... Chẳng hạn như thôn Pơr'ning, xã Lăng có nghề truyền thống là đan lát, thổ cẩm, phù điêu, điêu khắc. Trải qua thời gian, giờ đây, dân trong thôn chỉ mới duy trì được nghề dệt thổ cẩm với khoảng 40 hộ biết dệt, tham gia dệt và nghề đan lát.
Anh BhLing Phát - trưởng thôn Pơr'ning tiếp lời già làng Bríu Pố: “Thổ cẩm ở Pơr'ning được làm hoàn toàn thủ công và khép kín, từ các nguyên liệu bông, gai, đay, xe sợi, nhuộm, dệt vải, tạo hoa văn, tra cườm, thêu… cho đến công đoạn may thành sản phẩm. Hiện, người dân Pơr'ning tự dệt ở nhà. Điều đáng mừng ở đây là có sự chuyển giao thế hệ, có những người trẻ tham gia gìn giữ nghề. Những người đang giữ nghề cũng mong muốn nhà nước có cơ chế hỗ trợ để họ vừa giữ nghề nhưng vẫn sống được với nghề”.
Tại thôn Pơr'ning, xã Lăng hiện có 40 hộ biết dệt, tham gia dệt thổ cẩm.
Một điểm đáng chú ý là, bên cạnh các thiết chế văn hóa, gần 80 già làng, trưởng thôn trong Tây Giang đã phát huy tối đa vai trò tuyên truyền, vận động bà con lưu giữ và bảo tồn các giá trị văn hóa phi vật thể của người Cơ Tu. Bí thư huyện ủy Bhling Mia cho hay, trên địa bàn huyện hiện có khoảng 20 lễ hội truyền thống của đồng bào dân tộc Cơ Tu luôn được tổ chức thường xuyên như: Mừng lúa mới, lễ hội khai năm tạ ơn rừng, lễ hội ăn trâu, lễ kết nghĩa… Có 10/10 xã đã thành lập Trung tâm Văn hóa -Thể thao xã, có đội văn hóa, văn nghệ phục vụ đời sống tinh thần của bà con nhân dân ở cơ sở và tham gia các hoạt động do huyện, tỉnh tổ chức. Huyện cũng có 4 nghệ nhân dân tộc Cơ Tu được Chủ tịch nước công nhận là Nghệ nhân ưu tú và đang tiếp tục rà soát, lập hồ sơ đề nghị các cấp tiếp tục công nhận danh hiệu Nghệ nhân ưu tú cho một số nghệ nhân tiêu biểu khác.
Đặc biệt, trên đỉnh ngọn đồi phía sau quảng trường trung tâm huyện, người Cơ Tu ở 10 xã đã tham gia đóng góp công sức để dựng nên Làng truyền thống Cơ Tu gồm 12 nhà truyền thống với 10 nhà sàn, 1 nhà Gươl, 1 nhà dài. Mỗi nhà sàn đại diện cho một xã. Nét kiến trúc và trang trí mỗi nhà tuy có đôi chút khác nhau, nhưng đều mang đậm sắc thái của cư dân Cơ Tu phân bố theo vùng cao, vùng trung và vùng thấp. Thậm chí, người Cơ Tu còn rất tích cực tham gia các hoạt động như: Ngày hội đại đoàn kết, chợ ẩm thực Cơ Tu, ngày hội văn hóa Cơ Tu tại tỉnh nhà hoặc các tỉnh thành xung quanh nhằm quảng bá, giới thiệu nét văn hóa, vùng đất và con người Tây Giang.
2. Khách du lịch tìm đến mảnh đất Tây Giang phần lớn đều nhằm mục đích chiêm ngưỡng và tìm hiểu về văn hóa Cơ Tu, nhất là về lễ kết nghĩa. Thông thường, với các dân tộc khác, lễ kết nghĩa là để gắn bó với nhau và cùng giúp nhau sống tốt hơn, còn với người Cơ Tu, đó lại là cơ hội để giải quyết mâu thuẫn bằng lối nói lý, hát lý để dễ giải bày những tâm tư, tình cảm và thông qua đó, mâu thuẫn giữa các bên được giải quyết, mọi người cùng nói chuyện để hiểu nhau hơn. Tuy nhiên, việc kết nghĩa phải diễn ra một cách tự nguyện, không bên nào bắt buộc bên nào, đặc biệt phải có sự tham dự của Hội đồng già làng của hai bên tổ chức. Hội đồng già làng được dân làng bầu ra và đề cử và phải là người có trách nhiệm, có đóng góp cho làng.
Với du khách nước ngoài, âm nhạc và múa chính cũng là linh hồn của di sản văn hóa Cơ Tu, là yếu tố làm nên nét đặc sắc của lễ hội truyền thống. Cuộc sống gần gũi với thiên nhiên, núi rừng, lối sống phóng khoáng đã hun đúc cho người Cơ Tu những điệu dân vũ mang nét riêng mà nhiều người hay gọi là “văn hóa giữ rừng”. Đó là hình ảnh những trai làng khỏe mạnh, tay cầm giáo mác giữ đất, giữ rừng, đi săn bắn; hoặc cảnh hiến tế với hàng đoàn người phụ nữ tay dâng lễ vật lên Giàng, thần đất, thần sông để cầu mưa, cầu mùa màng ấm no hạnh phúc… Vũ điệu của người Cơ Tu luôn được thể hiện xung quanh cây nêu, cột lễ… thể hiện sự gắn bó, yêu thương nhau, bản làng đoàn kết, gần gũi với thiên nhiên và thêm tin yêu cuộc sống. Trong đó, hai di sản thuộc loại hình diễn xướng dân gian: vũ điệu tung tung za zá và nghệ thuật hát lý - nói lý của người Cơ Tu đã được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Ngồi ở góc nhà Gươl xem các chàng trai cô gái đang biểu diễn, già làng Hôíh Xấc ở thôn A Rới, xã Lăng bảo, người Cơ Tu thích những hoạt động văn hóa cộng đồng như vậy. Tuy luôn ý thức phải gìn giữ truyền thống nhưng người Cơ Tu cũng rất thức thời, những phong tục nào lạc hậu, không còn thích hợp trong xã hội hiện đại đều bị loại bỏ. Chẳng hạn, từ nhiều đời nay, người Cơ Tu thường quan niệm, mỗi khi trong gia đình có người đau ốm, hoặc làng bị mất mùa, thiên tai, dịch bệnh... là do trời, thần linh nổi giận và họ phải tế lễ bằng nghi thức đâm trâu lấy máu cúng thì mới có thể tai qua nạn khỏi. Phong tục đâm trâu của dân tộc Cơ Tu cũng giống như nhiều dân tộc vùng cao ở Quảng Nam, tức là trong ngày lễ, con trâu được buộc vào cây nêu và mọi người dùng cây giáo nhọn đâm cho đến chết. "Đây là hình thức dã man và rất nguy hiểm khi có đông người người chứng kiến. Giờ chúng tôi đã tự bỏ hủ tục này rồi. Địa phương đang hướng đến mục tiêu phát triển du lịch nên những cảnh đâm trâu rùng rợn thực sự không còn phù hợp”, già làng Hôíh Xấc nói.
Là một trong 54 dân tộc anh em của Việt Nam, người Cơ Tu nói tiếng Cơ Tu, một ngôn ngữ thuộc ngữ tộc Môn -Khmer trong ngữ hệ Nam Á. Tại Việt Nam, người Cơ Tu cư trú chủ yếu trên dãy núi Trường Sơn, tại các huyện Đông Giang, Tây Giang, huyện Nam Giang (tỉnh Quảng Nam), A Lưới, Phú Lộc (tỉnh Thừa Thiên -Huế), và rải rác một số ít ở Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh... Dù sinh sống ở đâu, người Cơ Tu vẫn luôn lưu giữ trong mình những giá trị văn hóa truyền thống.