Trong hơn 1 tuần gần đây, Trường Tiểu học Lê Văn Tám (thành phố Lào Cai) đã ghi nhận nhiều học sinh mắc bệnh đau mắt đỏ. Ngày 25/9 ghi nhận nhiều nhất là 37 trường hợp; ngày 26/9 tiếp tục ghi nhận 13 trường hợp, luỹ kế 146 trường hợp đau mắt đỏ. Nhiều học sinh sau khi cách ly điều trị tại nhà thì các triệu chứng giảm và đã đi học trở lại.
Chị Hoàng Kim Phượng - nhân viên y tế trường học đã phối hợp với giáo viên chủ nhiệm tuyên truyền cho học sinh cách phòng bệnh, theo dõi tình hình sức khoẻ nhằm phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh. Nhà trường đã bố trí dung dịch sát khuẩn tay trước cửa các lớp học; xà phòng rửa tay tại các bồn rửa và hướng dẫn học sinh thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn, không đưa tay dụi lên mắt, mũi, miệng.
Cô giáo Đoàn Thị Liên chủ nhiệm lớp 5A2 chia sẻ: "Lớp có 5 học sinh mắc đau mắt đỏ, trong đó có 1 học sinh nghỉ học để điều trị tại nhà. Tôi thường xuyên hỏi thăm tình hình sức khoẻ của các em, khuyến cáo học sinh không tụ tập để tránh lây nhiễm bệnh, không sử dụng chung vật dụng cá nhân... Những học sinh đau mắt nặng sẽ không ở bán trú, nhà trường cũng lùi lịch học bơi để hạn chế lây lan bệnh".
Ngày 25/9, Trung tâm Y tế thành phố đã ghi nhận 8 ca mắc mới tại Trường Tiểu học và THCS Xuân Tăng, luỹ kế 16 ca. Ông Nguyễn Văn Minh, Giám đốc Trung tâm Y tế thành phố cho biết: "Cơ bản các trường đã triển khai tốt công tác phòng chống dịch bệnh đau mắt đỏ theo quy định. Chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp, tăng cường truyền thông về công tác phòng chống dịch bệnh đau mắt đỏ trong các nhà trường. Khuyến cáo các bậc phụ huynh khi con bị mắc bệnh nên đưa đến cơ sở y tế để được tư vấn, điều trị kịp thời, không tự mua thuốc điều trị tại nhà".
Tại huyện Bảo Yên, các ca mắc đau mắt đỏ xuất hiện ở nhiều trường học như Trường Mầm non Hoa Sen, Trường THCS số 1 Bảo Hà, Trường Mầm non số 2 Kim Sơn, Trường Tiểu học Phúc Khánh, Trường Mầm non Cam Cọn… Các trường đã sớm cách ly tại nhà những học sinh có triệu chứng nặng và đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn học sinh cách phòng bệnh, phương pháp điều trị... Nhờ đó, các ca lây nhiễm giảm nhanh.
Bác sỹ Mai Đại Thành, Trưởng phòng Phòng, chống bệnh truyền nhiễm (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh) cho biết: Trên địa bàn tỉnh đã ghi nhận 16 ổ dịch bệnh đau mắt đỏ tại 4/9 huyện, thành phố. Trong đó, huyện Bảo Yên có 8 ổ dịch, huyện Bảo Thắng 3 ổ dịch, thành phố Lào Cai 2 ổ dịch, huyện Bát Xát 3 ổ dịch; tổng số ca ghi nhận là 393, trong đó có 159 trường hợp đã khỏi, đang theo dõi 234 và không có ca diễn biến nặng.
Đau mắt đỏ là tình trạng nhiễm trùng mắt, thường do vi khuẩn hoặc vi-rút gây ra hoặc do phản ứng dị ứng với triệu chứng đặc trưng là đỏ mắt. Bệnh thường khởi phát đột ngột, lúc đầu ở một mắt, sau lan sang mắt bên kia. Bệnh đau mắt đỏ rất dễ mắc, dễ lây lan trong cộng đồng và gây thành dịch. Cho đến nay, bệnh đau mắt đỏ chưa có vắc-xin phòng bệnh, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và những người bị đau mắt đỏ rồi vẫn có thể bị nhiễm lại sau vài tháng khỏi bệnh.
Bệnh đau mắt đỏ lây qua tiếp xúc trực tiếp với người mắc bệnh, qua đường hô hấp, qua nước mắt, nước bọt, bắt tay… Bệnh cũng có khả năng lây qua tiếp xúc gián tiếp qua việc cầm, nắm vào những vật dụng bị nhiễm vi khuẩn, vi-rút gây bệnh. Dùng chung đồ dùng cá nhân sẽ khiến lây nhiễm bệnh hoặc dùng nguồn nước công cộng dễ bị nhiễm mầm bệnh…
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, theo chỉ đạo của Sở Y tế, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị y tế tăng cường công tác giám sát tại cộng đồng, đặc biệt giám sát thường xuyên tại các trường học, phát hiện sớm các trường hợp có dấu hiệu nghi mắc bệnh, xử lý sớm ổ dịch, khống chế không để lây lan. Các trạm y tế triển khai kiểm soát, xử lý, phòng chống bệnh đau mắt đỏ, tăng cường công tác truyền thông, hướng dẫn, giáo dục sức khỏe tại cộng đồng. Các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh cũng tăng cường các biện pháp tuyên truyền phòng bệnh đau mắt đỏ.
Ngày 25/9, UBND tỉnh đã ban hành Công văn số 4828/UBND-VX về việc tăng cường phòng chống bệnh đau mắt đỏ. Công tác phòng chống bệnh vẫn đang được các địa phương quyết liệt triển khai nhằm hạn chế lây lan trong trường học và cộng đồng.
Khuyến cáo của ngành y tế, khi phát hiện bệnh nhân có biểu hiện sốt, mệt mỏi, đau họng có kèm dính mí khó mở mắt, nổi hạch trước tai hoặc dưới hàm... cần đến khám ngay tại cơ sở y tế để được tư vấn, điều trị kịp thời.
Người dân cần thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, sử dụng nước sạch; không đưa tay lên dụi mắt, mũi, miệng; không sử dụng chung vật dụng cá nhân như lọ thuốc nhỏ mắt, kính mắt, khẩu trang...; vệ sinh mắt, mũi, miệng, họng hằng ngày bằng nước muối sinh lý, thuốc nhỏ mắt - mũi - họng thông thường…; hạn chế tiếp xúc với người mắc hoặc nghi mắc bệnh đau mắt đỏ.
Trẻ mắc bệnh nên nghỉ học ở nhà để điều trị và để hạn chế làm lây lan sang các bạn khác trong lớp, trong trường.
Đối với học sinh ăn, ngủ bán trú tại trường, cần bố trí khu vực ngủ riêng cho học sinh mắc bệnh đau mắt đỏ, nghi ngờ đau mắt đỏ.