Thờ cúng tổ tiên vốn là truyền thống văn hóa của người Việt từ xa xưa đến nay. Với quan niệm “trần sao âm vậy”, nhiều người đã tốn không ít tiền của để mua đồ vàng mã đốt cúng. Tuy nhiên, việc thắp hương, đốt vàng mã lan tràn không chỉ gây lãng phí, ô nhiễm môi trường mà còn tiềm ẩn những nguy cơ cháy, nổ khó lường.
Trên thực tế, đã có không ít gia đình tay trắng vì những những vụ cháy xảy ra, mà nguyên nhân chính là do việc thắp hương thờ cúng, đốt vàng mã gây hậu quả nghiêm trọng. Chính vì lẽ đó, việc thắp hương thờ cúng và đốt vàng mã cần phải được tuân thủ theo đúng quy định, đảm bảo an toàn phòng cháy, chữa cháy.
Các vụ cháy do thắp hương thờ cúng, đốt vàng mã chủ yếu xuất phát từ những nguyên nhân như: Bố trí nơi thắp hương thờ cúng không đảm bảo khoảng cách an toàn PCCC; để quá nhiều vàng mã gần vị trí thắp hương, nến, dẫn đến bắt cháy sang các vật liệu dễ bắt cháy; vị trí đốt vàng mã không đảm bảo khoảng cách an toàn PCCC với các vật liệu dễ cháy; quá trình hóa vàng không có người trông coi, để tàn lửa có thể cháy lan sang các vật dụng xung quanh...
Để đảm bảo an toàn phòng cháy, chữa cháy trong việc thắp hương thờ cúng, đốt vàng mã vào những dịp lễ, tết, lực lượng công an khuyến cáo người đứng đầu các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo, chủ hộ gia đình và người dân thực hiện một số nội dung sau:
Đối với các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo, nơi thờ tự
Cần thường xuyên tuyên truyền nâng cao kiến thức về PCCC cho những người làm việc, phục vụ tại chỗ; khách đến thăm, có ý thức chấp hành về PCCC.
Ban hành nội quy về PCCC; dự phòng các điều kiện thoát nạn khi có cháy xảy ra. Chủ động kiểm tra hệ thống điện, thiết bị tiêu thụ điện, điện chiếu sáng, dây dẫn điện.
Phải bố trí khu vực riêng dùng để hóa, đốt vàng mã tại các vị trí an toàn, cách xa các vật dụng dễ cháy…; cử người trông coi khi khách đến thắp nhang, đèn, để xử lý ngay những trường hợp bất cẩn.
Hạn chế đến mức thấp nhất việc thắp hương thờ cúng và hóa, đốt vàng mã. Khi cần thiết phải thắp hương thờ cúng để phục vụ cho việc hành lễ, cúng, tế phải có người trông coi; dụng cụ đỡ nhang, đèn bố trí nơi chắc chắn, cố định, tránh ngã, đổ.
Tăng cường công tác tuần tra, bảo vệ thường trực trong thời điểm khách đến thăm viếng, cúng bái và sau khi kết thúc công việc trong ngày.
Chủ động trang bị phương tiện chữa cháy, đồng thời phải thường xuyên kiểm tra, bảo dưỡng phương tiện chữa cháy hiện có để đảm bảo hoạt động tốt khi có cháy xảy ra.
Tổ chức cho lực lượng bảo vệ tại chỗ tập luyện sử dụng phương tiện chữa cháy tại chỗ và cách xử lý khi có cháy, nổ xảy ra.
Khi xảy ra cháy, nhanh chóng cắt cầu dao điện hoặc aptomat, hô hoán cho mọi người biết, sử dụng các phương tiện chữa cháy (bình chữa cháy, xô, chậu, chăn chiên thấm ướt,…) để chữa cháy và thoát nạn, gọi điện thoại cho lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp, chính quyền, công an địa phương nơi gần nhất.
Đối với hộ gia đình và người dân
Đèn, bát hương, nến khi thắp cần đặt chắc chắn trên mặt phẳng để tránh bị đổ vỡ, trường hợp đặt trên vật dụng khác thì nên sử dụng vật dụng là loại không cháy hoặc khó cháy (miếng lót bằng kim loại, bát, đĩa, cốc…); không nên thắp đèn, hương, nến khi đi ngủ hoặc không có ngưười ở nhà.
Bàn thờ phải cách xa vật liệu dễ cháy ít nhất 0,75 m. Chân đèn, nến, bát hương đặt chắc chắn trên vật liệu không cháy (tấm kính, tấm tôn….) cách xa các đồ thờ dễ cháy (vàng mã, nến...) ít nhất 0,2 m; không để nhiều chân hương trong bát hương.
Không đốt vàng mã trong nhà ở, hành lang, cửa hàng kinh doanh, dịch vụ, trên vỉa hè các tuyến phố, nơi tập trung đông người và phương tiện tham gia giao thông qua lại.
Trước khi đốt vàng mã phải chọn nơi kín gió, có các biện pháp che chắn, tránh gió cuốn tàn lửa sang xung quanh gây cháy, hoặc sử dụng các thùng lư hương, đỉnh bằng vật liệu không cháy để đốt vàng mã và đặt cách xa hàng hóa dễ cháy ít nhất 2 m.
Khi đốt vàng mã phải sử dụng thùng kim loại (sắt, inox) có nắp đậy kín; phải có người trông coi, bố trí bình chữa cháy hoặc xô chứa nước; nơi đốt vàng mã cần được che chắn tránh cháy lan hoặc gió cuốn tàn.
Trước khi ra khỏi nhà và trước khi đi ngủ, kiểm tra nơi thờ cúng và tắt các thiết bị tiêu thụ điện không cần thiết.
Khi xảy ra cháy, nhanh chóng cắt cầu dao điện hoặc aptomat, hô hoán cho mọi người biết; sử dụng các phương tiện chữa cháy (bình chữa cháy, xô, chậu, chăn chiên thấm ướt,…) để chữa cháy và thoát nạn; gọi điện thoại cho lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp, chính quyền, công an địa phương nơi gần nhất.