Chị Giàng Thị Yên - 1 trong 7 thành viên của Tổ truyền thông cộng đồng thôn Lũng Choáng, xã Nàn Sán (huyện Si Ma Cai) đang cùng một số người dân trong thôn tham gia lớp học nghề thợ xây do Trung tâm Dạy nghề và Giáo dục thường xuyên huyện Si Ma Cai mở tại thôn. Lớp học thu hút 32 học viên, phần đông là phụ nữ. Nhìn cách chị Yên và những phụ nữ khác chăm chú học nghề vốn chỉ dành cho đàn ông mới cảm nhận được sự ham học, cầu tiến của họ.
Tôi thấy học nghề thợ xây không quá khó. Thầy giáo hướng dẫn nhiệt tình, tỉ mỉ nên bây giờ tôi đã hiểu được cơ bản quy trình xây nhà. Sau này, nếu không thể tự xây nhà thì tôi cũng có kiến thức và có thể tự xây những công trình nhỏ như tường rào, bể nước… Điều này giúp tôi tự tin hơn.
Chị Giàng Thị Yên - Thành viên của Tổ truyền thông cộng đồng thôn Lũng Choáng
Chị Yên là 1 trong 4 thành viên nữ của Tổ truyền thông cộng đồng thôn Lũng Choáng. Là người Nùng, sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Nàn Sán, từ nhỏ chị đã được ông bà, cha mẹ răn dạy rằng phụ nữ phải chăm chỉ, chịu thương, chịu khó, vun vén cho gia đình, làm công việc đồng ruộng, bếp núc… Phụ nữ người Nùng ít tham gia việc lớn của gia đình, dòng họ, cũng ít được đi học. Tuy nhiên, những năm gần đây, người dân tộc thiểu số ở vùng cao nói chung, người Nùng ở Nàn Sán nói riêng nhận được nhiều sự quan tâm, hỗ trợ, tạo điều kiện của Đảng và Nhà nước để vươn lên, phát triển mọi mặt cũng như nâng cao nhận thức.
Anh Lù Văn Sương, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn, Tổ trưởng Tổ truyền thông cộng đồng thôn Lũng Choáng cho biết: Nhờ được tuyên truyền, vận động mà nhận thức của người dân trong thôn đã thay đổi. Nhiều hủ tục đã được xóa bỏ, ví như việc tang được tổ chức trong thời gian ngắn hơn thay vì để đến nửa tháng chờ ngày, giờ “đẹp” mới đem đi chôn cất như trước; các đám cưới cũng rút ngắn xuống 1 - 2 ngày thay vì 5 - 7 ngày như trước; 100% trẻ trong thôn được đi học...
Tổ truyền thông cộng đồng thôn Lũng Choáng là 1 trong 2 tổ truyền thông của xã Nàn Sán. Các tổ truyền thông của xã được thành lập năm 2021 và thực hiện tuyên truyền tại thôn mỗi tháng 1 lần (lồng ghép vào các buổi họp thôn) về các nội dung như phòng, chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống; phòng, chống bạo lực gia đình; tuyên truyền thay đổi nếp nghĩ, cách làm, góp phần xóa bỏ định kiến và khuôn mẫu giới trong gia đình, cộng đồng; những tập tục văn hóa có hại và một số vấn đề xã hội cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em.
Các buổi tuyên truyền đã góp phần thay đổi tư tưởng, nhận thức của người dân trong xã, đặc biệt đối với phụ nữ. Họ biết vươn lên làm chủ cuộc sống của mình, tích cực tham gia phát triển kinh tế gia đình, đi học nghề, nâng cao giá trị bản thân, tạo được tiếng nói trong gia đình và xã hội.
Chị Thèn Thị Kiệt
Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Nàn Sán
Đó cũng chính là mục tiêu, đích đến của Dự án 8 về “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Những kết quả bước đầu cho thấy tín hiệu tích cực trong thay đổi về nhận thức của người dân Si Ma Cai nói riêng và vùng cao nói chung.
“Dự án 8 được Hội Phụ nữ huyện Si Ma Cai triển khai thực hiện trên địa bàn 7 xã, thị trấn nhận được sự đồng thuận của các cấp, các ngành và người dân. Mặc dù gặp không ít khó khăn trong tuyên truyền do trình độ, nhận thức của người dân còn hạn chế, rào cản về ngôn ngữ, địa hình… nhưng chúng tôi vẫn xác định mục tiêu rõ ràng và lựa chọn các thành viên tham gia mô hình của dự án là những người nhiệt tình, trách nhiệm, có uy tín. Đặc biệt, họ đều là người thông thạo địa bàn, biết tiếng dân tộc địa phương, am hiểu phong tục, tập quán, nhờ đó hiệu quả tuyên truyền của dự án được nâng cao”.