Những năm gần đây, cùng với đời sống vật chất, tinh thần ngày một nâng cao, việc tiêu thụ hoa, cây cảnh đã trở thành nhu cầu thiết yếu của xã hội. Đây cũng chính là cơ hội thuận lợi để người nông dân và các doanh nghiệp nông nghiệp phát triển nghề trồng hoa, cây cảnh. Tuy vậy, rủi ro trong lĩnh vực này cũng không nhỏ nếu không có sự liên kết chặt chẽ trong sản xuất, kinh doanh…

Đầu tư cho hoa
Thị trấn Mộc Châu, tỉnh Sơn La những ngày cuối năm, dọc các triền đồi, hòa với mầu sắc của hoa đào, hoa mận là những trang trại trồng hoa lan ngút ngàn tầm mắt, như một bức tranh thiên nhiên đa sắc mầu khổng lồ, rực rỡ. Đến Bản Áng, xã Đông Sang, huyện Mộc Châu, một địa danh được coi là “thủ phủ” của cây cảnh nơi cao nguyên này, chúng tôi được chứng kiến không khí tấp nập của mùa thu hoạch. Đâu đâu cũng thấy hoa, cây cảnh tập kết để chuẩn bị đưa về các thành phố, nơi có sức tiêu thụ lớn vào mỗi dịp Tết đến, Xuân về.
Trao đổi với chúng tôi, chủ vườn lan Đinh Phương Toại cho biết, nhờ thời tiết mát mẻ quanh năm cho nên Mộc Châu có điều kiện lý tưởng để phát triển sản xuất, kinh doanh hoa, cây cảnh. Hiện, người nông dân đã dần từ bỏ thói quen canh tác hoa và cây cảnh tự phát, chuyển sang tự liên kết để sản xuất lớn, hoặc thành lập doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này. Chính vì vậy, vài năm trở lại đây nghề sản xuất, kinh doanh hoa, cây cảnh nơi đây phát triển mạnh, với hàng chục doanh nghiệp, hợp tác xã chuyên hoa, cây cảnh cung cấp cho nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước.
Giám đốc Công ty Hoa cảnh Cao Nguyên (huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La) Nguyễn Anh Tuấn cho biết, hiện công ty có một khu trang trại đang sở hữu khoảng 16 nghìn giò phong lan và gần ba nghìn chậu địa lan các loại, trong đó có khoảng 200 loài hoa lan với nhiều loài quý hiếm từ khắp các vùng, miền của đất nước và của nhiều quốc gia trên thế giới. Kể từ khi thành lập đến nay, doanh nghiệp này đã đầu tư hàng chục tỷ đồng để xây dựng vườn trồng với hệ thống tưới tiêu, nhà kính. Ngoài diện tích trồng hoa lan, cây cảnh, doanh nghiệp còn phát triển, mở rộng trồng các loại giống quả đặc sản như dâu tây trên cao nguyên Mộc Châu. Bên cạnh đó, doanh nghiệp còn chú trọng phát triển mô hình du lịch tham quan, nghỉ dưỡng kết hợp du lịch nông nghiệp rất hiệu quả... với doanh thu hằng năm hơn một tỷ đồng.
Không riêng huyện Mộc Châu tại các tỉnh phía bắc, nhiều địa phương khác như các huyện: Sa Pa (Lào Cai), Gia Bình (Bắc Ninh), Bình Xuyên (Vĩnh Phúc), Nam Trực (Nam Định), TP Phủ Lý (Hà Nam); các huyện: Hoài Đức, Đan Phượng, Phúc Thọ, các quận Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Tây Hồ (Hà Nội)… cũng đã và đang tích cực đầu tư, mở rộng diện tích phát triển hiệu quả các loại hoa, cây cảnh phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu, trong đó có những thị trường khó tính như Mỹ và châu Âu.
Chỉ với diện tích hơn hai sào đất, nhờ mạnh dạn đầu tư làm nhà lưới, áp dụng công nghệ chăm sóc, tưới tiêu hiện đại, năm 2016, gia đình ông Nguyễn Văn Cường ở xã Cao Đức, huyện Gia Bình (Bắc Ninh) đã trồng hơn 10 nghìn gốc ly, trừ chi phí, thu lãi gần 200 triệu đồng/năm. Cũng áp dụng công nghệ hiện đại trong trồng trọt, gia đình bà Nguyễn Thị Hoa, xã Đạo Đức, huyện Bình Xuyên (Vĩnh Phúc) đầu tư hiệu quả trên cánh đồng hoa hồng với diện tích gần ba sào có lãi hơn 100 triệu đồng/năm. So với trồng rau và lúa, trồng hoa lãi gấp từ ba đến bốn lần…
Hợp tác để tiêu thụ
Nghề trồng hoa, cây cảnh, nếu canh tác theo kiểu tự phát, mạnh ai nấy làm sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Đã có những năm, do không liên kết làm ăn, nhiều hộ nông dân trồng hoa, cây cảnh đã không bán được sản phẩm, nhất là những loại hoa, cây cảnh chuyên phục vụ dịp lễ, Tết vì không có thị trường tiêu thụ hoặc bị các doanh nghiệp ép giá. Do đó, liên kết giữa Nhà nước, doanh nghiệp, nhà khoa học và nhà nông (bốn nhà) đang được coi là sự kết hợp lý tưởng nhằm đạt hiệu quả cao trong sản xuất nông nghiệp trong đó có lĩnh vực sản xuất, kinh doanh hoa, cây cảnh. Theo đánh giá của các nhà quản lý, nhờ có mối “nhân duyên” này mà thời gian qua nhiều nhà nông đã trở thành các tỷ phú trên chính mảnh đất mà trước kia cả gia đình họ một nắng, hai sương bao đời không làm cho cuộc sống thay đổi. Cũng nhờ sự liên kết này, nhiều nhà doanh nhiệp có chốn để đầu tư, có nơi để đổ vốn khi gặp khó khăn trong các lĩnh vực kinh doanh khác, và nhà khoa học thì có “mảnh đất” rộng để thỏa chí nghiên cứu nâng cao năng suất, chất lượng nông sản.
Theo Chủ tịch UBND xã Tả Phìn (huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai) Lý Láo Lở, hằng năm, vào đầu vụ, các hộ gia đình trong xã thường nhận được đơn đặt hàng của các doanh nghiệp, sau đó, nếu thiếu vốn, giống, người nông dân có thể được tạm ứng trước để đầu tư. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp ngoài việc bao tiêu sản phẩm còn cung cấp giống, tư vấn khoa học, kỹ thuật, thiết bị bảo quản, chăm sóc cho hộ nông dân trong diện liên kết. Nhờ vậy, bà con nông dân yên tâm sản xuất và chất lượng các loại hoa cảnh cũng tốt hơn rất nhiều so với các hộ không liên kết sản xuất, kinh doanh. Năm qua, nhiều hộ gia đình ở xã Tả Phìn có thu nhập hàng trăm triệu đồng nhờ nghề sản xuất hoa lan, một loại cây trồng có giá trị kinh tế cao hơn nhiều so với trồng lúa và rau màu.
Tuy nhiên, khó khăn hiện nay là, người sản xuất chủ yếu vẫn mang tính nhỏ lẻ, phân tán chưa tuân thủ quy trình sản xuất, nhận thức của người dân nhiều nơi còn thấp, thiếu thông tin thị trường, một số bộ phận còn chạy theo lợi ích trước mắt. Trong khi đó, doanh nghiệp làm trung gian phân phối chủ yếu vẫn liên kết theo hình thức thương thảo thuận mua, vừa bán. Do vậy việc đầu tư vẫn còn cầm chừng, nặng về nghe ngóng, không có tính chiến lược, bài bản, lâu dài. Đây chính là điểm yếu trong liên kết sản xuất, kinh doanh hoa, cây cảnh cần sớm được khắc phục.
Phát triển ổn định
Theo Giám đốc Công ty Hoa cảnh Cao Nguyên Nguyễn Anh Tuấn, để phát triển hiệu quả và bền vững lĩnh vực sản xuất hoa, cây cảnh các nhà doanh nghiệp và người nông dân cần có cơ chế đặc thù phù hợp với từng nơi, từng vùng và thậm chí từng đặc điểm khí hậu cụ thể. Bên cạnh đó, để phát triển bền vững các doanh nghiệp nông nghiệp mong muốn có nguồn vốn ưu đãi để phát triển nông nghiệp lâu dài và hiệu quả không phải chịu mức lãi suất cao (10,5%) như đang áp dụng hiện nay. Và, theo các doanh nghiệp trồng hoa lan, để bảo tồn nguồn hoa lan rừng quý hiếm cần phải có sự chung tay góp sức của các nhà khoa học và sự quan tâm giúp đỡ của chính quyền các cấp trong việc đầu tư khoa học kỹ thuật, hạ tầng, tiền vốn cùng với cơ chế, chính sách phù hợp.
Cục trưởng Trồng trọt Trần Xuân Định thì khẳng định, khó khăn trong việc sản xuất hoa, cây cảnh hiện nay là quy mô còn manh mún, phải nhập khẩu các giống có chất lượng cao. Bên cạnh đó, đầu tư cho sản xuất hoa, cây cảnh cần áp dụng công nghệ cao đòi hỏi chi phí lớn, vượt khả năng đầu tư của nông dân, trong khi đó chưa có sự vào cuộc mạnh mẽ của các doanh nghiệp về lĩnh vực này. Quy hoạch vùng hoa, cây cảnh còn nhiều bất cập, cần phải rà soát điều chỉnh để phát triển quy mô, ổn định… Do vậy cần có nhiều giải pháp cụ thể và đồng bộ để nâng cao hiệu quả trong sản xuất, kinh doanh hoa, cây cảnh. Trong đó cần phát triển hoa, cây cảnh gắn với ứng dụng công nghệ cao. Tập trung đẩy mạnh hơn nữa công tác nghiên cứu chọn, tạo giống hoa mới, xây dựng và hoàn thiện các quy trình công nghệ theo hướng ứng dụng công nghệ cao; phân khúc trong dây chuyền sản xuất từ khâu sản xuất giống hoa đến tiêu thụ sản phẩm. Tăng cường quảng bá, xúc tiến thương mại cho ngành hoa, cây cảnh cũng như hoàn thiện các cơ chế, chính sách hỗ trợ thiết thực, đặc thù đối với những địa phương, doanh nghiệp và nhà sản xuất, kinh doanh hoa, cây cảnh.