
LCĐT - Một nhóm học sinh Trường THCS Thống Nhất (thành phố Lào Cai) đã tận dụng hoa hồng trồng trong khuôn viên trường để tạo ra sản phẩm làm đẹp “handmade”.

Nằm cách trung tâm thành phố Lào Cai chừng 6 km, Trường THCS Thống Nhất nổi bật với khuôn viên rộng rãi, thoáng mát, rợp bóng cây xanh và đặc biệt là vườn hoa hồng rộng hơn 200 m2 tỏa hương thơm ngát.

Đưa chúng tôi đi tham quan vườn hồng, thầy giáo Mai Anh Tài, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Ban đầu, ý tưởng trồng hoa hồng trong khuôn viên trường nhằm xây dựng diện mạo khang trang, sáng, xanh, sạch, đẹp, tạo cảm hứng học tập và làm việc cho cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh. Sau đó, Ban Giám hiệu nhà trường nảy ra ý tưởng sử dụng vườn hồng để xây dựng Dự án “Nước hoa hồng beauty daily” nhằm giáo dục kỹ năng sống và tổ chức hoạt động trải nghiệm cho học sinh. Năm học 2021 - 2022, dự án được triển khai thực hiện với sự tham gia của 10 học sinh khối lớp 8.

Giữa vườn hồng hoa bung nở rực rỡ, ngạt ngào hương thơm, cô giáo Hoàng Thị Mai đang cùng học sinh cắt từng bông hồng để đưa đi chế biến. Cô Mai cho biết: Mùa xuân, thời tiết mát mẻ, có mưa phùn, hoa hồng nở rộ và đượm hương nhất. Đây là thời điểm tốt nhất để thu hái. Thời gian thu hái hoa khoảng 7 - 8 giờ hằng ngày, khi ánh nắng mặt trời chưa gay gắt, hoa vừa hé nở, nên hàm lượng tinh dầu đạt cao nhất. Hoa hồng sau khi thu hái sẽ được tách bỏ cánh, rửa sạch, hong khô rồi bắt đầu quy trình chưng cất bằng phương pháp ngưng tụ hơi nước. Để làm ra 1.000 ml nước hoa hồng cần khoảng 5 kg hoa nguyên liệu chuẩn.

Trong phòng thực hành của nhà trường, mỗi người một việc, từ sơ chế cánh hoa, chưng cất đến đóng chai, dán nhãn sản phẩm. Cuối cùng, thành phẩm là những chai nước hoa hồng nhỏ xinh, có tem mác, nhãn QR-code. Em Nguyễn Quốc Mưu, học sinh lớp 8A2 tâm sự: Em rất vui khi được tham gia thực hiện dự án. Hằng ngày, sau khi tan học, chúng em luân phiên tưới nước, cắt tỉa cành. Chúng em được hướng dẫn quy trình trồng và chăm sóc hoa hồng, sử dụng phân hữu cơ, thuốc trừ sâu sinh học do chính các thành viên nhóm dự án và thầy cô nghiên cứu, sản xuất.
Em Nguyễn Hoàng Linh, lớp 8A3 cho biết thêm: Khó khăn nhất là công đoạn chưng cất. Nhóm đã mất nhiều thời gian với những phương pháp và tỷ lệ khác nhau. Do lịch học không trùng nhau nên nhóm phải sắp xếp và phân chia thời gian nghiên cứu, thử nghiệm, tranh thủ ngày cuối tuần để trao đổi, cùng làm. Cuối cùng, sản phẩm của nhóm được nhiều người ủng hộ, thể hiện qua hàng trăm đơn đặt hàng online và tạo sự lan tỏa ý thức sử dụng sản phẩm hữu cơ, bảo vệ môi trường.

Theo thầy giáo Mai Anh Tài, Hiệu trưởng Trường THCS Thống Nhất, Dự án “Nước hoa hồng beauty daily” đã tạo môi trường học tập thân thiện, giúp học sinh hiểu giá trị của lao động, phát huy được tính sáng tạo, gắn những lý thuyết đã học với thực tế lao động, sản xuất, đồng thời phát triển khả năng hợp tác, làm việc nhóm. Tham gia dự án, các em tự trải nghiệm kiến thức được học, nhận thức rõ ràng hơn về sở thích, năng lực của bản thân và định hình công việc trong tương lai. Nguồn kinh phí thu được từ bán sản phẩm, ngoài đầu tư mùa vụ tiếp theo, nhà trường trích lại một phần cho các hoạt động từ thiện như tặng quà tết cho người già neo đơn, hỗ trợ học sinh nghèo…

Các thành viên kỳ vọng đây sẽ là dự án khởi nghiệp mang tính lâu dài của nhà trường. Tuy nhiên, do quỹ đất hạn chế nên thời gian tới, nhà trường sẽ kết nối các hộ trong khu vực mở rộng diện tích trồng hoa hồng, đồng thời nghiên cứu thêm các sản phẩm khác như trà hoa hồng sấy khô...