Ý kiến thảo luận của các đại biểu HĐND tỉnh tập trung vào các nội dung liên quan đến việc xem xét, bổ sung số liệu trong một số báo cáo trình tại kỳ họp; nêu những giải pháp thực hiện trong năm 2025 và một số nội dung trong quá trình tổ chức triển khai còn bất cập, khó khăn, cần sự phối hợp của các sở, ngành, các địa phương, đảm bảo các chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2024 và 2025.
Vấn đề được nhiều đại biểu phản ánh là tình trạng khan hiếm vật liệu xây dựng thông thường, ảnh hưởng đến tiến độ chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát đang được triển khai mạnh mẽ và đổ bê tông đường giao thông. Cũng vì khan hiếm vật liệu xây dựng nên phải nhập từ tỉnh khác về, làm đội giá công trình, gây khó khăn hơn cho chủ đầu tư và người dân.
Đại biểu đề nghị UBND tỉnh có giải pháp tháo gỡ khó khăn trên, cho phép và chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ đấu giá quyền khai thác khoáng sản, thủ tục gia hạn giấy phép khai thác khoáng sản đối với một số doanh nghiệp, điểm mỏ tại các địa phương.
Một số đại biểu đề nghị tỉnh tiếp tục nghiên cứu miễn học phí cho học sinh các cấp học trong những năm học tới; tình hình chồng lấn đất giữa các nông - lâm trường với người dân rất nhiều, đề nghị đẩy nhanh tiến độ thực hiện Quyết định số 86, ngày 14/1/2022 của UBND tỉnh về việc điều chỉnh Đề án tăng cường quản lý đối với đất đai có nguồn gốc từ nông trường, lâm trường quốc doanh trên địa bàn tỉnh Lào Cai, sớm phân định lại ranh giới đất để hỗ trợ người dân, nhất là người dân trong khu vực chồng lấn.
Tăng cường giám sát của cộng đồng với vấn đề môi trường
Đại biểu Nguyễn Tất Thắng, Tổ đại biểu HĐND tỉnh tại huyện Văn Bàn đề nghị UBND tỉnh đề xuất với Trung ương mở rộng các đối tượng thụ hưởng tại nội dung 1 tiểu dự án 2, thuộc dự án 3 của chương trình 1719 bao gồm các đối tượng là người dân tộc thiểu số (không chỉ giới hạn hộ nghèo và cận nghèo) vì hộ nghèo và cận nghèo không có đất sản xuất để triển khai.
Liên quan đến vấn đề môi trường, đại biểu Thắng cho biết, hiện trên địa bàn huyện Văn Bàn có 21 nhà máy thủy điện đã phát điện; 24 điểm mỏ/23 đơn vị doanh nghiệp hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản; 1 đơn vị sản xuất phân bón; 1 đơn vị chế biến nông sản và 1 đơn vị sản xuất gạch xây dựng.
Trước khi các dự án này đi vào hoạt động đều được cấp có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) của từng dự án. Phần lớn các dự án đã chấp hành lắp đặt hệ thống quan trắc tự động, tuy nhiên các cơ quan thẩm quyền của huyện không nắm được. Đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu tăng cường giải pháp lắp đặt hệ thống quan trắc tự động, chia sẻ rộng rãi dữ liệu quan trắc với địa phương và Nhân dân, phục vụ tốt cho kiểm tra, giám sát của cộng đồng.
Ngoài ra, đại biểu đề nghị UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo, đôn đốc các nhà thầu thi công khẩn trương đẩy nhanh tiến độ thi công các gói thầu còn chậm trong Dự án nâng cấp đường Quốc lộ 279 đoạn từ IC16 - Lai Châu và thông báo thời gian thực hiện hoàn thành dự án để Nhân dân Văn Bàn được biết và cùng giám sát; đề nghị tỉnh báo cáo Bộ Công Thương, cơ quan có thẩm quyền đánh giá về trữ lượng, loại khoáng sản... để làm cơ sở thực hiện công tác quản lý; hướng dẫn UBND huyện lập hoặc thuê đơn vị tư vấn có đủ năng lực lập phương án bảo vệ khoáng sản chưa khai thác theo đúng quy định.
Cần tiếp tục đánh giá tác động môi trường của các nhà máy thủy điện
Đại biểu Đặng Văn Kỳ, Tổ đại biểu HĐND tỉnh tại huyện Bảo Yên phân tích: Cơn bão số 3 gây thiệt hại rất lớn về người và tài sản. Dải phía Đông dọc sông Chảy kéo dài đến huyện Bảo Yên có khoảng 6 nhà máy thủy điện. Qua phản ánh của cử tri, người dân và cá nhân đại biểu Kỳ cho rằng, ngoài ảnh hưởng trực tiếp từ cơn bão số 3, còn có một phần ảnh hưởng tác động từ các nhà máy thủy điện gây ngập úng sâu và trên diện rộng, bởi trước đây chưa có các nhà máy thủy điện này, tình trạng ngập lụt không đến mức như vừa qua.
Đại biểu đề nghị các ngành chức năng cần đánh giá tác động môi trường của các thủy điện dọc tuyến sông Chảy trong thời gian tiếp theo để có biện pháp phòng tránh hiệu quả.
Nguyên nhân gây tai nạn từ việc dừng, đỗ của xe tải, xe đầu kéo
Đại biểu Lùng Ngọc Ánh, Tổ đại biểu HĐND tỉnh tại thành phố Lào Cai nêu, tại báo cáo số 450/BC-UBND ngày 15/11/2024 của UBND tỉnh về tình hình trật tự, an toàn giao thông nêu rõ: Xảy ra 205 vụ va chạm giao thông làm 70 người chết, 185 người bị thương. Nguyên nhân chủ yếu là vi phạm phần đường, làn đường; sử dụng đồ uống có nồng độ cồn. Tuy nhiên, việc dừng đỗ xe dưới lòng đường, nhất là khu vực Cửa khẩu Kim Thành, Khu Công nghiệp Bắc Duyên Hải cũng là một trong những nguyên nhân xảy ra các vụ tai nạn nghiêm trọng. Cụ thể, năm 2024 trên các tuyến đường thuộc Khu Công nghiệp Bắc Duyên Hải xảy ra 4 vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng liên quan đến xe tải, xe đầu kéo dừng, đỗ tại các tuyến đường: Thủ Dầu 1, Trần Quang Khải, Hương Sơn. Hậu quả khiến 1 người chết, 3 người bị thương, cả 4 vụ tai nạn đều liên quan đến việc dừng, đỗ của xe tải, xe đầu kéo và không có tín hiệu báo cho người điều khiển phương tiện khác biết.
Đây cũng là điểm nối của tuyến đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai nên tình hình về trật tự an toàn giao thông tại các tuyến đường thuộc Khu Công nghiệp Bắc Duyên Hải, khu Cửa khẩu Kim Thành có chiều hướng phức tạp bởi lưu lượng xe tải, xe đầu kéo vận chuyển hàng hóa rất lớn, việc dừng, đỗ các phương tiện trong thời gian chờ hàng hóa thông quan là vấn đề đặc biệt cần được quan tâm, do tiềm ẩn nhiều nguy cơ về tai nạn giao thông. Các tuyến đường này không thuộc phạm vi quản lý của thành phố, đề nghị UBND tỉnh đánh giá thêm tình hình trật tự, an toàn giao thông tại các khu vực nói trên và có các giải pháp chỉ đạo thời gian tới.
Tháo gỡ vướng mắc trong quản lý đất đai
Theo đại biểu Hà Tất Định, Tổ đại biểu HĐND tỉnh tại huyện Bắc Hà, trong năm 2025 có rất nhiều nhiệm vụ quan trọng đặt ra, đề nghị UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo cơ quan chuyên môn phối hợp chặt chẽ với các địa phương để kịp thời tháo gỡ vướng mắc liên quan đến quản lý đất đai khi thực hiện chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát, đảm bảo mục tiêu hoàn thành trước ngày 30/6/2025, tránh lãng phí nguồn lực của trung ương, địa phương.
Tại kỳ họp này, HĐND tỉnh sẽ xem xét thông qua nghị quyết về kéo dài thời gian thực hiện các bảng giá đất đã thông qua đến hết năm 2025, đây là cơ hội để các tổ chức, cá nhân nộp tiền sử dụng đất theo mức giá ổn định như năm 2024, trước khi điều chỉnh vào năm 2026 (dự báo sẽ cao hơn nhiều để sát với giá thị trường). Hiện nay, nhiều hộ có nhu cầu chuyển mục đích sử dụng đất nhưng lại chưa đăng ký trong kế hoạch sử dụng đất cấp huyện nên đang phải chờ hướng dẫn. Đại biểu đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường cho ý kiến cụ thể hoặc kiến nghị cơ quan trung ương sớm có hướng dẫn tiêu chí xác định thế nào là khu dân cư theo Điều 116 Luật Đất đai 2024 và các trường hợp này có phải đăng ký vào kế hoạch sử dụng đất hằng năm nữa hay không?
Nâng mức hỗ trợ xây mới, sửa chữa nhà văn hóa
Đại biểu Lý Thị Thương, Tổ đại biểu HĐND tỉnh tại huyện Bảo Thắng đề nghị tại Báo cáo kết quả thực hiện các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 bổ sung kết quả bình xét các hộ gia đình đạt danh hiệu “gia đình văn hóa”, thôn, tổ dân phố văn hóa năm 2024 để có cơ sở đưa ra chỉ tiêu năm 2025.
Đại biểu đề nghị HĐND tỉnh sớm ban hành nghị quyết áp dụng mức hỗ trợ xây dựng nhà văn hóa mới phù hợp với tình hình đời sống hiện nay, vì mức hỗ trợ theo Nghị quyết số 35, ngày 11/12/2015 của HĐND tỉnh về chính sách hỗ trợ xây dựng nhà văn hóa cộng đồng khu dân cư trên địa bàn tỉnh Lào Cai, giai đoạn 2016 - 2020 không còn phù hợp.
Theo đại biểu, cần xem xét hỗ trợ kinh phí xây dựng nhà văn hóa thôn từ 50 - 70% tổng kinh phí thực tế xây dựng nhà văn hóa thôn và hỗ trợ không vượt quá 300 triệu đồng/nhà văn hóa.
Tương tự việc hỗ trợ sửa chữa, nâng cấp, cải tạo, mở rộng nhà văn hóa cộng đồng khu dân cư đối với các thôn, bản đặc biệt khó khăn thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi hỗ trợ 70% tổng mức đầu tư được cấp có thẩm quyền phê duyệt nhưng không quá 100 triệu đồng/công trình; đối với thôn, bản, tổ dân phố còn lại hỗ trợ 50% tổng mức đầu tư được cấp có thẩm quyền phê duyệt nhưng không quá 50 triệu đồng/công trình.
Ngoài ra, đại biểu đề nghị hỗ trợ kinh phí hoạt động của các thành viên tổ chuyển đổi số thông minh tại các xã, thị trấn.
Chồng lấn đất rừng, người dân không thể cấp đổi “bìa đỏ”
Đại biểu Giàng A Sàng, Tổ đại biểu HĐND tỉnh tại thị xã Sa Pa phản ánh, trên địa bàn thị xã Sa Pa có nhiều hộ có nhà ở trong rừng trước năm 1993 và được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trước năm 1997, nhưng hiện nay người dân làm thủ tục cấp đổi lại không được do chồng lấn với đất rừng đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Đề nghị tỉnh có giải pháp tháo gỡ vướng mắc trên.
Năm 2024, qua giám sát thực hiện Nghị quyết 06, ngày 9/4/2021 của HĐND tỉnh về một số chính sách hỗ trợ phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025, thực tế triển khai hiệu quả chưa cao, đề nghị UBND tỉnh và các đơn vị liên quan nghiên cứu đầu tư phù hợp, nhất là việc đầu tư các điểm du lịch cần bài bản hơn, có địa điểm rõ ràng; điểm du lịch phải đảm bảo mỹ quan, văn minh đô thị…; có giải pháp hỗ trợ để các hộ trực tiếp phát triển du lịch được tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ theo nghị quyết.
Ngoài ra, đại biểu đề nghị tỉnh rà soát các dự án đã công bố để đưa ra các dự án không khả thi, tạo điều kiện cho người dân trong vùng quy hoạch dự án xây dựng, ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế; giá nhà ở xã hội cao, người có thu nhập thấp khó tiếp cận…