Trong bài viết của mình trên tạp chí Smithsonian, tác giả Marshall Michel kể lại sinh động chuyến đi đến Việt Nam tìm tư liệu cho cuốn sách thứ 2 của ông về cuộc không kích chiến lược của Không quân Mỹ vào miền Bắc Việt Nam cuối tháng 12-1972 được cả thế giới biết đến với tên gọi “Christmas bombing” (chiến dịch không kích Giáng sinh hay Chiến dịch Linebacker II) và phía Việt Nam gọi là “Điện Biên Phủ trên không”.

Trong Chiến dịch Linebacker II, Mỹ đã sử dụng át chủ bài “pháo đài bay” B-52 hòng thực hiện dã tâm “đưa miền Bắc trở về thời kỳ đồ đá”, đồng thời xoay chuyển thế cờ trên bàn đàm phán ở Paris. Các “pháo đài bay” B-52 đã tiến hành 12 ngày không kích liên tục. Tuy nhiên, thay vì có được lợi thế “trên cơ”, việc B-52 liên tục bị bắn rơi trên bầu trời Hà Nội đã khiến Richard Nixon cuối cùng phải xuống nước, cầu xin phía Hà Nội nối lại các cuộc đàm phán và đơn phương chấm dứt ném bom phá hoại miền Bắc một cách vô điều kiện.

Chuyến đi đến Việt Nam đã “vỡ” ra cho Marshall Michel rằng “Chiến dịch Linebacker II là chiến thắng cuối cùng của Việt Nam trước Mỹ, một chiến thắng có thể so với chiến dịch đã buộc Pháp rút khỏi Đông Dương”. Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” và Hiệp định Paris được ký kết đã tạo bước ngoặt đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đi đến thắng lợi hoàn toàn, thực hiện trọn vẹn tư tưởng Hồ Chí Minh “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”.

Một kỹ sư quân khí chuẩn bị bom trong Chiến dịch tập kích đường không Linebacker II.
Một kỹ sư quân khí chuẩn bị bom trong Chiến dịch tập kích đường không Linebacker II.

Phía Mỹ đã làm gì?

Thứ 6, ngày 15-12-1972, Đại úy Bob Certain và các thành viên đội bay B-52 tại Căn cứ không quân Andersen ở Guam nhận được thông báo tạm dừng toàn bộ các đợt bay luân phiên. Kế hoạch có thay đổi. Trong cuốn hồi ký chưa xuất bản, hoa tiêu B-52 Bob Certain đã nhắc lại phản ứng của chính ông và đồng đội khi đó: “Suy nghĩ đầu tiên và hy vọng của đội bay là chiến tranh đã kết thúc và chúng tôi ở lại Guam là để đưa tất cả máy bay về Mỹ”. Nhưng sang sáng Thứ 7 thì cả đội bỗng thấy “tất cả máy bay B-52 đang được tiếp nhiên liệu và nạp bom”.

Khi đội bay của Certain bước vào phòng giao ban lúc 11 giờ sáng thứ 2, ngày 18-12, phòng đã chật kín hơn trăm con người. Họ nhận được thông báo: “Mục tiêu của các anh tối nay là Hà Nội”. Trước đó, ngày 14-12, Tổng thống Richard Nixon đã ra lệnh tấn công miền Bắc Việt Nam. Bộ Tư lệnh Không quân chiến lược ở Omaha, Nebraska vội vàng lên kế hoạch tác chiến. Kế hoạch là chia nhỏ lực lượng B-52. Theo đó, B-52 sẽ bay theo 2 hướng: Từ căn cứ Anderson ở Guam và căn cứ U Tapao, Thái Lan. Các đội bay B-52 sẽ tiến hành 3 đợt không kích vào ban đêm, mỗi đợt cách nhau 4 giờ đồng hồ, di chuyển theo đường bay đã được vạch sẵn đến Hà Nội và quay đầu về căn cứ sau khi thả hết bom.

Đại úy Jim “Bones” Schneiderman, phụ lái B-52, dự cuộc giao ban đầu tiên và thấy không mấy ấn tượng về kế hoạch. Schneiderman cho rằng ngay từ đầu chiến thuật đã có vấn đề, bởi trong nhiệm vụ đầu tiên này, tất cả các phi công đều đến từ một hướng, cùng độ cao và cùng một đường bay thoát. Viên đại úy cho rằng như thế chẳng khác nào lính bộ binh di chuyển theo hàng dọc, dễ dàng trở thành mục tiêu cho đối phương.

Những chiếc B-52 đầu tiên bay vào miền Bắc Việt Nam gồm nhóm 21 chiếc từ U Tapao và 28 chiếc từ Andersen. 49 chiếc máy bay ném bom di chuyển thành một hàng, từ phía Tây Bắc xuống phía Đông Nam, hướng về Hà Nội. Trong hồi ký của mình, Bob Certain nhớ lại: “Khi rời khỏi Lào theo hướng Đông, tiến vào miền Bắc để ném bom, tất cả chúng tôi đều tập trung vào việc làm sao hoàn thành nhiệm vụ này ở mức tốt nhất, chính xác nhất. Chúng tôi sẽ nằm trong tầm bắn hiệu quả của tên lửa đất đối không SAM trong khoảng 20 phút, nhưng chúng tôi không được phép phân tâm bởi các mối đe dọa. Hoa tiêu ra-đa và tôi đã tắt thiết bị vô tuyến bên ngoài để chỉ tập trung vào các mục tiêu và phối hợp ăn ý giữa các kíp với nhau”.

Theo Certain, họ được lệnh không thực hiện bất cứ hành động vòng tránh nào từ điểm ngắm đầu tiên cho đến điểm cắt bom. Nhưng tuân theo mệnh lệnh này đồng nghĩa với tự sát bởi trong hành trình bay họ nhận được rất nhiều cuộc gọi từ các máy bay B-52 xuất phát từ U-Tapao đã đột nhập vùng trời Hà Nội trước đó 30 phút. Các cuộc gọi liên tục cảnh báo về đe dọa từ các hệ thống tên lửa SAM.

Trong lời kể lại của Bob Certain về những hoạt động trong khoang dưới chiếc B-52 bị bắn rơi khi gần đến mục tiêu ném bom có đoạn: “15 giây trước khi ném bom, tôi và thiếu tá Dick Johnson (hoa tiêu ra-đa) mở cửa khoang. 5 giây sau đó, tôi khởi động lại đồng hồ đếm ngược để đề phòng bất trắc. Nhưng màn hình ra-đa đột nhiên trống trơn. Tất cả thiết bị bị mất điện hoàn toàn. Qua hệ thống liên lạc nội bộ, phi công phụ Bobby Thomas hét lên: ‘Tên lửa đã bắn trúng vị trí phi công’. Tôi nhìn qua trái. Từ ô cửa sổ, tôi thấy lửa bùng lên ở bánh máy bay. Trong đầu tôi chợt lóe lên ý nghĩ về 27 quả bom nặng 750 cân Anh (340kg) trong khoang chứa bom ngay phía sau đám cháy. Tôi quay sang hét lên với viên hoa tiêu ra-đa: ‘Thả hết chỗ bom chết tiệt này xuống đi!’”. Johnson bật chốt an toàn, nhấn công tắc cắt bom. Chiếc B-52 tê liệt. Giây sau, giọng nói của chỉ huy máy bay Don Rissi yếu ớt vang lên qua hệ thống liên lạc nội bộ: “Phi công vẫn còn sống”.

Nhận thấy đã đến lúc phải thoát khỏi máy bay, Certain gọi lớn: “Phi công phụ, hướng thoát 290”. Khoảng 10 giây sau khi chiếc B-52 bị bắn trúng, Certain và Johnson thoát ra được khỏi “pháo đài bay” trước khi nhiều tiếng nổ vang lên. Chiếc B-52 lao như một mũi tên vào một ngôi làng bên dưới và chìm trong biển lửa. Bob Certain và 2 thành viên khác bị bắt sống sau đó.

Trong Chiến dịch Linebacker II, con số máy bay B-52 bị bắn hạ và mất mát về nhân sự là khó có thể chấp nhận được. Tại U Tapao, Tư lệnh Sư đoàn không quân 17, Chuẩn tướng Glenn Sullivan triệu tập những người chỉ huy chiến dịch gồm Đại tá Don Davis và Đại tá Bill Brown, yêu cầu thay đổi chiến thuật và trực tiếp thông báo tình hình cho tướng JC Meyer và cấp trên, tướng Jerry Johnson. Tuy nhiên, sau khi đã điều chỉnh, pháo đài bay B-52 được mệnh danh “bất khả chiến bại” vẫn tiếp tục bị bắn hạ ngay trên bầu trời Hà Nội hoặc bị bắn bị thương lết về căn cứ.

Hành động của Việt Nam

Tối ngày 18-12-1972, trời đặc biệt lạnh và có mưa tại một ngôi làng nhỏ ở Nghệ An. Khi ấy, Đinh Hữu Thuần, Đại đội trưởng Đại đội ra-đa 45, Trung đoàn ra-đa 291, Quân chủng Phòng không - Không quân, đang làm nhiệm vụ. Đây là phòng tuyến đầu tiên của hệ thống cảnh báo sớm ở miền Bắc Việt Nam. Đại đội trưởng Đinh Hữu Thuần và đồng đội đang chăm chú nghiên cứu hình ảnh trên ra-đa cảnh báo sớm P-12 do Liên Xô sản xuất thì một hàng đốm sáng xuất hiện, dịch chuyển về phía Bắc, ngược dòng Mê Kông, đoạn giao giữa Thái Lan và Lào. Các đốm sáng được bao quanh bởi nhiều lớp nhiễu dày đặc. Ông và đồng đội nhận định các đốm sáng này chính là hình ảnh của B-52, loại máy bay ném bom chiến lược lớn nhất của Mỹ có khả năng mang tới 30 tấn bom.

Lực lượng tên lửa phòng không đã hoạt động hiệu quả trong chiến dịch "Điện Biên Phủ trên không".
Lực lượng tên lửa phòng không đã hoạt động hiệu quả trong chiến dịch "Điện Biên Phủ trên không".

Chưa bao giờ các thành viên Đại đội ra-đa 45 thấy B-52 xuất hiện nhiều đến vậy. Đại đội trưởng Đinh Hữu Thuần cũng chợt nhận ra rằng B-52 đang đi theo đường bay mà nhiều máy bay cường kích của Mỹ đã sử dụng khi tấn công Hà Nội trước đó. 19 giờ 15 phút (giờ Hà Nội), ông điện về sở chỉ huy trung đoàn: “Rất nhiều B-52 đã vượt qua Điểm 300. Dường như chúng đang bay hướng về Hà Nội”. Trung đoàn nhanh chóng chuyển tin về Sở chỉ huy Phòng không - Không quân tại Hà Nội. Trận chiến cuối cùng của Mỹ trong Chiến tranh Việt Nam sắp bắt đầu.

Sư đoàn Phòng không 361 phụ trách khu vực Hà Nội được trang bị nhiều ra-đa và hệ thống súng, pháo phòng không. “Trái tim” của sư đoàn là 3 trung đoàn tên lửa SA-2 (SAM 2): Trung đoàn 261 bảo vệ khu vực phía Bắc và phía Đông thành phố và Trung đoàn 257 và 274 bảo vệ phía Nam và phía Tây. Mỗi trung đoàn đều được trang bị ra-đa cảnh báo sớm và có 3 tiểu đoàn tên lửa SA-2. Mỗi tiểu đoàn được trang bị ra-đa cảnh báo sớm riêng, 1 ra-đa dẫn bắn và 6 bệ phóng tên lửa SA-2.

Các kíp tên lửa ở Hà Nội đều rất giàu kinh nghiệm và luyện tập phòng thủ trước các cuộc không kích của Mỹ nhiều năm trước đó nên đặc biệt nóng lòng muốn bắn hạ B-52. Chiến thuật của B-52 và các quy trình gây nhiễu khi máy bay tấn công các mục tiêu ở Lào và sườn Nam miền Bắc Việt Nam cũng đã được các chuyên gia Việt Nam nghiên cứu kỹ. Thậm chí một cuốn sách có tựa đề “Cách đánh B-52” cũng đã được in và phân phát cho tất cả các đơn vị tên lửa SAM.

Tiểu đoàn SAM đầu tiên đón đợt tập kích đường không của Mỹ là Tiểu đoàn 57, Trung đoàn 261, dưới sự chỉ huy của Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Văn Phiệt. Chưa bao giờ lực lượng phòng không thấy nhiễu dày đặc như vậy. Tất cả tín hiệu ra-đa đều biến mất trong màn sương mù trắng sáng của nhiễu. Màn hình hiển thị nhiều sọc màu xanh đậm đan xen, thay đổi với tốc độ bất thường rồi sau đó, hàng trăm, hàng nghìn vệt sáng hiện thành các chấm lốm đốm trên màn hình, di chuyển chậm chạp. Thật khó để có thể phân biệt đâu là nhiễu của B-52, EB-66 hay F-4.

Tuy nhiên, bằng kinh nghiệm của mình, các trắc thủ Việt Nam đã “vạch nhiễu”, tìm được đúng B-52. Về lý thuyết, nếu sử dụng sóng Fan Song (SNR-75) thì nguy cơ trận địa ra-đa bị phát hiện và bị tấn công là rất cao. Nhưng không còn cách nào khác, nhiễu quá dày đặc. Theo lệnh Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Chấn, Tiểu đoàn 78 bật ra-đa Fan Song ở công suất cao nhất. Ngay sau đó, sĩ quan kiểm soát hỏa lực đã có thể xuyên qua lớp nhiễu B-52 và phát hiện mục tiêu. Lệnh khai hỏa được đưa ra lúc 19 giờ 49 phút. Hai quả tên lửa sáng rực vọt đi về phía mục tiêu. Trong khi đó, cách Hà Nội vài cây số về phía Bắc, Tiểu đoàn 59 nhận thông tin từ sở chỉ huy Trung đoàn 261 chỉ thị mục tiêu T671 ở độ cao 10.000 mét. Tiểu đoàn ra lệnh khai hỏa. Ngay lập tức, “đám nhiễu” trên ra-đa mất dần độ cao. Chỉ vài phút sau, sở chỉ huy Phòng không - Không quân nhận tin báo một chiếc B-52 rơi ở ngoại ô Hà Nội.

Xác "pháo đài bay" B-52 ở Hồ Hữu Tiệp, Hà Nội, Việt Nam.
Xác "pháo đài bay" B-52 ở Hồ Hữu Tiệp, Hà Nội, Việt Nam.

Trong bài viết của mình đăng trên Tạp chí Không quân và Vũ trụ, tác giả David Freed, trích lời của Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Văn Phiệt nhận định rằng ban đầu ông và đồng đội đều lo ngại vì Mỹ nói rằng B-52 là “pháo đài bay” bất khả chiến bại. Nhưng sau đêm đầu tiên thì ông biết B-52 có thể bị tiêu diệt giống như bất kỳ loại máy bay nào khác. Mỹ muốn đưa Việt Nam trở về thời kỳ đồ đá, nhưng đây là một sai lầm. Không ai có thể dùng bạo lực để tiêu diệt được ý chí của một dân tộc. Những đêm sau đó, đã có rất nhiều “pháo đài bay” của Không quân Mỹ tiếp tục bị bắn rơi trên bầu trời miền Bắc. Ngoài B-52, nhiều chiến đấu cơ khác của Mỹ cũng bị bắn hạ.

Về cuộc tập kích chiến lược đường không 12 ngày đêm của Mỹ cuối tháng 12-1972, tác giả Marshall Michel nhận xét, Điện Biên Phủ trên không là một chiến thắng nữa trong chuỗi chiến thắng nối tiếp chiến thắng của cuộc chiến tranh giành độc lập kéo dài 30 năm của Việt Nam, góp phần giải phóng miền Nam, thống nhất hoàn toàn đất nước vào mùa Xuân năm 1975.