Nhận kết quả con trai trúng tuyển Trường Đại học Giao thông vận tải, cả gia đình chị Đào Thị Lý vui như có hội. Kết quả trúng tuyển là minh chứng cho những nỗ lực của em Bùi Trung Kiên trong suốt 12 năm cố gắng và những ngày “chạy nước rút” vừa qua. Giấy thông báo trúng tuyển là kết quả nhưng cũng giống như một chiếc chìa khóa mở ra một cánh cửa, mở ra một hành trình mới - hành trình sống tự lập, xa nhà và từng bước tự chịu trách nhiệm với những quyết định của mình. Vừa mừng, nhưng cũng lại vừa lo. Những ngày chuẩn bị cho con nhập học, không chỉ lên “list” mua sắm đồ đạc cho con, chị Lý còn bận rộn chuẩn bị những “hành trang mềm” cho cậu con trai lần đầu sống xa nhà.
Trong phòng bếp, trước đây chị Lý thường tự mình tất tả chuẩn bị bữa ăn cho cả gia đình, nhưng nay cậu con trai vừa nhận kết quả đỗ đại học cũng hăng hái nấu ăn cùng mẹ. Trong gian bếp đầy ắp tiếng cười, những lời “cằn nhằn”, trách yêu của người mẹ trước cậu con trai “lớn rồi vẫn tồ”, hướng dẫn con cách chọn thực phẩm, cách chế biến từng món ăn, bảo quản thế nào cho đúng cách hoặc nhắc đi nhắc lại những đồ ăn kỵ nhau, nhận biết đồ không đảm bảo an toàn...
Tương tự, những ngày này, gia đình chị Đỗ Thị Bích Ngoan cũng bận rộn hơn hẳn bởi phải “tập huấn” cho con trai Phạm Gia Hưng mới trúng tuyển Đại học Quốc gia Hà Nội. Ngoài kỹ năng sống cơ bản, gia đình chị Ngoan còn chú trọng đến việc chuẩn bị tinh thần và tư duy cho con. Những lời dặn của chị Ngoan thường trực từ sáng tới tối, cứ gặp vấn đề gì, bất cứ sự kiện nào liên quan đến cuộc sống bên ngoài, chỉ cần nhớ tới là chị đều căn dặn con.
Chị Ngoan nói: Các con vẫn quen với cuộc sống có cha mẹ bao bọc nên khi phải tự lập sẽ không tránh khỏi bỡ ngỡ. Nếu thời kỳ trước, con cái bước vào môi trường đại học, cao đẳng, nỗi lo lớn nhất của các gia đình thường là vấn đề về tài chính thì nay nỗi lo lớn nhất lại thường là những vấn đề về xã hội.
Còn đối với anh Phạm Văn Lương, thành phố Lào Cai thì việc giáo dục kỹ năng sống cho con được gia đình anh quan tâm từ thời con học trung học. Bởi vậy, trước thềm năm học mới, khi con rời ghế nhà trường đến giảng đường đại học, đây không phải nỗi lo quá lớn.
Hành trình bước chân vào giảng đường đại học không đơn thuần là bước ngoặt với các tân sinh viên khi phải đối diện với rất nhiều thách thức mới mẻ. Ngoài kiến thức về học vấn, kỹ năng sống trở thành hành trang không thể thiếu để các em tự tin bước vào đời. Ngoài chuẩn bị hành trang về vật chất như nơi ở, phương tiện đi lại... mỗi tân sinh viên cũng cần chuẩn bị thật tốt về chính bản thân mình.
Gia đình đóng vai trò quan trọng trong việc giúp con cái chuẩn bị đầy đủ hành trang trước ngưỡng cửa bước vào những “chân trời mới”. Việc đồng hành với con trong những bước đầu tiên trên hành trình mới không chỉ là trách nhiệm mà còn là sự yêu thương, quan tâm đúng cách từ phía cha mẹ. Những kỹ năng mà các em được trang bị từ gia đình sẽ là nền tảng vững chắc để các em tự tin bước vào cuộc sống tự lập và phát triển bản thân toàn diện hơn trong tương lai.