EU công bố kế hoạch cải cách quy trình tiếp nhận người tị nạn

Điểm then chốt trong đề xuất là việc mở rộng khái niệm "quốc gia thứ ba an toàn," cho phép các quốc gia thành viên bác đơn xin tị nạn nếu người xin có thể nhận được "bảo hộ hiệu quả" ở quốc gia khác.

Người di cư được đưa tới bờ biển ở Dungeness, Đông Nam Anh, sau khi được giải cứu trên biển.
Người di cư được đưa tới bờ biển ở Dungeness, Đông Nam Anh, sau khi được giải cứu trên biển.

Ủy ban châu Âu ngày 20/5 đã công bố kế hoạch cải tổ lớn nhằm siết chặt quy trình tiếp nhận người tị nạn vào EU.

Điểm then chốt trong đề xuất là việc mở rộng khái niệm "quốc gia thứ ba an toàn," cho phép các quốc gia thành viên bác đơn xin tị nạn nếu người xin tị nạn có thể nhận được "bảo hộ hiệu quả" ở quốc gia khác, dù không có bất kỳ mối liên quan thực tế nào với quốc gia đó.

Ủy viên phụ trách di cư của EU - ông Magnus Brunner, cho biết: “Các quốc gia EU đã phải chịu áp lực di cư đáng kể trong suốt thập kỷ qua. Đây là một công cụ nữa nhằm giúp các quốc gia thành viên xử lý đơn xin tị nạn một cách hiệu quả hơn”.

Hiện tại, luật EU chỉ cho phép bác đơn xin tị nạn nếu người đó có thể đã nộp đơn tại một quốc gia thứ ba an toàn, nơi họ từng sống, làm việc hoặc có gia đình.

Tuy nhiên, theo đề xuất mới, chỉ cần người xin tị nạn đã quá cảnh qua một nước "an toàn" trên đường đến châu Âu, thì đơn xin của họ cũng có thể bị từ chối.

Đặc biệt, nếu có một thỏa thuận giữa EU và một quốc gia thứ ba - bất kể người xin tị nạn có từng đặt chân tới đó hay không - thì EU vẫn có thể đưa họ về nước đó. Thậm chí, việc nộp đơn kháng cáo cũng không còn hiệu lực đình chỉ trục xuất.

Đề xuất này, nếu được Nghị viện châu Âu và các quốc gia thành viên thông qua, sẽ khiến số lượng người bị từ chối tị nạn và bị trục xuất tăng mạnh - bởi phần lớn người xin tị nạn phải băng qua nhiều nước để đến châu Âu.

Thống kê cho thấy chỉ trong tháng 4 vừa qua, gần 20.000 người đã vượt biển đến châu Âu từ Bắc Phi, bao gồm cả công dân từ Bangladesh, Eritrea, Pakistan và Syria.

Theo phóng viên TTXVN tại Đức, báo cáo mới nhất của Trung tâm Nghiên cứu xung đột quốc tế Bonn (BICC) cũng đã kêu gọi chính phủ nước này xem xét lại các chính sách hạn chế nhập cư, cho rằng những biện pháp kiểm soát biên giới và hạn chế đoàn tụ gia đình mà Thủ tướng Friedrich Merz đề xuất là không phù hợp với bối cảnh toàn cầu hiện nay.

Ông Benjamin Etzold, đồng tác giả của báo cáo trên nhấn mạnh: “Các chính sách tị nạn hiện nay của Đức đã quá chú trọng đến lợi ích nội địa mà bỏ qua thực tế toàn cầu. Chúng ta cần nhìn nhận di cư dưới góc độ toàn cầu và dựa trên cơ sở khoa học”.

Theo ông Etzold, những tuyên bố siết chặt các kênh tiếp cận hợp pháp - như chương trình tiếp nhận nhân đạo hay đoàn tụ gia đình - không những không hiệu quả mà còn phản tác dụng, khi có thể thúc đẩy di cư bất hợp pháp.

Đồng tình với quan điểm này, nhà nghiên cứu Franck Düvell thuộc Đại học Osnabrück cho rằng: “Người tị nạn sẽ không bỏ cuộc khi bị từ chối. Họ sẽ tìm cách khác để vào được nước sở tại - dù là con đường nguy hiểm hơn”.

Ông cảnh báo chính việc đóng cửa các tuyến đường hợp pháp đã góp phần nuôi dưỡng mạng lưới buôn người - những kẻ cung cấp giấy tờ giả, giấu người trong xe tải hoặc sử dụng thuyền không đủ điều kiện ra khơi.

Bà Petra Bendel từ Đại học Erlangen-Nuremberg còn lo ngại rằng các biện pháp mới của Đức có thể vi phạm Hiến pháp quốc gia và cả luật pháp châu Âu - vốn bảo vệ quyền tị nạn.

Trong bối cảnh châu Âu đang tranh cãi về việc “giải quyết” vấn đề người tị nạn, Bộ trưởng thường trực của Ủy ban liên bộ về chống di cư bất hợp pháp của Senegal - ông Modou Diagne ngày 20/5 cho biết trong năm 2024, lực lượng chức năng nước này đã tìm thấy 105 thi thể là nạn nhân của những vụ lật xuồng liên quan đến di cư bất hợp pháp. Theo ông Diagne, con số này “chưa tính đến những người vẫn còn nằm dưới đáy đại dương”.

Theo phóng viên TTXVN tại châu Phi, phát biểu tại một buổi lễ ra mắt các ủy ban chống di cư ở Diourbel, miền Trung Senegal, ông Diagne kêu gọi cần đẩy mạnh chiến dịch nâng cao nhận thức, đặc biệt là với thanh niên.

Chính phủ Senegal hiện đang nhân rộng các trung tâm đào tạo nghề và thúc đẩy các dự án nông nghiệp để tạo việc làm và giữ chân giới trẻ ở lại quê hương.

Các chuyên gia đều nhất trí rằng không một quốc gia đơn lẻ nào có thể giải quyết cuộc khủng hoảng di cư hiện nay.

Ông Etzold nhấn mạnh: “Chúng ta cần khôi phục các chính sách đa phương về người tị nạn và người di cư - ngay cả khi không có sự tham gia của Mỹ”.

Ông kêu gọi Đức - với vị thế của mình - nên giữ vai trò lãnh đạo châu Âu trong xây dựng một chính sách di cư nhân đạo và hiệu quả.

Theo vietnamplus.vn

Có thể bạn quan tâm

Tin cùng chuyên mục

Lòng bao dung - chìa khóa xây dựng hòa bình

Lòng bao dung - chìa khóa xây dựng hòa bình

Trong một thế giới đầy thách thức và biến động bởi chia rẽ và xung đột, những triết lý của Đức Phật về lòng từ bi, trí tuệ và bao dung là chìa khóa để con người vượt qua thù hận, xây dựng tương lai hòa bình và phát triển bền vững cho toàn nhân loại.

Chuyến công du của Tổng thống Donald Trump và 'hồi âm' từ vùng đất nhiều ngã rẽ

Chuyến công du của Tổng thống Donald Trump và 'hồi âm' từ vùng đất nhiều ngã rẽ

Chuyến công du Trung Đông mới đây của Tổng thống Mỹ Donald Trump không đơn thuần là một chuỗi hoạt động ngoại giao mang tính biểu tượng. Ẩn sau các tuyên bố hợp tác và lễ ký kết hàng chục tỷ USD là sự tái khẳng định chiến lược của Washington nhằm định hình lại vai trò của mình tại khu vực vốn nhiều biến động này.

Triển vọng nào cho đàm phán Nga - Ukraine?

Triển vọng nào cho đàm phán Nga - Ukraine?

Lần đầu tiên sau hơn 3 năm, Nga và Ukraine sẽ ngồi vào bàn đàm phán, tìm giải pháp chấm dứt cuộc xung đột hiện tại. Đây sẽ là cuộc đàm phán hòa bình trực tiếp đầu tiên giữa hai bên kể từ khi xung đột nổ ra vào tháng 2/2022, với kỳ vọng sẽ trở thành dấu mốc quan trọng trên hành trình tìm kiếm giải pháp lâu dài, dù còn nhiều “ẩn số”.

Moskva công bố các chủ đề sẽ đưa ra trong cuộc đàm phán với Kiev tại Istanbul

Moskva công bố các chủ đề sẽ đưa ra trong cuộc đàm phán với Kiev tại Istanbul

Theo Thứ trưởng Ngoại giao Liên bang Nga Sergey Ryabkov, Moskva (Moscow) muốn thảo luận về một “giải pháp ổn định lâu dài” với Kiev trong cuộc đàm phán dự kiến sắp tới tại Istanbul, bao gồm cả việc công nhận các vùng lãnh thổ trước đây thuộc Ukraine như một phần không thể tách rời của Liên bang Nga.

fb yt zl tw