Từ năm học 2021 - 2022, thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 với nhiều môn học là môn khoa học thực nghiệm, xây dựng theo hướng phát triển năng lực, gắn lý thuyết với thực hành, học lý thuyết bằng thực hành. Tuy nhiên, do hệ thống thiết bị và đồ dùng dạy học tại trường còn thiếu, không đồng bộ nên đội ngũ giáo viên Trường THCS Lý Tự Trọng (thành phố Lào Cai) đã chủ động, sáng tạo khai thác các nguồn học liệu điện tử, ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin vào làm mới phương pháp, hình thức dạy học. Việc tận dụng tiến bộ công nghệ, các thí nghiệm ảo được coi là giải pháp quan trọng khắc phục hạn chế về trang - thiết bị trong nhà trường.
Cô giáo Cao Thị Thúy Hồng, Hiệu trưởng Trường THCS Lý Tự Trọng cho biết: Nhà trường khuyến khích giáo viên tự làm đồ dùng, như tranh ảnh, các đồ dùng, mẫu vật để đáp ứng nhu cầu dạy học, khắc phục tạm thời các khó khăn thực tế. Với sự chủ động đó, việc triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 của nhà trường đã cơ bản ổn định, nền nếp.
Tự làm đồ dùng, thiết bị dạy học cũng là giải pháp mà giáo viên Trường Tiểu học Khánh Yên Thượng (huyện Văn Bàn) đang áp dụng để khắc phục khó khăn. Tiết học Tự nhiên xã hội của lớp 5B, Trường Tiểu học Khánh Yên Thượng trở nên sôi nổi và hấp dẫn hơn khi học sinh được tìm hiểu vòng đời của các loài vật thông qua sơ đồ mô phỏng cắt dán bằng bìa và giấy màu. Cô giáo Nguyễn Thị Phương Thảo cho biết: Thiết bị giảng dạy của nhà trường còn hạn chế nên tôi tìm cách khắc phục bằng những sản phẩm sáng tạo STEM, sưu tầm hình ảnh, video minh họa làm phong phú thêm bài giảng.
Em Hoàng Thị Hồng Quyên, lớp 5B, Trường Tiểu học Khánh Yên Thượng cho biết: Được thực hành bài học bằng các mô hình, học cụ, em thấy dễ hiểu hơn. Đặc biệt, những vật dụng để làm các mô hình được tận dụng từ bìa cát tông, chai nhựa, ống nhựa nên nhiều bạn sau khi thực hành có thể tự tay chế tạo sản phẩm.
Tình trạng thiết bị và đồ dùng dạy học còn thiếu, không đồng bộ hiện xảy ra phổ biến tại các trường, ảnh hưởng không nhỏ tới yêu cầu dạy và học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Nguyên nhân chủ yếu là do điều kiện kinh phí chi thường xuyên và nguồn thu xã hội hóa trong nhà trường gặp nhiều khó khăn; quy trình mua sắm thiết bị dạy học mất nhiều thời gian; một số thiết bị, nhất là học liệu điện tử, phần mềm… chất lượng không đáp ứng yêu cầu, không tương thích với hệ thống máy tính nhà trường; đồ dùng, thiết bị chưa đồng bộ, một số thiết bị khó sử dụng, không hiệu quả, tính chính xác một số thông số không đảm bảo…
Bà Trần Thị Thùy Dung, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Lào Cai cho biết: Thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 trên địa bàn thành phố khó khăn do trang - thiết bị dạy học của chương trình mới được cấp muộn; trang - thiết bị, nhất là hệ thống máy tính trong phòng học tin học của một số đơn vị được trang cấp và đã sử dụng nhiều năm nên chất lượng kém, chạy chậm, hỏng thường xuyên. Đồ dùng, thiết bị chưa đồng bộ, một số thiết bị khó sử dụng, không hiệu quả, tính chính xác một số thông số không đảm bảo. Mặt khác, thiết bị dạy học của một số đơn vị được trang cấp, mua sắm theo gói mua sắm tập trung nên còn chậm, chưa kịp thời…
Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố đã có phương án xây dựng kho thiết bị số dùng chung cho các trường; nghiên cứu, triển khai ứng dụng trí tuệ nhân tạo AI và các phần mềm dạy học mô phỏng 3D để các trường xây dựng bộ thí nghiệm ảo và thiết bị số.
trước những khó khăn và yêu cầu thực tế, phòng đã tham mưu cho UBND huyện dành kinh phí mua sắm bổ sung trang - thiết bị cho các trường tiểu học, THCS thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018. UBND huyện cũng giao Phòng Giáo dục và Đào tạo triển khai mua sắm trang - thiết bị dạy học cho năm học mới, tổng kinh phí thực hiện ước hơn 8,4 tỷ đồng.
Thiếu và chậm trang bị, thiết bị dạy học không còn là vấn đề mới nên hầu hết trường đã thích ứng và chủ động tháo gỡ theo nhiều cách. Ngành giáo dục và đào tạo đã tham mưu cho UBND tỉnh đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị, đảm bảo cho Chương trình giáo dục phổ thông 2018 được triển khai từ lớp 1 đến lớp 12. Theo đó, đối với mua sắm thiết bị dạy học tối thiểu bậc mầm non và phổ thông theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 và phổ cập giáo dục mầm non 4 tuổi, giai đoạn 2022 - 2027, tổng nhu cầu vốn là gần 850 tỷ đồng. Trong đó, tỉnh đã bố trí hơn 403 tỷ đồng; giá trị giải ngân đến nay đạt gần 210 tỷ đồng (riêng năm 2024, kinh phí được giao là trên 153 tỷ đồng). Sau khi tỉnh phê duyệt, sở sẽ giao các cơ sở giáo dục, phòng giáo dục và đào tạo các huyện lựa chọn danh mục thiết bị phù hợp với đặc thù giảng dạy của các trường để thực hiện việc mua sắm đảm bảo hiệu quả…
Cùng với việc huy động các nguồn lực mua sắm trang - thiết bị dạy học, ngành giáo dục tiếp tục khuyến khích giáo viên tự làm đồ dùng dạy học; khen thưởng kịp thời những giáo viên có những đồ dùng có giá trị sử dụng phục vụ tốt cho việc dạy và học; có quy chế trong việc sử dụng và thường xuyên giám sát, nắm tình hình thực tế, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc bảo quản, sử dụng thiết bị dạy học của các trường, các giáo viên.