Đồng chủ trì diễn đàn có đồng chí Lê Minh Khái, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo đổi mới, phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã.
Diễn đàn được tổ chức theo hình thức trực tiếp tại đầu cầu Trụ sở Chính phủ, trực tuyến tới điểm cầu 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Tham gia diễn đàn tại điểm cầu tỉnh Lào Cai có đồng chí Nguyễn Trọng Hài, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo một số sở, ngành của tỉnh; lãnh đạo Liên minh HTX tỉnh và đại diện các địa phương trong tỉnh.
Thông tin tại diễn đàn, đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết: Ước tính hết năm 2023, cả nước có hơn 31.700 HTX, 158 liên hiệp HTX và 73.000 tổ hợp tác. Năm 2022, doanh thu bình quân của các HTX đạt gần 3,6 tỷ đồng/năm, tăng 35% so với năm 2021; lãi bình quân khoảng 366 triệu đồng/năm, tăng 71% so với năm 2021; thu nhập bình quân của một lao động thường xuyên trong HTX năm 2022 là 56 triệu đồng/người/năm.
Những năm qua, các cơ chế, chính sách hỗ trợ kinh tế tập thể đã được quan tâm xây dựng, hoàn thiện phù hợp với từng giai đoạn phát triển. Trong đó có các chính sách đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực; xúc tiến thương mại; ứng dụng khoa học, kỹ thuật, công nghệ; hỗ trợ về đầu tư phát triển hạ tầng; hỗ trợ chế biến sản phẩm…
Nhìn chung, khu vực kinh tế tập thể cơ bản đã khắc phục được tình trạng yếu kém kéo dài, góp phần xây dựng nông thôn mới, bảo đảm an sinh, an ninh trật tự, an toàn xã hội, từng bước khẳng định vị trí, vai trò quan trọng trong nền kinh tế quốc dân.
Hết năm 2023, toàn tỉnh Lào Cai có 504 HTX, trong đó 405 HTX đang hoạt động; 3.958 tổ hợp tác, với tổng số thành viên tham gia là 47.495 người; 3 liên hiệp HTX đang hoạt động với 18 HTX thành viên. Khu vực kinh tế tập thể, HTX có sự phát triển ổn định cả về số lượng, doanh thu, lợi nhuận, thu nhập của lao động...
Tại diễn đàn, các đại biểu đã tập trung trao đổi, thảo luận, phân tích thực trạng phát triển của khu vực kinh tế tập thể, HTX. Đặc biệt là những việc đã làm được, chưa làm được; tồn tại, hạn chế và nguyên nhân và bài học kinh nghiệm; phân tích các cơ hội, thách thức và nhu cầu hỗ trợ trong khu vực kinh tế tập thể, HTX thời gian tới… Đồng thời, hiến kế các giải pháp đột phá để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nhất là về thu hút nguồn lực xã hội; tăng cường liên kết giữa các thành viên tham gia kinh tế tập thể, nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương, giữa công và tư… để khu vực kinh tế tập thể, HTX thay đổi cơ bản, mạnh mẽ phương thức sản xuất, kinh doanh, đáp ứng đòi hỏi của tình hình mới.
Phát biểu chỉ đạo tại diễn đàn, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của kinh tế tập thể là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên. Vì vậy, cần bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước để phát triển kinh tế tập thể; đổi mới tư duy, có tầm nhìn xa, tổ chức thực hiện bao trùm, tổng quát hơn; nỗ lực “bắt kịp, tiến cùng, vươn lên” với các thành phần kinh tế khác...
Trên cơ sở phân tích bối cảnh, tình hình chung, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị khu vực kinh tế tập thể, HTX phải tự chủ động, nỗ lực thoát khỏi những rào cản, vướng mắc, tự vươn lên; chuyển hướng mạnh mẽ cả tư duy và hành động theo xu thế kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức, kinh tế chia sẻ; phát triển cả số lượng lẫn chất lượng; chú trọng nâng vốn, tăng năng suất lao động, hiệu quả sản xuất…
Sau khi giao nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành, địa phương, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính bày tỏ sự tin tưởng khu vực kinh tế tập thể sẽ chuyển mình mạnh mẽ, phát triển bền vững và hoàn thành các mục tiêu của Nghị quyết số 20-NQ/TW.