Dự thảo luật gồm 8 chương, 73 điều quy định về công nghiệp công nghệ số, bao gồm: Hoạt động công nghiệp công nghệ số; phát triển công nghiệp công nghệ số; quyền và trách nhiệm của tổ chức, cá nhân tham gia hoặc có liên quan đến công nghiệp công nghệ số (không quy định về hoạt động sản xuất, cung cấp sản phẩm, dịch vụ công nghệ số phục vụ quốc phòng, an ninh, hoạt động cơ yếu để bảo vệ thông tin bí mật nhà nước).
Tại hội nghị, đại biểu cho rằng, việc ban hành Luật Công nghiệp công nghệ số rất cần thiết, phù hợp với thực tiễn của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, đồng thời đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế ngày càng sâu sắc, toàn diện của đất nước ta.
Cùng với việc bày tỏ sự đồng tình, nhất trí cao với dự thảo luật, đại biểu đề nghị làm rõ một số vấn đề liên quan đến doanh nghiệp công nghiệp công nghệ số; các ngành nghề kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp công nghệ số; sản phẩm công nghiệp công nghệ số trọng điểm, trọng yếu, thiết bị bán dẫn; các ưu đãi về thuế, tiền thuê đất đối với doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp công nghệ số; vấn đề hỗ trợ không hoàn lại cho các dự án khởi nghiệp sáng tạo trong lĩnh vực công nghiệp công nghệ số; nguồn nhân lực công nghiệp công nghệ số.
Đại biểu đề nghị bổ sung chính sách phát triển hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng số; kinh doanh dịch vụ công nghệ số; tài sản số… vào dự án luật.
Vấn đề mối liên hệ giữa Luật Công nghiệp công nghệ số với những luật hiện hành; đồng bộ với những dự thảo luật đang được triển khai lấy ý kiến góp ý cũng được đại biểu thảo luận, có tính đến thực tế những địa phương như tỉnh Lào Cai (cửa khẩu số, cửa khẩu thông minh, chia sẻ dữ liệu số…).
Kết luận hội nghị, đồng chí Sùng A Lềnh, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đánh giá cao các đại biểu phát biểu ý kiến rất trọng tâm, sâu sắc, có sự nghiên cứu kỹ đối với dự án luật, thể hiện tinh thần trách nhiệm cao. Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh sẽ tiếp thu nội dung các ý kiến, tổng hợp, trình Quốc hội khóa XV tại kỳ họp thứ 8.