Mục tiêu của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) là, hết tháng 6/2024, tín dụng toàn hệ thống tăng 5-6%, song đến cuối tháng 5/2024, nhiều ngân hàng vẫn tăng trưởng tín dụng âm, thậm chí có ngân hàng âm tới hơn 10%.
Điểm danh loạt ngân hàng, địa phương tăng trưởng tín dụng âm
Chưa năm nào công tác tín dụng được chỉ đạo sát sao như năm nay, song tín dụng toàn hệ thống đến ngày 14/6 mới tăng 3,79%. Đặc biệt, nhiều ngân hàng đang rơi vào cảnh tăng trưởng tín dụng âm. Ngân hàng ABBank tăng trưởng tín dụng âm hơn 10%, một số ngân hàng tín dụng tăng trưởng âm 1-5%, như SeABank, PVComBank, BAOVIET Bank…
Phó thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho hay, tính đến nay, vẫn có tới 23 địa phương tăng trưởng tín dụng âm, 29 địa phương tín dụng tăng dưới 2%, chỉ có 11 tỉnh, thành phố có mức tăng trưởng tín dụng trên 2%. Trong các tỉnh có tín dụng tăng trưởng âm, mức tăng trưởng âm cao nhất thuộc về Lào Cai (âm 7%). Đáng nói, nhiều tỉnh, thành phố được coi là trọng điểm kinh tế, nơi tập trung khu công nghiệp, khu chế xuất lớn cũng có tín dụng tăng trưởng âm hoặc tăng trưởng tín dụng chậm như Quảng Ninh, Bình Dương, Hải Dương, TP.HCM, Hải Phòng…
Lãnh đạo các ngân hàng thương mại đưa ra rất nhiều lý do của việc tín dụng tăng trưởng chậm. Theo đó, nguyên nhân chủ yếu dẫn tới tình trạng này là cầu của nền kinh tế yếu, nhu cầu vay tiêu dùng của cá nhân giảm mạnh, sức khỏe doanh nghiệp suy yếu, ngân hàng và doanh nghiệp gặp nhiều vướng mắc pháp lý…
Ông Nguyễn Thanh Tùng, Tổng giám đốc Vietcombank cho hay, đến hết ngày 17/6, tín dụng của Vietcombank tăng 2,1%. Nguyên nhân tín dụng tăng chậm là tín dụng cá nhân - chủ yếu là vay mua bất động sản - tăng chậm (thậm chí tăng trưởng âm quý I/2024). Khó khăn pháp lý, nguồn cung bất động sản hạn chế, thu nhập người dân giảm, thị trường bất động sản chưa hồi phục… khiến người dân còn e dè.
Trong khi đó, đại diện VPBank chia sẻ, tín dụng ngân hàng này tính đến ngày 31/5 mới tăng 1,91%, chậm hơn nhiều so với kế hoạch đề ra. Nguyên nhân là khách hàng cá nhân và doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm tỷ trọng lớn (60%) trong khi đây là các đối tượng dễ bị tổn thương, khiến ngân hàng gặp nhiều khó khăn trong thu hồi nợ, phải cơ cấu nợ. Ngân hàng đang phải tập trung cơ cấu lại danh mục sản phẩm.
Tại VIB - cũng tập trung chủ yếu cho vay cá nhân, tín dụng tính tới hết ngày 31/5 mới tăng 1,14%, dù những năm trước, đây là một trong những ngân hàng có tốc độ tăng trưởng tín dụng cao nhất hệ thống. Lãnh đạo ngân hàng này cho hay, nguyên nhân khiến tín dụng tăng chậm, ngoài yếu tố khách quan của nền kinh tế, còn do Ngân hàng có khẩu vị rủi ro khá chặt chẽ. Chính vì vậy, khi nền kinh tế khó khăn, tín dụng cũng tăng chậm tương ứng.
Hạ thêm lãi suất có đẩy được tín dụng?
Nhiều ngân hàng đã mạnh tay hạ lãi vay để kích cầu tín dụng. Lãnh đạo VietinBank cho hay, từ đầu năm đến nay, Ngân hàng đã 8 lần giảm lãi vay. Hiện có những khách hàng được cho vay ngắn hạn với lãi suất thấp hơn lãi suất huy động.
Tương tự, ông Nguyễn Thanh Tùng cho biết, việc giảm lãi vay là rất khó khăn trong bối cảnh mặt bằng lãi suất huy động trên thị trường đang tăng lên. Dù vậy, Vietcombank sẽ tiên phong giảm lãi vay để hỗ trợ nền kinh tế.
Các ngân hàng rất muốn cho vay.
- Ông Nguyễn Ngọc Lâm, Tổng giám đốc BIDV
Từ đầu năm đến nay, tín dụng BIDV tăng trưởng 4,7%, tín dụng mới bắt đầu tăng trở lại từ tháng 3/2024. Bản thân các ngân hàng rất muốn cho vay, song sức hấp thụ vốn của nền kinh tế yếu. Nhìn vào số liệu doanh nghiệp, thì thấy sức khỏe của doanh nghiệp suy giảm do khó khăn kéo dài. Chúng tôi sẽ tiếp tục ban hành các gói tín dụng ưu đãi, nỗ lực phối hợp với khách hàng tháo gỡ vướng mắc để tăng giải ngân.
Phó thống đốc Đào Minh Tú đánh giá cao động thái hạ lãi suất của đa số các ngân hàng trên thị trường, song cũng tỏ ra gay gắt với một số ngân hàng vẫn duy trì mặt bằng lãi suất cao (lãi vay bình quân của một số ngân hàng thương mại nhỏ đang ở mức trên 12%/năm).
Để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng 6 tháng cuối năm, NHNN đề nghị các ngân hàng thương mại tiết giảm chi phí để giảm mặt bằng lãi suất cho vay, tạo sự hài hòa giữa lãi suất cho vay và lãi suất huy động.
Dù vậy, lãi suất hiện không còn là rào cản tín dụng. Theo các ngân hàng thương mại, nguyên nhân chủ yếu khiến tín dụng tăng chậm là khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế yếu.
Tín dụng nửa đầu năm tăng trưởng còn chậm, song hầu hết các ngân hàng đều lạc quan với triển vọng tăng trưởng nửa cuối năm. Vietcombank tuy tăng trưởng tín dụng tới ngày 17/6 mới đạt 2,1%, song dự kiến hết ngày 30/6 tăng 4,3%, đến ngày 30/9 tăng 8,2% và cả năm tăng 12%. SHB tăng trưởng tín dụng hiện mới đạt 2,54%, song dự kiến đến ngày 30/6 tăng 5%. VPBank cũng dự kiến tăng tín dụng 5-6% nửa đầu năm, dù hết ngày 31/5 mới tăng gần 2%.
Tốc độ tăng tín dụng dự kiến như “Thánh Gióng” của các ngân hàng trong tháng 6/2024 khiến lãnh đạo NHNN tỏ ra nghi ngờ. Tuy vậy, nhiều ngân hàng cho hay, nhiều hợp đồng tín dụng đã cơ bản hoàn tất công tác chuẩn bị và sẽ sớm được ký kết, giải ngân trong nửa cuối tháng 6/2024. Đây là lý do khiến tín dụng sẽ có sự đột phá trong tháng 6.
Về vấn đề này, Phó thống đốc Đào Minh Tú nhắc nhở, NHNN chủ trương không tăng tín dụng bằng mọi giá, tín dụng phải đi kèm với chất lượng. Điều quan trọng nhất là, các ngân hàng phải hiểu rõ được nguyên nhân tín dụng khó khăn, ách tắc để tìm đúng giải pháp tháo gỡ.