Thời gian qua, để quán triệt và phổ biến kịp thời Luật Hòa giải ở cơ sở và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành đến các đối tượng liên quan. Hàng năm, UBND huyện Bát Xát đã xây dựng và ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, triển khai Luật hòa giải ở cơ sở trên địa bàn huyện; thường xuyên tổ chức tuyên truyền, phổ biến Luật bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú phù hợp với điều kiện cụ thể của từng địa phương cũng như đối tượng được phổ biến, tuyên truyền với 2.453 buổi thu hút trên 15 nghìn lượt người tham gia. Biên soạn, cung cấp 2.446 cuốn tài liệu pháp luật, hướng dẫn kỹ năng, nghiệp vụ hòa giải ở cơ sở; in và cấp phát 182 quyển sổ theo dõi hoạt động hòa giải cơ sở. Tổ chức 23 hội nghị tập huấn nghiệp vụ cho hòa giải viên các xã, thị trấn với 2.525 người tham gia. Triển khai thực hiện Đề án “Nâng cao năng lực đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở giai đoạn 2019-2022” trên địa bàn huyện một cách có hiệu quả. Chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức thực hiện nhiệm vụ quản lý Nhà nước về hòa giải ở cơ sở ngày càng được nâng cao. Hiện, trên địa bàn huyện có 176 Tổ hòa giải với 835 hòa giải viên trong đó nam 650 người, nữ 185 người. Đa số hòa giải viên đều là những người có am hiểu về pháp luật, có phẩm chất đạo đức tốt, có uy tín trong cộng đồng dân cư, có khả năng vận động, thuyết phục, luôn gương mẫu thực hiện tốt đường lối, chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhiệt tình, tự nguyện tham gia công tác hòa giải ở cơ sở.
Ông Dương Văn Tiến, Tổ trưởng Tổ hòa giải thôn Làng Quang, xã Quang Kim chia sẻ: “Thực tế hàng ngày trong thôn có rất nhiều câu chuyện khác nhau từ mâu thuẫn tranh chấp về đất đai, tình cảm vợ chồng, bố con... Khi nhận được tin báo Tổ hòa giải xuống tận nơi để nói chuyện, phân tích để mọi người nhận thức được vấn đề, giải quyết mâu thuẫn. Do đó, trong thôn chúng tôi không có tình trạng đơn thư khiếu nại vượt cấp”.
Qua 10 năm triển khai thực hiện Luật Hòa giải ở cơ sở, các Tổ hòa giải trên địa bàn huyện đã tiếp nhận 1.981 vụ việc, trong đó hòa giải thành 1.733 vụ việc đạt 87%, hòa giải không thành 248 vụ việc chiếm 13%. Các vụ việc tiến hành hòa giải chủ yếu là giải quyết mâu thuẫn giữa các bên trong lĩnh vực tranh chấp đất đai, hôn nhân và gia đình. Trong quá trình thụ lý vụ việc hòa giải, bằng sự hiểu biết về kiến thức pháp luật, kinh nghiệm sống, đạo lý tình làng nghĩa xóm, tình nghĩa vợ chồng, tình cảm gia đình, phong tục, tập quán, kết hợp với việc vận dụng kỹ năng, nghiệp vụ hòa giải, nhiều Tổ hòa giải đã có những lập luận chặt chẽ, nêu rõ ràng, cụ thể, chính xác cơ sở pháp lý và đưa ra phương án giải quyết, xử lý tình huống, mâu thuẫn “thấu tình đạt lý”, đúng theo quy định của pháp luật, qua đó đã hóa giải được mâu thuẫn đi đến thỏa thuận, thống nhất và hàn gắn tình cảm. Tỷ lệ thực hiện thoả thuận hòa giải thành các vụ việc phát sinh hằng năm từ 80% trở lên. Công tác phối hợp với Ủy ban MTTQ các cấp và các cơ quan, đơn vị trong công tác hoà giải và các văn bản quy phạm pháp luật luôn được quan tâm. Hằng năm đều phối hợp tổ chức cho các hòa giải viên tham gia các hội diễn văn hóa, văn nghệ, hội thi báo cáo viên, hòa giải viên; tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; hòa giải ở cơ sở; chuẩn tiếp cận pháp luật giai đoạn 2023-2026. Do đó, công tác hòa giải ở cơ sở được thực hiện mang lại hiệu quả thiết thực.
Trong quá trình triển khai thực hiện các cấp ủy Đảng, chính quyền, lãnh đạo các cơ quan, đơn vị, tổ chức, đoàn thể ngày càng nhận thức đầy đủ, toàn diện hơn về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của công tác hòa giải ở cơ sở, từ đó có sự quan tâm trong lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện, đầu tư kinh phí, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác này nên đã khích lệ, động viên các hòa giải viên thực hiện nhiệm vụ, phát huy tinh thần trách nhiệm vì cộng đồng. Các Tổ hòa giải ở cơ sở thường xuyên được củng cố, kiện toàn về cơ cấu tổ chức, chất lượng, hiệu quả hoạt động ngày càng nâng cao. Nhiều vụ việc vi phạm pháp luật, các tranh chấp, mâu thuẫn phát sinh trong cộng đồng dân cư được Tổ hòa giải tư vấn, giải quyết kịp thời, dứt điểm, vì vậy hạn chế rất nhiều vụ việc khiếu nại, khiếu kiện vượt cấp, tiết kiệm được thời gian, công sức, tiền bạc của Nhân dân, giảm tải công tác giải quyết của các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền và giảm bớt gánh nặng chi tiêu cho ngân sách địa phương. Công tác hòa giải ở cơ sở ngày càng nhận được sự tin tưởng cao của người dân, kết quả hòa giải đều đạt được sự đồng thuận cao từ cộng đồng dân cư, thể hiện qua việc tỷ lệ các vụ việc hòa giải thành luôn chiếm tỷ lệ cao trong tổng số các vụ việc nhận hòa giải. Với những kết quả đạt được trong 10 năm qua đã có nhiều tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác hoà giải cơ sở được các cấp, các ngành khen thưởng.
Ông Nguyễn Văn Hưng, Trưởng Phòng Tư Pháp huyện Bát Xát cho biết: “Thời gian tới Phòng Tư pháp tiếp tục tham mưu cho UBND huyện tổ chức nâng cao nghiệp vụ, kỹ năng cho đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở bằng các hình thức phối hợp với UBND các xã, thị trấn mở các lớp tập huấn, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức pháp luật cho 100% hòa giải viên tại cơ sở”.
Có thể nói, việc thực hiện Luật hòa giải ở cơ sở trên địa bàn huyện Bát Xát là cơ sở pháp lý toàn diện, đầy đủ và vững chắc cho hoạt động hòa giải ở cơ sở đi vào nề nếp, thống nhất và hiệu quả, qua đó khẳng định vị trí và vai trò quan trọng của công tác hòa giải ở cơ sở. Hiệu quả đáng mừng đã tạo ra sức lan tỏa lớn đến đời sống xã hội; góp phần quan trọng trong việc giữ gìn đoàn kết trong cộng đồng dân cư, kịp thời ngăn ngừa các hành vi vi phạm pháp luật, góp phần bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương.