Nếu nói lý do tôi lựa chọn nghề báo thì có lẽ đơn giản vì thời điểm tôi thi đại học, nghề báo đang là nghề “hot”. Không chỉ có tôi, mà còn nhiều bạn trẻ lúc ấy nghĩ rằng, nghề báo là nghề được đi nhiều, có cuộc sống phong phú và được nhiều người biết đến. Ra trường, tôi như bao phóng viên trẻ khác cũng mong muốn được lao vào cuộc sống để hiểu, để thấm thía và để viết. Thế nhưng, va chạm rồi mới thấy, những kiến thức trên giảng đường được tiếp thu không là bao so với thực tế công việc. Tôi hiểu ra rằng, làm báo đã khó, làm báo ở một tỉnh miền núi lại càng gian khó hơn.

Tất nhiên, những gì bản thân tôi đã trải qua không thấm vào đâu so với những lớp nhà báo đi trước. Một anh bạn đồng nghiệp từng kể tôi nghe chuyến đi về vùng thiên tai. Năm ấy, ở Lào Cai lũ lớn lắm, địa bàn được phân công đi đưa tin bị chia cắt, anh và một bạn đồng nghiệp phải lội qua dòng suối nước chảy xiết, băng qua những đoạn đường có nguy cơ sạt lở cao. Đi mất nửa ngày đường thì cũng đến được xã A Lù (huyện Bát Xát), địa phương bị thiệt hại nặng sau trận lũ. Anh kể, lúc đến đó trời nhá nhem tối, hai bên đường quan tài xếp đầy, những nấm mộ mới đắp được người dân địa phương cắm cờ trắng, gió thổi bay phần phật. Mặc dù “sởn da gà” nhưng anh vẫn phải cố gắng đi tiếp. Khi đến nơi, vào ngồi trong nhà dân, anh vẫn nghe tiếng những tảng đá hộc lăn bên ngoài. Nghĩ lại, anh thấy đoạn đường vừa trải qua nguy hiểm biết bao. Vậy mà khi nói về nghề, anh vẫn tự hào rằng: Tôi đã đi gần hết thôn, bản trong tỉnh và sẽ còn tiếp tục đi đến bất cứ địa bàn nào khó khăn nhất, vì với tôi, nghề báo là nghề đi nhiều và trải nghiệm nhiều, được gặp gỡ và tiếp xúc với những mảnh đời khác nhau. Đó là niềm vui, đam mê mà không phải nhà báo nào cũng có.
Vào nghề được hơn chục năm, nhưng nhà báo Thu Phương (Báo Lào Cai) vẫn không thể quên những kỷ niệm ngày đầu dấn thân vào nghề báo. Chuyến ấy, nhà báo Thu Phương và đồng nghiệp phải tác nghiệp tận xã Nậm Chày (huyện Văn Bàn), đường đi gian nan vô cùng. Trời đã nhá nhem tối, hai người phải dừng xe bên đường, vì nước suối chảy xiết, không thể đi qua được. Xung quanh không có nhà dân, đi tiếp không được mà quay về thì trời đã tối. Đúng lúc đó, có mấy người dân đi đến. Đợi nước rút, họ gọi thêm người trong thôn ra giúp nhà báo Thu Phương đưa xe qua suối. Sau chuyến đi, nhà báo Thu Phương hiểu hơn nỗi khổ của những người dân nơi mình đến và khát khao được viết về những vùng đất khó khăn lại thôi thúc cô đi nhiều hơn.
Mặc dù trẻ tuổi hơn nhà báo Thu Phương, nhưng nhà báo Mai Hương (Báo Lào Cai) cũng có những trải nghiệm “để đời” về nghề báo. Chị kể: Ngày mới vào nghề, hăng hái lắm, nghe nói địa phương nào khó khăn là sẵn sàng đến tận nơi để tìm hiểu. Một lần, đi viết về công tác xóa mù chữ ở vùng cao Ý Tý. Đến nơi, chờ trời tối, chị cùng các cô giáo xuống lớp học chữ. Điện không có, đường dốc trơn, các cô giáo quen đường băng băng đi trước, chị chỉ biết nhìn theo ánh đuốc để bước theo sau. Xuống đến thôn, đợi lớp học tan, chị lại ngược đường dốc để về. Hai chân mỏi tưởng như không thể bước tiếp, quần áo lấm lem bùn đất. Vừa mệt, vừa đói, nhưng nghĩ đến nhiệm vụ được giao cần thực hiện gấp, chị lại cố gắng. Và quả thực “đi khổ thì viết sướng”, sau những chuyến đi nguy hiểm và gian khổ ấy, chị thấy bài viết của mình sâu sắc và có “hồn” hơn.
Phóng viên trẻ Thu Hoài của Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh cũng có lần rơi nước mắt khi đi tác nghiệp. Thu Hoài kể lại: Hôm đó, ở Ý Tý (Bát Xát) lạnh đến “cắt da, cắt thịt”, nhiệt độ chỉ còn 1 - 2oC, chị cùng một số cán bộ phải leo lên nương thảo quả. Đi được nửa đường, chị thấy hai chân đau nhức và thâm tím lại. Đau ứa nước mắt, nhưng không muốn ảnh hưởng đến mọi người, nên chị cố gắng đi tiếp. Khi mọi người phát hiện ra thì hai chân chị đã cứng lại vì cước, cả đoàn vội vã tìm củi, đốt lửa sưởi cho chị, sau đó từng người dìu chị đi tiếp đoạn đường còn lại. Thu Hoài tâm sự: Đã là nhà báo, nhất là nhà báo nữ, đều phải trải qua và thấu hiểu khó khăn, vất vả của nghề, tuy nhiên, đó cũng là “sinh nghề, tử nghiệp”.
Những kỷ niệm vui, buồn trong nghề báo không thể nào nói hết. Nếu ngại khó khăn, vất vả thì không ai lựa chọn nghề này. Với chúng tôi, những phóng viên trẻ mới bước vào nghề thì kỷ niệm của những lớp nhà báo đi trước là động lực thêm yêu nghiệp viết. Như lời thầy giáo đã dạy chúng tôi khi học trong trường đào tạo nghề báo: Dù phải nếm “trái đắng” hay “quả ngọt”, thì mỗi nhà báo vẫn phải chắc ngòi bút và dấn thân vào cuộc sống.