LCĐT - Cái tên “gái rót bia” hay “đào”, “tay vịn” có lẽ đã dần trở nên phổ biến trong những tụ điểm giải trí. Chỉ rót bia và hát phục vụ khách trong các phòng karaoke nên nghề này hoàn toàn hợp pháp. “Mục sở thị” một đêm cùng những cô “gái rót bia”, chúng tôi mới thấy nhiều cám dỗ tiềm ẩn mà nếu không bản lĩnh, các cô gái làm nghề có thể sa ngã, thậm chí vướng vào vòng lao lý.
23 giờ, quán karaoke X trên đường An Dương Vương vẫn đông nghịt khách hát. Giọng một vị khách nam giới sang sảng vang lên ở tiền sảnh: “Nhanh nhanh bố trí cho bọn anh. Nhớ là phải gái miền Tây, không ưng là anh đổi đấy!”. Quản lý dạ vâng một hồi, khoảng 5 phút sau, một chiếc taxi đỗ xịch trước cửa quán. 3 - 4 cô gái mặc váy ngắn cũn cỡn, khuôn mặt ai nấy đều trang điểm cầu kỳ. Cậu quản lý vẫy tay: “Nhanh nhanh! Lần sau đi chậm là trừ tiền nhé!”. Mấy cô gái nhanh chân vào phòng hát. Tiếng nhạc xập xình vang lên, đèn phòng hát mập mờ, bắt đầu cho một cuộc vui.
![]() |
Ảnh minh họa. |
1 giờ sáng, cả khách và “đào” bước ra khỏi phòng hát. Tiếng giày cao gót lạc nhịp, dáng đi ai nấy liêu xiêu. Mỗi anh khoác vai 1 cô, họ cười nói với nhau rôm rả. Anh quản lý nhìn đồng hồ tính tiền rồi quay sang vị khách đã say không còn đứng vững: “Thưa anh, từ 23 giờ đến 1 giờ, vị chi là 2 tiếng đồng hồ. Mỗi tiếng 300 nghìn đồng, khoản này em không in trong hóa đơn hát. Anh thanh toán ngoài ạ”. Xong xuôi, đoàn khách ra về. Mấy cô gái ở lại nhận tiền thù lao rồi cũng vẫy taxi đi luôn.
K - quản lý một quán hát karaoke cho biết: Nghề rót bia, hát cùng khách thịnh hành khoảng 2 năm trở lại đây. Nhiều chủ còn in cả tờ rơi quảng cáo rải tại các quán karaoke để giới thiệu hoặc nhắn tin mời chào. Một nguyên tắc của quán hát là các “tay vịn” đến quán chỉ mục đích rót bia cho khách và hát cùng, không môi giới mại dâm. Khách yêu cầu, quản lý sẽ gọi “tay vịn”, sau đó ăn chia với chủ và “tay vịn” theo hình thức 1 chia 3. Giá mỗi giờ dao động 250.000 - 300.000 đồng. Ngoài ra, nếu phục vụ tốt, khách có thể “boa” thêm. Các cô gái làm nghề này chỉ ở độ tuổi 23 đổ lại. Họ hoạt động theo nhóm được gọi là “gánh hát” và có chủ đứng đằng sau dẫn mối. Mỗi “gánh hát” có khoảng 7 - 15 người, họ được chủ thuê nhà cho ở tập trung, nuôi ăn, được dạy cách làm đẹp và phục vụ khách. Thường công việc của “gánh hát” chỉ diễn ra vào buổi tối, mỗi “gánh hát” có quản lý kiêm xe ôm riêng vừa giúp chủ chấm công, vừa để chuyên chở các cô gái đến quán karaoke khi có khách yêu cầu.
L.H năm nay mới bước sang tuổi 20 nhưng nhìn già dặn hơn so với tuổi của cô. Cao ráo, trắng trẻo với giọng nói miền Tây “ngọt như mật rót vào tai” nên H được nhiều khách đề nghị hát cùng. Sau khi học hết THPT, H được người chị họ mời lên Lào Cai làm nghề với lời giới thiệu: “Mày chỉ cần uống được bia và hát được thì mỗi tháng cũng kiếm dăm triệu đồng gửi về cho bố mẹ”. Vậy là H xách hành lý từ Tây Ninh ra Lào Cai làm việc. Nhóm của H có 12 người, đều từ miền trong ra. Mọi người được bà chủ thuê hẳn cho căn nhà 2 tầng ngay gần nơi có nhiều quán hát karaoke hoạt động cho tiện di chuyển. Chị chủ chỉ thích tuyển gái miền Trung và miền Tây vì khách thích “gái lạ”. Những ngày đầu chưa quen, tối nào H cũng trở về trong tình trạng say xỉn. Cô vô tư kể: 100% khách vào hát và gọi “tay vịn” đều là khách say, nên không tránh khỏi những hành động quá trớn như sờ soạng và đề nghị “qua đêm”. Nhưng những người làm nghề này có một nguyên tắc là chỉ phục vụ hát, rót bia chứ không hoạt động mại dâm. Chủ phát hiện ai vi phạm sẽ bị đuổi việc và phạt 5 triệu đồng. Một ngày, những cô gái như H có thể tiếp 5 - 7 đoàn khách.
Khác với “gánh hát” của H, “gánh hát” của K.A lại hầu hết là sinh viên, ngày đi học, tối về họ đi “rót bia”. Tiêu chuẩn theo nghề cũng không quá khắt khe, chỉ cần 4 tiêu chí: “xinh đẹp - uống được bia - hát hay - biết chiều khách”. Tức là kể cả khi khách có “quá trớn” thì cũng phải khéo léo để khách dừng lại, không được phản ứng mạnh làm khách phật ý. K.A thẳng thắn chia sẻ: Vì là sinh viên nên làm nghề này không khỏi ảnh hưởng tới việc học tập. Nhiều hôm cô say xỉn tới 2 - 3 giờ mới về tới phòng trọ, nên sáng hôm sau không thể lên lớp. Hỏi về lý do làm nghề, K.A cho biết: Người thì làm để kiếm tiền, giảm gánh nặng chi phí ăn học cho gia đình; người thì làm để tích một khoản tiền dùng xin việc trên thành phố. Bản thân K.A có hoàn cảnh khá phức tạp. Xuất thân trong gia đình khá giả nhưng đến năm học thứ 2 thì bố mẹ cô ly hôn, mẹ K.A vì không có công việc ổn định nên không đủ khả năng nuôi cô ăn học. Tự mình làm đủ thứ việc như phục vụ quán ăn, bia và rồi được người quen dẫn mối đến với “gánh hát”. “Tất cả ai bước vào nghề cũng biết đây là nghề nhiều thị phi và cám dỗ, nên phải thật sự bản lĩnh mới không sa ngã. Chuyện khách dụ dỗ “qua đêm” xảy ra như cơm bữa và chỉ cần không bước qua được cám dỗ của vật chất là các cô có thể vấp vào vòng lao lý” - K.A khẳng định.
Tưởng chừng đây là nghề dễ kiếm tiền nhưng có nhiều buổi tối rót bia, hát và phục vụ khách 2, 3 tiếng đồng hồ, các cô gái trong các “gánh hát” vẫn trở về tay không vì khách say xỉn “bùng” tiền. Hoặc nhiều khách khó tính, vừa vào phòng đã yêu cầu đòi “đổi đào” vì không ưng, hoặc không được chiều theo ý. Cuối tuần là thời điểm bận rộn nhất với các cô gái, quản lý K cho biết: “Có những lúc gọi 5 -7 “gánh hát” mà không còn một ai để đến phục vụ khách. Nhiều cô vừa lảo đảo bước ra từ quán hát này đã có sẵn xe chờ để chở sang một quán khác”.
Tiếng xe máy nổ bên ngoài cửa, cắt ngang cuộc nói chuyện của chúng tôi. Mấy cô gái đang ngồi ở tiền sảnh, vội vàng soi gương, trang điểm lại son phấn, chỉnh trang quần áo rồi rảo bước ra xe, bắt đầu cho một lần mưu sinh đầy cám dỗ mới…