Bộ Di trú Indonesia và Tổng cục Di trú Campuchia đã ký một ý định thư, đánh dấu cam kết của hai nước trong việc trao đổi thông tin, cung cấp hỗ trợ kỹ thuật và tăng cường năng lực nguồn nhân lực để bảo vệ công dân khỏi những kẻ buôn người.

Indonesia thắt chặt kiểm soát tại các sân bay và cảng biển.
Quyền Tổng giám đốc Cục Di trú Indonesia Yuldi Yusman cho biết Jakarta cũng sẽ cử một tùy viên đặc biệt đến Phnom Penh để tăng cường các nỗ lực song phương nhằm chống nạn buôn người và giải quyết các vấn đề nhập cư khác.
Chính phủ Indonesia cũng đã thông qua một chiến lược toàn diện để chống nạn buôn người, trong đó có sự hợp tác tích cực thông qua các diễn đàn song phương, khu vực và quốc tế. Nước này cũng áp đặt các lệnh trừng phạt nghiêm ngặt đối với những kẻ buôn người và thực hiện các biện pháp chủ động chống lại tình trạng di cư bất hợp pháp, ví dụ như trì hoãn việc cấp hộ chiếu và ngăn chặn việc xuất cảnh của những công dân bị tình nghi cố gắng di cư qua các kênh bất hợp pháp.
Từ tháng 1 đến tháng 4 năm nay, chính quyền Indonesia đã hoãn việc cấp hơn 303 hộ chiếu vì nghi ngờ di cư bất hợp pháp, trong khi các nhân viên nhập cư tại sân bay và cảng biển đã chặn 5.000 người Indonesia cố gắng rời khỏi đất nước, với tư cách là lao động nhập cư thông qua các tuyến đường bất hợp pháp. Chính quyền cũng đã phát động một chiến dịch nâng cao nhận thức của người dân để nhấn mạnh tầm quan trọng của việc sử dụng các kênh hợp pháp khi tìm kiếm việc làm ở nước ngoài, đặc biệt nhắm mục tiêu vào các khu vực có nhiều lao động nhập cư.
Trong chuyến thăm cấp nhà nước tới Thái Lan đầu tuần này, Tổng thống Indonesia Prabowo Subianto cũng nhấn mạnh rằng hợp tác song phương là rất quan trọng trong cuộc chiến chống nạn buôn người. Trong cuộc gặp với Thủ tướng Thái Lan Paetongtarn Shinawatra, ông Prabowo kêu gọi tăng cường nỗ lực chống lại tội phạm xuyên quốc gia bao gồm các trung tâm lừa đảo trực tuyến, buôn người và buôn bán ma túy.
Indonesia là một trong số các quốc gia Đông Nam Á chứng kiến sự gia tăng nạn buôn người xuyên quốc gia kể từ đại dịch Covid-19, khi các mạng lưới tội phạm mở rộng vào khu vực này để nhắm vào hàng triệu người dễ bị tổn thương về kinh tế đang tìm kiếm việc làm. Campuchia, Myanmar và Philippines đã trở thành điểm nóng về nạn buôn người do các tổ chức tội phạm thực hiện. Những tổ chức này đã bắt giữ hàng nghìn nạn nhân làm con tin tại các trung tâm lừa đảo thông qua cưỡng ép, tra tấn và các thủ đoạn bất hợp pháp khác.
Theo dữ liệu từ Cục Điều tra tội phạm của Cảnh sát quốc gia (Bareskrim), nạn buôn người Indonesia đã đạt mức cao kỷ lục vào năm 2023, khi cảnh sát xử lý hơn 1.000 vụ việc liên quan đến 3.363 nạn nhân. Mặc dù số vụ việc đã giảm, nhưng nhiều người Indonesia vẫn có nguy cơ trở thành nạn nhân của các vụ lừa đảo. Một báo cáo của Liên hợp quốc ước tính, có từ 100.000 đến 1 triệu người Indonesia bị lừa bán vào hoạt động mại dâm hoặc bị ép buộc lao động cưỡng bức mỗi năm.