Song song với việc tuyển sinh tại các cơ sở giáo dục đại học, giai đoạn này các trường trung cấp, cao đẳng nghề cũng bước vào những đợt tuyển sinh cuối của năm học mới.
Mặc dù liên tục nhiều năm lượng thí sinh xác nhận nhập học đại học giảm, triển khai nhiều chính sách ưu tiên nhưng các trường nghề vẫn luôn trong tình trạng “khát” sinh viên, học viên theo học.
Đào tạo theo sau nhu cầu thị trường
Thông tin về tình hình tuyển sinh đến thời điểm hiện tại, trao đổi với Người Đưa Tin ông Trịnh Cao Khải - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng du lịch Hà Nội cho biết năm nay trường đã sớm xây dựng phương án tuyển sinh, phát huy tối đa các kênh thông tin đến người học để các em nắm rõ về ngành học.
Năm nay, trường tuyển khoảng 2.200 chỉ tiêu tuy nhiên số lượng tuyển sinh đến nay mới được 70%, trước con số này ông Khải cho biết: “Đặt trong bối cảnh, tình hình phục hồi của ngành như hiện nay lượng tuyển sinh như vậy là ổn nhưng vẫn khó đạt được đủ chỉ tiêu tuyển sinh. Trường vẫn trong thời gian tuyển sinh nhưng theo kinh nghiệm nhiều nay lượng thí sinh những đợt bổ sung sẽ không nhiều”.
Ông Trịnh Cao Khải - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng du lịch Hà Nội.
Vẫn theo xu hướng chung, Quản trị du lịch và Lữ hành là ngành được nhiều thí sinh quan tâm nhất, tuy nhiên ở chiều Quản trị nhà hàng năm nay được ít sinh viên quan tâm.
Nói về lý do việc gặp khó khăn trong việc tuyển sinh, ông Khải cho biết: “Lượng thí sinh xác nhận nhập học năm nay cũng tương đương năm 2022. Mặc dù đã thông tin trong quá trình tư vấn nhưng nguyên nhân là bởi ngành du lịch chưa phục hồi hoàn toàn, cần có một độ trễ nhất định giữa nhu cầu tuyển dụng và lượng cung từ các trường đào tạo”.
Ngoài ra, đại diện Trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội cũng lo ngại cùng với các chính sách Nhà nước như hiện nay số lượng khách du lịch sẽ tăng cao trong thời gian tới, nhu cầu lao động của doanh nghiệp cũng sẽ tăng nhưng việc tuyển sinh nhóm ngành du lịch sẽ bị trễ so với nhu cầu lao động.
Liên hệ phía trường Trung cấp nghề Nấu ăn - nghiệp vụ du lịch và thời trang Hà Nội, ông Nguyễn Xuân Hùng - Hiệu trưởng nhà trường cho biết dù phần lớn các ngành đào tạo đều có cơ hội việc làm cao, thu nhập ổn định nhưng đến nay cũng chưa tuyển đủ chỉ tiêu và đang tiếp tục chiêu mộ thêm sinh viên.
Các trường nghề luôn đối mặt với việc tuyển thiếu chỉ tiêu.
Khó khăn cam kết đầu ra cho sinh viên
Thuộc trường có nhóm ngành nghề đào tạo được nhiều thí sinh quan tâm, Trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội cơ bản có một mùa tuyển sinh tương đối ổn định nhưng theo Đồng Văn Ngọc - Hiệu trưởng nhà trường, hiện vẫn còn nhiều mối lo sau khi các em chọn theo học tại trường.
“Năm nay, chỉ tiêu tuyển sinh vẫn giữ nguyên như năm ngoái khoảng 1000 em và đã tuyển được khoảng hơn 70%, chúng tôi vẫn sẽ tuyển sinh đến hết tháng 10 cho đến khi tuyển đủ. Những ngành học được thí sinh tâm vẫn thuộc về các ngành như Công nghệ ô tô, Điện tử điện lạnh, nhóm ngành cơ khí, Công nghệ thông tin do tác động của nhu cầu thị trường việc làm”, ông Đồng Văn Ngọc cho biết.
Trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội đã thực hiện nhiều chính sách mới khi tuyển sinh kèm tuyển dụng. Theo đó, các em nhập học sẽ được đăng ký làm việc trong nước hoặc nước ngoài. Từ đó nhà trường sẽ chuẩn bị cho sinh viên kết nối với doanh nghiệp.
Khi đăng ký làm việc ngoài nước, sau khi học xong sinh viên sẽ có cơ hội làm việc ở các thị trường Úc, Hàn Quốc, Đức – đều là những đối tác mà do nhà trường giới thiệu.
TS Đồng Văn Ngọc cho rằng việc đảm bảo đầu ra cho sinh viên cần được các trường quan tâm.
Tuy nhiên, chính những cam kết này vừa nâng cao chất lượng đào tạo nhưng đồng thời cũng mang lại những khó khăn cho chính nhà trường. Ông Ngọc chia sẻ: “So với năm trước tuyển sinh đến thời điểm này được đánh giá có kết quả tốt hơn, số lượng nhập học cao hơn năm 2022 khoảng trên 10%. Nhưng về mặt quản trị, tôi đánh giá năm nay sẽ khó khăn hơn với khối trường nghề”.
Có đánh giá như vậy bởi theo ông Ngọc những doanh nghiệp là đối tác lâu năm của nhà trường đang có nhu cầu tuyển dụng mới giảm đi tương đối do tình hình kinh doanh bị ảnh hưởng bởi bối cảnh chung. Từ đó, để lo việc làm, kết nối doanh nghiệp, đảm bảo đầu ra cho các em cũng sẽ bị tác động không nhỏ.
“Nhìn nhận được điều này, từ sớm chúng tôi đã triển khai hợp tác với rất nhiều doanh nên có thể giảm thiểu được sinh viên thiếu việc làm, nhưng với các trường khác nếu hợp tác doanh nghiệp chưa được tốt thì sẽ gặp khó khăn trong việc đảm bảo, cam kết đầu ra cho các em”, ông Ngọc thông tin.
Ngoài ra, vị đại diện nhà trường cũng kỳ vọng sau khoảng 3 năm nữa khi các lứa sinh viên hiện nay tốt nghiệp, lúc đó thị trường việc làm được cải thiện sẽ hạn chế rủi ro được phần nào.