Tại xã Trịnh Tường (huyện Bát Xát), nông dân đang hối hả thu hoạch lúa xuân trà muộn, triển khai làm đất, gieo mạ, cấy lúa vụ mùa. Bên cạnh việc tuân thủ hướng dẫn, khuyến cáo của ngành nông nghiệp về cơ cấu giống, khung thời vụ, nông dân xã Trịnh Tường đã chủ động áp dụng cơ giới hóa vào khâu làm đất; sử dụng thuốc bảo vệ thực vật diệt ốc bươu vàng; thu gom phân chuồng, kết hợp với phân vô cơ bón lót, giúp lúa sinh trưởng và phát triển tốt sau khi cấy.
Luôn tay nhổ mạ, bà Tẩn Thị Hoa, thôn Tân Quang, xã Trịnh Tường cho biết: Toàn bộ khâu làm đất được chúng tôi áp dụng cơ giới hóa hoàn toàn nên thời gian làm đất giảm rất nhiều. Trước đây, khu ruộng của tôi mất 2 tuần cày bừa thì nay chỉ mất khoảng 3 ngày là có thể cấy.
Vụ này, gia đình bà bà Tẩn Thị Hoa gieo cấy khoảng 15 kg lúa giống Thái Bình. Nếu sản xuất thuận lợi, gia đình bà có thể thu về khoảng 50 bao thóc (tương đương khoảng 2,5 tấn thóc).
“Được cảnh báo về tình trạng mua phải giống lúa kém chất lượng qua mạng nên chúng tôi chỉ chọn mua lúa giống ở các cửa hàng vật tư nông nghiệp uy tín ở địa phương. Chúng tôi cũng tuân thủ hướng dẫn, khuyến cáo về khung thời vụ của cán bộ khuyến nông để sản xuất đạt hiệu quả cao” - bà Hoa cho biết.
Không chỉ là địa phương có diện tích sản xuất lúa dẫn đầu toàn tỉnh, huyện Văn Bàn còn là địa phương bắt tay vào triển khai vụ mùa vùng thấp đầu tiên của tỉnh. Vụ này, huyện Văn Bàn triển khai sản xuất hơn 4.000 ha lúa mùa, nông dân chủ yếu sử dụng các giống lúa thuần, lúa chất lượng cao, lúa nếp địa phương và một phần các giống lúa lai. Đến thời điểm hiện tại, hầu hết nông dân các địa phương thuộc huyện Văn Bàn đã triển khai làm đất, gieo mạ, một số địa phương như Võ Lao, Nậm Dạng, Nậm Mả… đã triển khai cấy trà sớm với tổng diện tích hơn 1.000 ha. Riêng xã Võ Lao, nông dân đã cấy xong 550 ha, lúa bắt đầu bước vào thời kỳ bén rễ, hồi xanh, chuẩn bị đẻ nhánh.
Ông Nguyễn Hữu Thiện, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Văn Bàn cho biết: Phần lớn địa phương vùng thấp của huyện Văn Bàn đã triển khai gieo cấy lúa mùa vùng thấp trà sớm và trà chính vụ để đảm bảo khung thời vụ cho sản xuất cây trồng vụ đông. Ngành nông nghiệp huyện đang tiếp tục phối hợp với các địa phương hướng dẫn nông dân khẩn trương triển khai vụ mùa.
Ngoài huyện Văn Bàn, huyện Bát Xát, nông dân các địa phương vùng thấp thuộc các huyện Bảo Thắng, Bảo Yên, Bắc Hà, Mường Khương… cũng đang tích cực triển khai sản xuất vụ lúa mùa. Hầu hết nông dân các địa phương tích cực áp dụng cơ giới hóa vào khâu làm đất, đẩy nhanh tiến độ sản xuất.
Vụ này, các địa phương trong tỉnh gieo cấy khoảng 10.258 ha lúa mùa vùng thấp. Theo khuyến cáo của ngành nông nghiệp, căn cứ tình hình thời tiết và để đảm bảo khung thời vụ, nông dân nên gieo cấy trà sớm và trà chính vụ, kết thúc gieo cấy trước 20/7.
Ngành nông nghiệp khuyến nghị, các địa phương cần theo dõi và chuẩn bị các biện pháp phòng, chống hạn vụ mùa; bám sát diễn biến thời tiết và nhu cầu của thị trường kịp thời điều chỉnh linh hoạt kế hoạch sản xuất, hướng dẫn người dân gieo trồng đảm bảo khung thời vụ, hạn chế tối đa thiệt hại do thiên tai. Tiếp tục duy trì và mở rộng diện tích thực hiện cánh đồng 1 giống, áp dụng hệ thống canh tác lúa cải tiến (SRI) với quy mô cả năm đạt trên 10.500 ha…
Làm tốt công tác dự tính, dự báo, hướng dẫn phòng, trừ các loại sâu, bệnh hại kịp thời, không làm ảnh hưởng đến năng suất, sản lượng các loại cây trồng. Tăng cường áp dụng các biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp trên cây trồng (IPM), hạn chế tới mức thấp nhất việc sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật hóa học, ưu tiên sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón có nguồn gốc sinh học, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo nguyên tắc “4 đúng”. Đồng thời, thường xuyên kiểm tra việc kinh doanh, buôn bán giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và tình hình sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trên địa bàn tỉnh, nhất là các vùng đệm, vùng sản xuất hàng hóa...