LCĐT - Thời gian qua, theo phản ánh từ dư luận về những bất cập trong việc nâng cấp, sửa chữa các tuyến đường huyện, đường tỉnh và quốc lộ của các đơn vị, nhà thầu thi công… không ít công trình thi công để thiết bị, vật liệu ngổn ngang, rơi vãi trên đường, thậm chí chặn đường tùy tiện đã làm phát sinh nhiều “điểm đen” gây tắc nghẽn và mất an toàn, giao thông.
Công trường thi công sửa chữa, cải tạo Quốc lộ 4E đoạn Xuân Giao - Phố Lu (Bảo Thắng). (Ảnh minh họa) |
Một điểm chung dư luận phản ánh là nhiều đơn vị thi công nâng cấp, sửa chữa không thực hiện nghiêm các quy định mà pháp luật và các cơ quan quản lý nhà nước đã đề ra. Nhiều nơi còn “trưng” các hình ảnh hoạt động thi công các công trình ở tỉnh bạn, thậm chí ở nước ngoài để “khoe” sự chuyên nghiệp của họ mà các đơn vị thi công ở tỉnh cần học tập. Chưa cần bàn đến việc so sánh này, bởi mọi người chỉ cần các quy định đảm bảo an toàn và giao thông thông suốt ở các điểm thi công nâng cấp, sửa chữa đường phải được thực hiện nghiêm túc, không thể diễn ra bừa bãi như hiện nay.
Thực tế cho thấy, từ nhiều năm nay, Lào Cai rất quan tâm phát triển, cải tạo hệ thống hạ tầng giao thông nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh. Vì vậy, đến địa phương nào cũng thấy trên các tuyến tỉnh lộ, quốc lộ xuất hiện các dự án cải tạo, sửa chữa hạ tầng giao thông. Bên cạnh tín hiệu đáng mừng là sau sửa chữa sẽ giúp người dân và phương tiện đi lại thuận tiện, nhưng có một thực tế đáng buồn là tình trạng nhiều đơn vị thi công nâng cấp, duy tu, sửa chữa các công trình hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh không chấp hành các quy định đảm bảo an toàn giao thông, gây ùn tắc, mất an toàn giao thông trên nhiều tuyến đường, tuyến phố. Qua quan sát, nhiều vị trí đang thi công được quây rào theo kiểu tạm bợ, đoạn thì cắm cọc, đoạn căng rào bằng dây; nhiều hố ga, đường cống đào sâu ngập nước nhưng không có biển cảnh báo… rất nguy hiểm cho người và phương tiện tham gia giao thông.
Có nhiều nguyên nhân để các đơn vị thi công đưa ra lý giải cho việc “làm không gọn, dọn không sạch” gây nên tình trạng ùn tắc và mất an toàn khi sửa chữa, nâng cấp hạ tầng giao thông, nào là đường sá chật hẹp, do thời tiết, do địa hình… nhưng từ thực tế cho thấy, nguyên nhân chính của tình trạng này là do các nhà thầu không coi trọng công tác đảm bảo an toàn giao thông và không muốn tốn kinh phí, nhân lực cho các hợp phần đảm bảo an toàn giao thông.
Nhưng năm qua, trên địa bàn tỉnh đã có những vụ tai nạn thương tâm khi đơn vị thi công không cắm biển báo và các rào chắn đúng quy định để cảnh báo giao thông, khiến người tham gia giao thông vô tình đi vào khu thi công và gặp nạn, gây bức xúc trong dư luận.
Là tỉnh miền núi, địa hình chia cắt và thời tiết vô cùng khắc nghiệt gây ảnh hưởng rất lớn đến hệ thống hạ tầng giao thông, nên việc sửa chữa, bảo trì phải được thực hiện thường xuyên. Tuy nhiên, hiện nay, lượng phương tiện nhiều, hoạt động vận chuyển hàng hóa nội địa phục vụ sản xuất và xuất khẩu diễn ra thường xuyên với mật độ dày hơn, vì thế cùng với việc triển khai cải tạo, nâng cấp, sửa chữa trên các tuyến giao thông, ngành giao thông vận tải - xây dựng và chính quyền các địa phương cần yêu cầu đơn vị được giao, nhà thầu thi công thực hiện nghiêm quy định về đảm bảo an toàn cho người dân và phương tiện.
Đặc biệt, khi thi công cải tạo, nâng cấp các tuyến đường cần làm tập trung, dứt điểm theo từng đoạn, không nên “bôi” ra tất cả tuyến. Chỉ có các quy định chặt chẽ để ràng buộc trách nhiệm mỗi bên liên quan trong từng dự án mới giúp khắc phục tình trạng cứ thích là chặn đường thi công; đừng để mỗi khi có dự án sửa chữa, nâng cấp công trình giao thông, người dân các địa phương luôn gặp cảnh ùn tắc.