LCĐT - Sáng 6/7, UBND tỉnh Lào Cai tổ chức họp báo thông tin tình hình phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu 6 tháng cuối năm 2022.
Đồng chí Hoàng Ngọc Bích, Phó Chánh Văn phòng UBND tỉnh chủ trì cuộc họp; cùng dự có lãnh đạo các sở, ban, ngành liên quan; đại diện các cơ quan báo chí trên địa bàn tỉnh.
Quang cảnh buổi họp báo. |
Tháng 6 và 6 tháng đầu năm 2022, trong điều kiện còn nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh và thiên tai, nhưng Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã chỉ đạo quyết liệt các sở, ban, ngành, địa phương triển khai đồng bộ, hiệu quả nhiều giải pháp để thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra. Hiện dịch Covid-19 đã cơ bản được kiểm soát, hầu hết các ngành, lĩnh vực đã quay trở lại đà tăng trưởng; hoạt động sản xuất, kinh doanh, đời sống của người dân, người lao động ổn định và phát triển.
Kinh tế - xã hội địa phương đang bước vào giai đoạn phục hồi mạnh mẽ, thích ứng linh hoạt với dịch bệnh; tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt khá (tăng trưởng kinh tế GRDP đạt 7,14%), đứng thứ 8 trong khu vực và thứ 29 các tỉnh, thành phố trong cả nước. Trong đó, nông nghiệp tăng trưởng 3,24%, công nghiệp và xây dựng tăng 5,63% (công nghiệp tăng 6,47%), dịch vụ tăng 9,27%, thuế sản phẩm tăng 10,87%.
Đồng chí Hoàng Ngọc Bích, Phó Chánh Văn phòng UBND tỉnh phát biểu tại buổi họp báo. |
Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản trên địa bàn tỉnh ổn định. Các địa phương tập trung triển khai sản xuất vụ xuân đảm bảo thời vụ. Tổng sản lượng lương thực có hạt 6 tháng đầu năm đạt 114.893 tấn, bằng 99,72% so với cùng kỳ năm 2021. Các cây trồng chính khác như chè, rau, hoa, dược liệu, cây ăn quả,… phát triển ổn định; diện tích, năng suất, sản lượng đều tăng so với cùng kỳ năm 2021. Sản phẩm dứa, chè, dược liệu… tiêu thụ tốt; riêng sản phẩm quả chuối khó khăn trong tiêu thụ, xuất khẩu do chính sách “Zero Covid” của phía Trung Quốc, dẫn đến giá giảm so với cùng kỳ năm trước.
Sản xuất công nghiệp khởi sắc. Giá trị sản xuất công nghiệp đạt 21.369 tỷ đồng, bằng 46,45% kế hoạch, tăng 8,5% so cùng kỳ năm trước. Thương mại, dịch vụ có xu hướng phục hồi tích cực. Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn được triển khai quyết liệt, đạt 4.800 tỷ đồng, bằng 50,5% kế hoạch, tăng 21% so với cùng kỳ. Các lĩnh vực văn hóa - xã hội, giảm nghèo, an sinh xã hội tiếp tục được quan tâm chăm lo. Quốc phòng, an ninh được củng cố, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, hoạt động đối ngoại được đẩy mạnh…
Từ nay tới cuối năm, UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện nghiêm túc, quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, kiểm soát không để dịch bệnh lây lan và phát sinh trên địa bàn tỉnh; đấu tranh quyết liệt với những thông tin thiếu chính xác, tạo đồng thuận xã hội; tập trung hỗ trợ khôi phục sản xuất, thực hiện đồng bộ, linh hoạt các chính sách, giải pháp để kích thích sản xuất, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Các phóng viên đặt câu hỏi tại buổi họp báo. |
Phóng viên các cơ quan báo chí đã đặt nhiều câu hỏi liên quan đến một số vấn đề mà dự luận quan tâm như: Việc khắc phục sự cố về ô nhiễm môi trường tại nhà máy DAP, khu công nghiệp Tằng Loỏng; quản lý hoạt động của các nhà máy thủy điện; tháo gỡ khó khăn trong xuất khẩu hàng hóa; việc giá gia súc giảm mạnh trong thời gian qua trong khi giá thức ăn chăn nuôi tăng cao, gây khó khăn cho người dân; các giải pháp khắc phục tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế…
Tại buổi họp báo, đồng chí Hoàng Ngọc Bích, Phó Chánh Văn phòng UBND tỉnh và đại diện các sở, ngành đã trả lời các câu hỏi của phóng viên. Về vấn đề xuất khẩu trong thời gian qua, đại diện Ban Kinh tế cửa khẩu cho biết: Hiện phía Trung Quốc vẫn đang thực hiện chính sách “Zero Covid” nên ảnh hưởng lớn đến hoạt động xuất khẩu. Để tạo điều kiện xuất khẩu thuận lợi, thời gian tới cần duy trì an toàn Covid tại cửa khẩu, phối hợp với phía Trung Quốc xây dựng phòng xét nghiệm PCI đối với hàng hóa và thành thùng xe tại cửa khẩu, đồng thời cần nâng cấp hạ tầng, mở rộng bến bãi nhằm đáp ứng tốt nhu cầu về bãi đỗ xe, tập kết hàng hóa tại cửa khẩu.
Đại diện các sở, ngành trả lời câu hỏi của phóng viên nêu ra. |
Về giá gia súc giảm là bởi tác động của việc xuất khẩu gia súc sang thị trường Trung Quốc khó khăn, trong khi giá thức ăn chăn nuôi tăng cao do giá xăng dầu, vận chuyển tăng. Hiện ngành nông nghiệp đang phối hợp với các ngành liên quan để tháo gỡ khó khăn này.
Về tình trạng thiếu thuốc và vật tư y tế, đây là thực trạng chung trên cả nước. Nguyên nhân do dịch bệnh kéo dài, việc vận chuyển và công tác đấu thầu gặp nhiều khó khăn. Để khắc phục tình trạng này, Sở Y tế chỉ đạo các cơ sở y tế chủ động lựa chọn nhà thầu để mua được thuốc nhanh nhất, đảm bảo công tác khám, chữa bệnh…