Cơ sở cai nghiện ma túy số 2 trực thuộc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội đang quản lý và điều trị cho 507 học viên. Thời gian qua, đơn vị đã tích cực xây dựng và triển khai thực hiện phương án lao động trị liệu cho học viên, hướng đến mục tiêu phục hồi sức khỏe, ổn định tâm lý và tái hòa nhập cộng đồng một cách hiệu quả.
Ông Trần Hữu T., 54 tuổi, cư trú ở thị trấn Bát Xát (huyện Bát Xát) thực hiện cai nghiện bắt buộc tại Cơ sở cai nghiện ma túy số 2. Song song với quá trình điều trị, ông T. được học lớp đào tạo nghề lĩnh vực cơ khí, điện dân dụng và học thêm về chăn nuôi. Ông T. tâm sự: "Quá trình học tập, tôi được thực hành nhiều nên chỉ sau 3 tháng đã khá thành thạo đối với các kỹ thuật gò, hàn và lắp đặt hệ thống điện trong gia đình. Ngoài ra, nhờ tiếp cận kỹ thuật chăn nuôi, tôi hiểu rõ tập tính sinh sản, quy trình chăm sóc, phòng bệnh cho đàn dê. Được tiếp cận đa dạng lĩnh vực, tôi tự tin sau này trở về đời thường sẽ có cơ hội làm lại cuộc đời với kiến thức, kỹ năng đã được trang bị".
Từ đầu năm 2024 đến nay, Cơ sở cai nghiện ma túy số 2 đã mở 1 lớp nghề điện dân dụng, 2 lớp gò, hàn cơ khí và 3 lớp nghề xây dựng. Kết thúc khóa học, tất cả học viên được cấp chứng chỉ. Cũng như ông T., các học viên không đơn thuần chỉ học nghề mà còn được tích lũy về giá trị cuộc sống. Đội ngũ cán bộ, giảng viên truyền đạt kiến thức cùng những câu chuyện về nghề, sự vất vả trong lao động của mỗi nghề trước khi đi đến thành công.
Ông Đoàn Hải Thanh, Trưởng Phòng Quản lý học viên cho biết: Cơ sở chuẩn bị kỹ các bài giảng, thực hành nhiều trên nền tảng cơ sở lý thuyết. Chúng tôi cũng tuyên truyền những tấm gương sau khi rời cơ sở đã khởi nghiệp thành công và làm giàu, từ đó thúc đẩy tinh thần cho những học viên đang điều trị.
Hiện Cơ sở cai nghiện ma túy số 2 tập trung vào 4 loại hình lao động - việc làm, đó là ngành nghề xây dựng, kỹ thuật công nghiệp, nghề mộc và sản xuất nông - lâm nghiệp. Điểm đáng chú ý, các hoạt động lao động trị liệu không dừng lại ở mức cung cấp việc làm tạm thời, mà còn hướng đến mục tiêu lâu dài, giúp học viên có những kỹ năng cần thiết để tự lập sau khi hoàn thành chương trình cai nghiện. Mỗi loại hình công việc được thiết kế khoa học, phù hợp với từng đối tượng, giúp học viên lấy lại sức khỏe, sự tự tin và ý chí vươn lên trong cuộc sống. Đặc biệt, quá trình lao động tạo ra sản phẩm, học viên được trả công và tích lũy được một số vốn.
Mỗi ngành nghề đều được lựa chọn phải đảm bảo phù hợp với khả năng và trình độ của học viên, không chỉ giúp học viên rèn luyện kỹ năng lao động, nâng cao thể chất mà còn tạo ra những sản phẩm có giá trị, góp phần cải thiện điều kiện sinh hoạt tại cơ sở.
Song song với việc triển khai các hoạt động lao động trị liệu tại chỗ, Cơ sở cai nghiện ma túy số 2 cũng không ngừng khảo sát và tìm kiếm thêm nhiều cơ hội việc làm mới, đảm bảo học viên có thể duy trì công việc ổn định ngay cả khi đã hoàn thành chương trình điều trị. Việc này không chỉ giúp học viên hòa nhập lại với xã hội một cách thuận lợi mà còn giảm nguy cơ tái nghiện.
Ông Nguyễn Thanh Sơn, Giám đốc Cơ sở cai nghiện ma túy số 2 khẳng định: Điều mong muốn của đơn vị là không chỉ mở ra tương lai cho các học viên mà còn giúp họ có thêm động lực để vượt qua khó khăn, vươn lên làm chủ cuộc đời. Mong muốn cộng đồng đón nhận để họ làm lại cuộc đời và hòa nhập với xã hội.