Mới đây, tại tổ 3, phường Cầu Mây (thị xã Sa Pa) xảy ra vụ án mạng làm 2 người tử vong. Theo đó, khoảng 5 giờ ngày 10/10, người dân phát hiện chị G.T.P. (29 tuổi) tử vong với nhiều vết thương trên người, cách đó không xa là thi thể anh S.A.S. (33 tuổi) chồng nạn nhân. Thông tin từ chính quyền địa phương cho biết, vợ chồng nạn nhân đều trú ở xã Tả Van (thị xã Sa Pa). Trước đó khoảng 1 tuần, 2 người xảy ra mâu thuẫn nên chị P. bỏ về nhà ngoại ở tại tổ 3, phường Cầu Mây. Tới ngày 10/10, anh S.A.S. sang nhà ngoại với ý định đón vợ về nhà nhưng chị P. không đồng ý. Cả hai sau đó tiếp tục xảy ra mâu thuẫn. Nghi vấn đặt ra là anh S.A.S. sát hại vợ rồi dùng súng kíp tự tử.
Thị xã Sa Pa không phải là địa bàn trọng điểm về công tác quản lý vũ khí, vật liệu nổ nhưng do phong tục, tập quán từ xưa nên người dân vẫn sử dụng súng săn, vũ khí thô sơ để săn bắn và bảo vệ mùa màng. Những năm gần đây, ngoài súng săn tự chế còn xuất hiện súng bắn bằng hơi cồn tự chế với độ chính xác cao, mức độ sát thương lớn, tiềm ẩn nhiều nguy hiểm đến tính mạng, sức khỏe con người…
Theo Thượng tá Trịnh Xuân Thủy, Phó Trưởng Công an thị xã Sa Pa, công tác quản lý, vận động thu hồi vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ hiện vẫn còn nhiều hạn chế, vướng mắc, nguyên nhân là trình độ dân trí của người dân trên địa bàn không đồng đều; đời sống của đồng bào vùng sâu còn nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến việc triển khai thực hiện Luật Quản lý sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và các văn bản hướng dẫn thi hành luật. Cùng với đó, cán bộ làm công tác này tại một số cơ quan, đơn vị phải kiêm nhiệm nhiều công việc khác nhau, một số chưa được đào tạo đúng chuyên ngành; kinh phí phục vụ việc kiểm tra, rà soát, phổ biến, tuyên truyền, nhất là việc tiếp nhận, thu gom, phân loại, bảo quản, thanh lý, tiêu hủy vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ chưa được đầy đủ, nên hiệu quả chưa cao…
Theo thống kê kết quả vận động, thu hồi từ đầu năm 2023 đến nay, Công an thị xã Sa Pa đã thu gom được 352 vũ khí, công cụ hỗ trợ (trong đó có 31 khẩu súng kíp, súng cồn tự chế; 321 dao, kiếm, nỏ…).
Tại huyện Si Ma Cai, thời gian qua, cấp ủy đảng, chính quyền các địa phương trên địa bàn huyện đã tích cực tuyên truyền, vận động toàn dân giao nộp vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, được người dân tích cực hưởng ứng. Từ đầu năm đến nay, toàn huyện đã vận động người dân giao nộp 155 vũ khí các loại, trong đó nhiều nhất là súng kíp, súng cồn tự chế.
Huyện Si Ma Cai cũng là địa phương vừa được Công an tỉnh tổ chức thí điểm mô hình tuyên truyền, vận động toàn dân giao nộp và đấu tranh với tội phạm, vi phạm pháp luật về vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ. Ngay trong ngày ra mắt mô hình, người dân đã chủ động giao nộp 139 vũ khí các loại.
Theo nhận định của cơ quan chức năng, trong thời gian tới, nhất là thời điểm gần tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, việc mua bán, vận chuyển trái phép vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo trên tuyến biên giới, trên không gian mạng, dịch vụ bưu chính, phương tiện giao thông sẽ có chiều hướng gia tăng và diễn biến phức tạp. Do đó, UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục tăng cường tuyên truyền, quán triệt, thực hiện nghiêm các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo.
Thượng tá Hoàng Văn Dũng, Trưởng Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (Công an tỉnh) cho biết: Để người dân tự giác giao nộp vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ đạt kết quả cao, tiến tới xóa bỏ hoàn toàn tình trạng súng tự chế trong dân, cần có sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa của lực lượng công an cơ sở và sự đồng tình ủng hộ của các ban, ngành, đoàn thể các cấp trong tuyên truyền các quy định của pháp luật về quản lý vũ khí, vật liệu nổ; về tác hại khi sử dụng vũ khí, vật liệu nổ đối với gia đình và sự nguy hiểm cho xã hội.
Bên cạnh đó, công an các xã, phường, thị trấn phải xác định tầm quan trọng của công tác phòng ngừa, đấu tranh với các loại tội phạm sản xuất, mua bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ; sử dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ để kịp thời phát hiện, điều tra, làm rõ các hành vi vi phạm và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật…
Để tăng cường công tác đấu tranh với hoạt động mua bán, vận chuyển trái phép vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo nổ, các lực lượng công an, biên phòng, hải quan cần phối hợp chặt chẽ trong trao đổi, cung cấp thông tin liên quan; duy trì công tác phối hợp tuần tra, kiểm soát trên các tuyến, khu vực biên giới, cửa khẩu, kịp thời phát hiện, bắt giữ và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong lĩnh vực này, nhất là các trường hợp mua bán, vận chuyển trái phép vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo qua biên giới vào Việt Nam.