Những người vợ lính

LCĐT - Để dành độc lập tự do cho non sông đất nước, rất nhiều người lính đã ra đi và không bao giờ trở lại, có người trở về, nhưng một phần thân thể còn gửi lại chiến trường. Những cống hiến ấy không gì sánh nổi, nhưng phía sau mỗi chiến sỹ, còn có sự hy sinh thầm lặng và cao cả của những người vợ lính luôn giữ chắc hậu phương để người ra tiền tuyến vững vàng tay súng.

Người đầu tiên tôi muốn kể là bà Phan Kim Lương (vợ liệt sỹ Nguyễn Tiến Giác), tổ 20, phường Pom  Hán (thành phố Lào Cai). Bà Lương được người dân trong tổ hết lời khen ngợi, bởi tính chịu thương chịu khó, tần tảo nuôi con. Tôi đến nhà thăm khi bà vừa trở về sau chuyến thăm mộ chồng tại nghĩa trang liệt sỹ Châu Thành, tỉnh Tây Ninh. Nói với tôi trong niềm xúc động, bà bảo: “Đây là lần đầu tiên sau 38 năm kể từ ngày ông hy sinh, bà mới có điều kiện đi thăm mộ ông”.

Rồi bà cho tôi xem những quyển nhật ký, những lá thư, bài thơ ông viết cho bà khi còn ở chiến trường mà gần 40 năm qua bà luôn gìn giữ như báu vật. Những lá thư, bài thơ vẫn còn như mới viết ngày hôm qua, thỉnh thoảng bà vẫn mang ra đọc mỗi khi nhớ về ông. Bà Lương bùi ngùi kể cho tôi nghe: Ông bà lấy nhau năm 1976. Sau lễ cưới, ông ở lại nhà chưa đầy 2 tháng thì trở về đơn vị ở Tam Kỳ, Đà Nẵng. Nén nỗi buồn, bà ở lại nhà trở thành “người lính” thầm lặng nơi hậu phương để ông yên tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ nơi tiền tuyến. Trách nhiệm của “người lính hậu phương” ấy mỗi ngày dần tăng lên khi trong người bà có thêm mầm sống mới sau lần nghỉ phép ngắn ngủi của ông. Năm 1978, bà mang thai đứa con đầu lòng. Nhưng, niềm vui ngắn chẳng tày gang, khi bà mang thai ở tháng thứ 7, thì nhận được giấy báo tử của ông. Ông hy sinh khi bà mới 25 tuổi, chưa một lần được nghe con gọi tiếng bố thiêng liêng, chưa biết con mình là trai hay gái… Vượt lên nỗi đau, bà gượng sống để làm chỗ dựa cho gia đình chồng và cho giọt máu duy nhất ông để lại. Nhiều lúc, bà nghĩ, hay là ông được cấp trên giao nhiệm vụ bí mật nên làm báo tử giả, hoặc ông bị thương, lạc đơn vị… và cố tin, hy vọng điều đó là sự thật, bởi trong thời chiến điều đó cũng thường xảy ra. Cũng bằng những niềm tin và hy vọng nhỏ nhoi ấy, bà đã tiếp tục vượt qua mọi khó khăn trong cuộc sống để làm tròn nghĩa vụ của người vợ lính, niềm tin ấy đã theo bà suốt 38 năm. Bà luôn tự nhủ, phải thay ông nuôi dạy con thành người tốt, dẫu có nhiều vất vả, khó khăn.

Bà Phan Kim Lương đang xem lại những kỷ vật của chồng.

Bà Phan Kim Lương đang xem lại những kỷ vật của chồng.

Năm 2004, lần đầu tiên con trai bà vào Tây Ninh thăm mộ bố và xác nhận đúng tên tuổi, ngày hy sinh như giấy báo tử đã ghi, lúc ấy bà mới thực sự tin là ông đã chết. “Cũng nhờ niềm tin là ông còn sống mà bà có nghị lực vượt qua khó khăn để sống đến ngày hôm nay. Có những lần, con ốm, bà phải địu con trên lưng để đi làm. Những vất vả của bà đã được đền đáp. Đứa con trai duy nhất ông để lại cho bà giờ đã là chiến sỹ công an, có gia đình riêng và sinh cho bà những đứa cháu ngoan ngoãn, học giỏi. Cũng do hoàn cảnh khó khăn, đến năm 2016, sau 38 năm chồng hy sinh, bà mới hoàn thành được tâm niệm của mình là vào Tây Ninh thăm mộ chồng”, bà Lương xúc động nói.

Với bà Bùi Thị Hậu, tổ 17, phường Bắc Lệnh (thành phố Lào Cai) lại đem đến cho tôi cái nhìn ở khía cạnh khác về người vợ lính. Khi đất nước chưa thống nhất, ông Tống Mạnh Hùng (chồng bà Hậu) tham gia chiến trường miền Nam, chiến đấu ở Tây Nguyên rồi chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Đất nước thống nhất, ông tiếp tục tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở Hà Giang. Những đứa con lần lượt ra đời, bà Hậu - với trách nhiệm là người vợ lính, ngoài thiên chức làm vợ, làm mẹ, còn phải gánh thêm trách nhiệm và thiên chức của người chồng. Là vợ lính, nên bà phải cố gắng hơn những phụ nữ khác để ông yên tâm làm tròn nghĩa vụ với Tổ quốc.

Gần 10 năm sau ngày cưới, năm 1989, ông hoàn thành nghĩa vụ và trở về với gia đình mang theo những vết thương trên cơ thể. Giờ đây, mỗi khi trái gió trở trời, ông lại bị những cơn đau nhức hành hạ. Mỗi lần như vậy, bà hậu lại thức thâu đêm chăm sóc chồng. “Những người vợ lính, dù thời chiến hay thời bình họ đều chịu thiệt thòi, vất vả, nhưng chúng tôi luôn tự hào khi được là vợ của quân nhân”, bà Hậu cười hạnh phúc.

Bà Phan Kim Lương, bà Bùi Thị Hậu chỉ là hai trong rất nhiều người vợ lính luôn âm thầm làm tròn thiên chức “giữ lửa” để chồng yên tâm công tác bảo vệ Tổ quốc. Còn rất nhiều người vợ lính, với hoàn cảnh khác nhau, nhưng tựu chung lại đều biết hy sinh, vượt qua khó khăn để chăm sóc gia đình cho chồng, con yên tâm công tác. Với những người lính quanh năm xa nhà, khi ấy, người vợ trở thành “trụ cột” thay chồng gánh vác việc nhà. Tôi tự hỏi: Nếu không có những người vợ đảm đang chịu khó, thì các chiến sĩ có thể yên tâm hoàn thành nhiệm vụ của đơn vị giao phó. Nghĩ vậy, tôi càng hiểu và khâm phục họ - những người vợ lính.

fb yt zl tw