CTTĐT - Nhằm đẩy mạnh các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS để giảm số người nhiễm HIV và tử vong liên quan đến AIDS, chấm dứt dịch AIDS tại Việt Nam vào năm 2030, giảm tối đa tác động của dịch HIV/AIDS đến sự phát triển kinh tế - xã hội, ngày 29/3/2024, UBND tỉnh Lào Cai đã ban hành Kế hoạch số 192/KH-UBND về hoạt động Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh Lào Cai năm 2024.
Kế hoạch đưa ra chỉ tiêu 80% người nghiện chích ma túy (NCMT) sử dụng bơm kim tiêm (BKT) sạch; 1.370 người nghiện các chất dạng thuốc phiện (CDTP) được điều trị bằng thuốc Methadone; Thực hiện 200 mẫu giám sát trọng điểm HIV và 2.700 mẫu giám sát phát hiện HIV; 70% đối tượng có hành vi nguy cơ cao được xét nghiệm HIV; 85% người nhiễm HIV được tiếp cận điều trị ARV; 1.171 bệnh nhân được điều trị ARV (1.150 người lớn, 21 trẻ em); 900 bệnh nhân ARV được làm và có kết quả xét nghiệm tải lượng vi rút HIV (855 bệnh nhân có kết quả xét nghiệm tải lượng vi rút HIV dưới ngưỡng ức chế); 90% phụ nữ mang thai có HIV dương tính được điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con; 95% bệnh nhân đang điều trị ARV hoàn thành điều trị lao tiềm ẩn; 75% bệnh nhân lao được xét nghiệm HIV; 92% người nhiễm HIV mắc lao được điều trị đồng thời lao và ARV; 100% bệnh nhân điều trị HIV/AIDS đủ điều kiện có thẻ BHYT; 153 bệnh nhân đồng nhiễm HIV/viêm gan C và nhiễm viêm gan C đang uống Methadone được điều trị viêm gan C.
Theo đó, hoạt động thông tin giáo dục truyền thông thay đổi hành vi phòng, chống HIV/AIDS như:Đẩy mạnh truyền thông, giáo dục nâng cao hiều biết của người dân về HIV, đặc biệt là giảm kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV, người có hành vi nguy cơ cao lây nhiễm HIV tại gia đình, cộng đồng, nơi học tập và làm việc; Tăng cường truyền thông cả bề rộng và chiều sâu để phù hợp với từng nhóm đối tượng; lồng ghép trong việc học tập giảng dạy, học tập tại cơ sở giáo dục, trong hoạt động văn hoá, nghệ thuật, thể thao, trong hoạt động của các cơ quan, tổ chức... Tăng cường truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng đăng tải các tin bài, chuyên đề về các nội dung phòng, chống HIV/AIDS; Tổ chức các sự kiện truyền thông như Tháng hành động Quốc gia phòng chống HIV/AIDS và Ngày thế giới phòng chống AIDS 1/12; Sản xuất, nhân bản các tài liệu tuyên truyền phòng, chống HIV/AIDS (nếu có).
Lào Cai phát động tháng hành động chung tay đẩy lùi đại dịch AIDS sâu rộng tới lớp trẻ trên địa bàn
Giải pháp thực hiện can thiệp giảm tác hại trong dự phòng lây nhiễm HIV: Củng cố mạng lưới phòng, chống HIV/AIDS các tuyến, duy trì hoạt động của mạng lưới nhân viên tiếp cận cộng đồng (NVTCCĐ) trong nhóm NCMT tại địa bàn các huyện, thành phố được dự án Quỹ toàn cầu hỗ trợ; Triển khai can thiệp giảm tác hại cho nhóm quan hệ tình dục đồng giới nam (MSM); Duy trì hoạt động phân phát miễn phí, hướng dẫn sử dụng bơm kim tiêm (BKT) sạch, bao cao su (BCS) và thu gom BKT bẩn đã qua sử dụng thông qua mạng lưới NVTCCĐ, cộng tác viên và các cơ sở y tế; Triển khai chương trình BKT, BCS đồng bộ với các biện pháp can thiệp giảm tác hại khác; tăng cường kết nối, lồng ghép chương trình BKT, các nhóm hoạt động cộng đồng với các hoạt động dự phòng và điều trị; Tiếp tục duy trì triển khai điều trị thay thế nghiện các CDTP bằng thuốc Methadone tại các Cơ sở điều trị và Cơ sở cấp phát thuốc Methadone trên địa bàn toàn tỉnh; duy trì và mở rộng triển khai cấp thuốc Methadone nhiều ngày cho người bệnh điều trị nghiện các CDTP theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Kết nối các cơ sở điều trị; định kỳ kiểm tra, giám sát, hỗ trợ kỹ thuật cho hoạt động tại các cơ sở điều trị. Triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều trị bệnh nhân bằng thuốc Methadone trên địa bàn toàn tỉnh; Tiếp tục đẩy mạnh truyền thông, thực hiện truyền thông trực tiếp kiến thức về dự phòng lây nhiễm HIV cho nhóm NCMT, nhóm PNBD, khuyến khích, hướng dẫn sử dụng BCS, giới thiệu các dịch vụ khám và chữa các bệnh lây truyền qua đường tình dục cho các nhóm đối tượng có hành vi nguy cơ cao; Tổ chức truyền thông, quảng bá về điều trị Methadone trên các phương tiện thông tin đại chúng, truyền thông trực tiếp tại Các cơ sở điều trị và cơ sở cấp phát thuốc Methadone và qua mạng lưới NVTCCĐ.
Triển khai thực hiện tư vấn xét nghiệm HIV; giám sát dịch HIV/AIDS; theo dõi tiến độ hoạt động phòng, chống HIV/AIDS
Thực hiện đa dạng hóa các hình thức tư vấn xét nghiệm HIV bao gồm tư vấn xét nghiệm tại cơ sở Y tế, tại cộng đồng, xét nghiệm lưu động, tự xét nghiệm phù hợp với từng nhóm đối tượng; chú trọng tại các vùng có nguy cơ lây nhiễm cao, khu vực vùng sâu vùng xa; Tăng cường quảng bá các dịch vụ xét nghiệm HIV, triển khai các hoạt động tự xét nghiệm HIV, phân phối sinh phẩm tự xét nghiệm qua trang điện tử https://tuxetnghiem.vn./#/homepage; Đồng thời, tư vấn, vận động người có hành vi nguy cơ cao, vợ và bạn tình của người NCMT đi xét nghiệm HIV; tăng cường kết nối, chuyển gửi dịch vụ giữa dự phòng và điều trị HIV/AIDS; tăng cường xét nghiệm HIV dựa vào cộng đồng, đồng đẳng viên, y tế thôn bản nhằm nâng cao sự tiếp cận với dịch vụ xét nghiệm HIV của các nhóm đối tượng đích; Triển khai hoạt động thông qua website tuxetnghiem.vn của Cục Phòng, chống HIV/AIDS để cấp sinh phẩm xét nghiệm HIV cho khách hàng có hành vi nguy cơ tự làm xét nghiệm. Đảm bảo chất lượng xét nghiệm HIV tại các phòng xét nghiệm sàng lọc HIV tại các cơ sở Y tế nhà nước trên địa bàn toàn tỉnh.
Triển khai công tác tư vấn xét nghiệm HIV trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, đặc biệt chú trọng phát hiện người nhiễm HIV, chuyển gửi thành công người nhiễm HIV được phát hiện tham gia điều trị ARV; Tổ chức hỗ trợ kỹ thuật về tư vấn xét nghiệm HIV, thực hiện xét nghiệm HIV cho các tuyến từ tuyến tỉnh đến tuyến xã, phường; thực hiện xét nghiệm khẳng định HIV dương tính tại các phòng xét nghiệm khẳng định đã được cấp phép. Bên cạnh đó,tăng cường thông tin xét nghiệm, với giải pháp tăng cường việc ghi chép lưu trữ thông tin số liệu có liên quan đến hoạt động xét nghiệm HIV,CD4, tải lượng vi rút; Cập nhật quy trình báo cáo đảm bảo giảm trùng lặp và thông tin ca bệnh được thu thập đầy đủ.
Tăng cường giám sát dịch HIV: Thực hiện giám sát trọng điểm trong nhóm phụ nữ bán dâm tại thành phố Lào Cai; xét nghiệm phát hiện HIV trong nhóm có hành vi nguy cơ cao (nghiện chích ma túy; gái mại dâm, vợ/ chồng người nhiễm, phạm nhân); cập nhật quy trình báo cáo đảm bảo giảm trùng lặp và thông tin ca bệnh được thu thập đầy đủ; triển khai báo cáo qua hệ thống phần mềm trực tuyến từ tỉnh xuống huyện; tăng cường quản lý, kiểm tra, giám sát, theo dõi và đánh giá việc triển khai các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS tại các tuyến và các cơ sở triển khai các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS.
Điều trị HIV/AIDS và dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con bằng các giải pháp cụ thể: Điều trị HIV/AIDS và đảm bảo cung ứng thuốc ARV; dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con; phối hợp Lao/HIV; đảm bảo 100% người nhiễm HIV có thẻ BHYT; điều trị viêm gan vi rút C cho người bệnh đồng nhiễm HIV/VGC.
Hoạt động tăng cường năng lực hệ thống đảm bảo tính bền vững của chương trình phòng, chống HIV/AIDS, như đào tạo, tập huấn, nghiên cứu khoa học; quản lý, kiểm tra, giám sát, theo dõi, đánh giá và hỗ trợ kỹ thuật; cung ứng thuốc, sinh phẩm, vật dụng y tế bền vững; lồng ghép và kết nối cung cấp dịch vụ.