Phần không thể thiếu của võ cổ truyền
Hình tượng rồng có vai trò quan trọng trong văn hóa và võ thuật Á Đông. Theo võ sư Trần Việt, Trưởng võ phái Đông Đô Việt Võ quyền, Chánh Văn phòng Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam, rồng trong võ thuật là biểu trưng cho thần thái. Thế nên, trong các bài quyền ở nhiều môn phái thường có "Ngũ hình quyền" - bài quyền dựa trên 5 con vật chính là rồng (long), hổ, hạc, báo, rắn, trong đó các bài long quyền gắn với luyện thần.
Các cú đá trong võ cổ truyền thường gắn với chữ “long”. Như đòn đá ngang gọi là “Bàn long cước”, đá hất từ dưới lên là “Phi long cước” hay “Thăng long cước”, đòn đá từ trên xuống gọi là “Giáng long cước”, đá ra sau gọi là “Ô long bãi vĩ” (rồng đen vẫy đuôi).
Từ bộ móng vuốt của rồng, các võ sư sáng tạo các đòn trảo cho bộ tay, thường gọi là bộ long trảo. Rồng trong võ thuật còn thể hiện cho sự biến ảo. Ví như hình ảnh rồng bay vào trong mây, lúc ẩn, lúc hiện.
Đó là trong quyền thuật, còn trong các bài thế có sử dụng binh khí, dễ thấy nhiều động tác, thần thái theo tưởng tượng dân gian về rồng. Đó là các bài nổi tiếng như "Phi long thương", "Bạch long thương", "Mãnh long xuất hải", "Lôi long đao", “Ngũ long kiếm pháp”...
Một số người trong giới võ thuật hiện vẫn còn nhớ, vào cuối những năm 1980, bài “Ngũ long kiếm trận” nổi tiếng của đội tuyển võ cổ truyền tỉnh Sông Bé (nay là hai tỉnh Bình Dương và Bình Phước) đã gây tiếng vang lớn trong làng võ cổ truyền Việt Nam. Đáng tiếc, đến nay, đội tuyển không còn và bài “Ngũ long kiếm trận” cũng ít được nhắc tới. Trong khi đó, “Ngũ long quyền pháp” là bài danh quyền của võ phái Lạc Long Môn, ra đời năm 1610 ở Lâm Đồng, đến nay vẫn đang được phát triển...
Theo võ sư Trần Việt, hình ảnh rồng bao trùm trong các động tác võ cổ truyền - từ tay không đến sử dụng binh khí. Múa rồng là một phần quan trọng trong võ cổ truyền, người tham gia phải nắm chắc kỹ thuật cơ bản và thần thái của rồng để thể hiện.
Hiện tại, trong các bài tập võ cổ truyền của nhiều môn phái ở Hà Nội cũng như trong toàn quốc có nhiều bài liên quan đến rồng. Rồng là một trong tứ linh (long, ly, quy, phượng), nên có những bài quyền, bài tập cùng binh khí có đòn thế gắn với tứ linh. Trong đó, bài "Tứ linh đao" được đưa vào phần thi đấu bắt buộc ở các giải đấu do Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam tổ chức.
Gìn giữ nét độc đáo
Tại Hà Nội có nhiều môn phái vẫn lưu giữ và phát triển các bài võ có liên quan đến hình tượng rồng. Tại các kỳ liên hoan võ thuật cổ truyền ở Hà Nội, võ sinh thuộc các võ phái thường thi triển các bài võ liên quan tới "long" - cả tay không và sử dụng binh khí.
Trong số các môn phái, võ phái, Đông Đô Việt Võ quyền nổi tiếng với bài quyền "Long hổ quyền", bài côn "Long thượng côn", "Hổ thượng côn", bài kiếm thuật "Long mã tùy phong" hay bài tập dưỡng sinh "Hoa long".
Giới thiệu về bài "Long hổ quyền", còn gọi là "Long hổ song hình quyền", Trưởng võ phái Đông Đô Việt Võ quyền Trần Việt nói rằng, sự phối triển long - hổ trong võ thuật liên quan đến sức mạnh tự nhiên gắn với nhu và cương, tĩnh và động, hư và thực. Lúc khắc, lúc chế, lúc phản, lúc biến, nương theo nhau, yểm trợ nhau, dung hòa và hợp nhất để tạo nên sức mạnh tuyệt đối. Long đã vô cùng uy mãnh, lại phối triển với hổ đầy uy lực tất sẽ tạo nên sức mạnh tổng hợp vô song.
Các thế thuộc "Long hổ quyền" được các võ sư nghiên cứu và xây dựng một cách công phu. Bài "Long hổ quyền" được thi triển dựa trên thân pháp của rồng, mềm mại và uyển chuyển, uốn lượn mà uy mãnh; lúc ẩn, lúc hiện, thăng thiên, giáng địa khó lường. Biểu hiện khôn lường ấy thể hiện rõ ở “Bát bộ thiên long” - làm chủ trời đất, 4 phương 8 hướng. Bài võ này gồm 86 động tác, võ sinh được cho là đạt yêu cầu nếu bảo đảm "đi" hết động tác trong 1 phút 50 giây. Đương nhiên, để thực hiện thành thạo bài võ này, người tập phải có ít nhất 3 năm theo học cơ bản một cách nghiêm túc. Nhờ nét đặc trưng thể hiện tinh túy võ cổ truyền ở bài võ này, võ sinh thuộc võ phái Đông Đô Việt Võ quyền đã giành nhiều huy chương tại các kỳ liên hoan võ cổ truyền cấp thành phố và toàn quốc.
Bài gươm "Long mã tùy phong" cũng là một ví dụ về tinh túy võ cổ truyền Việt Nam. Người tập bài này thể hiện khả năng tung hoành ngang dọc, biến hóa uyển chuyển long - mã tùy theo gió (tùy phong) để đạt được long hình. Đường gươm mạnh mẽ dựa trên khả năng biến hóa của long kết hợp mã bộ - bộ pháp di chuyển nhanh nhẹn, bền bỉ của loài ngựa. Đây là một bài gươm khó, kỹ thuật phức hợp, yêu cầu người tập phải “vung gươm như chớp giật, đâm gươm như đinh đóng, thu gươm như gió lặng, thủ gươm như núi tĩnh”. Trong kỹ thuật gươm phải đủ phép đánh xa, đánh gần, đánh cao, đánh thấp, công thủ liên hoàn với phản đòn biến chiêu, vung gươm đánh chỗ rộng, thu gươm xoay trong chỗ hẹp... Tất cả phải đủ nhuần nhuyễn.
Những ngày cuối năm Quý Mão, những người gắn bó với võ thuật cổ truyền thành phố Hà Nội lại nói về những dự định trong năm Giáp Thìn sắp tới với những dự án liên quan đến hình tượng rồng trong võ thuật. Tất cả đều mong muốn đạt được cái đích là nhiều người hiểu về nét tinh túy và cùng chung tay gìn giữ, phát triển võ cổ truyền - vốn quý của dân tộc.