Dù chỉ có hơn nửa năm là tới ngày thực thi, nhưng tới thời điểm hiện tại, các công tác chuẩn bị để triển khai Luật Căn cước mới tại huyện vùng cao Bát Xát, tỉnh Lào Cai cơ bản đã hoàn tất.
Theo Trung tá Phạm Ngọc Thưởng, Đội trưởng Đội Cảnh sát Quản lý Hành chính về Trật tự xã hội – Công an huyện Bát Xát, không chỉ chuẩn bị các điều kiện vật chất như thiết bị thu thập sinh trắc học hay tập huấn nội bộ chuyên sâu, do Luật Căn cước có tác động tới toàn xã hội nên còn rất nhiều nhiệm vụ khác phải thực hiện song song, phối hợp với nhiều ngành, địa phương mới kịp tiến độ.
"Công an huyện cũng có trách nhiệm rà soát, đối với những văn bản không còn phù hợp thì kiến nghị cấp trên thay thế. Ngoài ra phải bổ sung những tài liệu tuyên truyền theo các nội dung cụ thể của Luật. Đồng thời để nâng cao hiệu quả, chúng tôi đẩy mạnh kiểm tra hoạt động tuyên truyền của các cơ quan, đơn vị, cấp ủy, chính quyền địa phương, đặc biệt là việc triển khai của Công an cấp xã", Trung tá Phạm Ngọc Thưởng cho hay.
Theo Thượng tá Trần Đăng Trí, Trưởng Công an huyện Bát Xát, để đưa Luật vào cuộc sống thì nhiệm vụ xuyên suốt, trọng tâm là tuyên truyền trước và sau khi Luật có hiệu lực. Đặc biệt, phải đa dạng hóa hình thức, đổi mới thường xuyên sao cho dễ hiểu, dễ nhớ, phù hợp với đặc thù của Bát Xát là huyện nghèo, vùng cao, biên giới, có 14 dân tộc anh em chung sống.
"Lực lượng Công an xác định mỗi cán bộ chiến sĩ phải là một tuyên truyền viên trong thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền, phổ biến pháp luật, trong đó có Luật Căn cước. Chúng tôi yêu cầu hằng ngày phải cập nhật kết quả tuyên truyền, vận động, phổ biến đến từng thôn bản, từng hộ dân thông qua fanpage của Công an huyện, các nhóm Zalo, nhóm chỉ đạo nghiệp vụ…", Thượng tá Trần Đăng Trí nói.
Thực tế ghi nhận, người dân được tiếp cận với Luật Căn cước qua khá nhiều kênh, như báo chí, loa truyền thanh cơ sở, pa nô, áp phích, tờ rơi, hội nghị trực tiếp, trực tuyến, nội dung chuyển ngữ sang tiếng đồng bào… Ít nhiều thông tin đã đến được với bà con vùng cao, nhất là về 10 điểm mới của Luật.
Anh Phan Văn Mừng, dân tộc Giáy, trú tại tổ 13, thị trấn Bát Xát, huyện Bát Xát chia sẻ: "Luật Căn cước mới này rất đa dạng, có nhiều điểm tôi chưa hiểu hết nhưng cũng đã nắm được những nội dung cơ bản. Đặc biệt, tiện lợi nhất là đi đâu không phải mang nhiều giấy tờ và việc giải quyết thủ tục của các ngành chức năng cũng thuận tiện, nhanh chóng hơn".
Theo Thượng tá Hoàng Văn Dũng, Trưởng phòng Cảnh sát Quản lý Hành chính về Trật tự xã hội – Công an tỉnh Lào Cai, trong quá trình triển khai Luật cũ là Luật Căn cước công dân, Lào Cai đã cấp 100% Căn cước công dân cho người trên 14 tuổi; tỷ lệ cấp căn cước điện tử thông qua tài khoản định danh điện tử cũng đạt và vượt so với chỉ tiêu của Bộ giao. Đây là tiền đề thuận lợi để triển khai Luật Căn cước mới, song cũng sẽ có những khó khăn.
"Đối với những người 14 tuổi, đặc biệt là dưới 6 tuổi đòi hỏi phải có người giám hộ để đưa đến nơi làm căn cước. Bên cạnh đó, Lào Cai với đặc thù là địa bàn vùng núi xa xôi, trình độ dân trí chưa cao cũng sẽ gặp khó khăn. Ngoài ra, các trang thiết bị máy móc qua thời gian dài sử dụng đã xuống cấp nên quá trình thu thập thông tin có thể bị chậm nhưng với tinh thần của các cán bộ chiến sĩ, cộng với kinh nghiệm qua thời gian thực hiện cấp Căn cước công dân chúng tôi nhất định sẽ hoàn thành nhiệm vụ", Thượng tá Hoàng Văn Dũng bày tỏ.
Theo quy định, kể từ 1/7, các dịch vụ công trực tuyến sẽ thực hiện thống nhất qua tài khoản VneID, điều này sẽ mang đến rất nhiều tiện ích. Song, với địa bàn có tới gần 70% dân số là người đồng bào thiểu số, chủ yếu nằm ở những vùng khó khăn như Lào Cai, theo bà Đỗ Thanh Huyền, chuyên gia phân tích chính sách công Chương trình phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam, rào cản không chỉ nằm ở sự khác biệt về ngôn ngữ mà còn ở hạ tầng, phương tiện để tiếp cận dịch vụ công điện tử.
"Việc đầu tư để họ sử dụng được các dịch vụ đó cần phải được chú trọng. Bên cạnh đó, cần phải đưa dịch vụ hành chính công điện tử về với bà con thay vì bà con phải tìm đến mình. Muốn làm được như vậy thì phải xóa được một trong những điểm nghẽn đó là internet", bà Huyền nêu ý kiến.
Qua rà soát của chính quyền địa phương, hiện, Lào Cai vẫn còn khoảng 10 thôn, bản chưa có 3G, 4G và 200 thôn, bản chưa có cáp quang internet. Lào Cai cũng đang còn 1/4 số hộ nằm trong diện nghèo, cận nghèo, không phải gia đình, cá nhân nào cũng có điều kiện sở hữu máy tính, thiết bị di động thông minh để truy cập ứng dụng VNeID.