Đông Nam Á đối diện nguy cơ... già trước khi giàu

Dân số khu vực Đông Nam Á đang già đi nhanh chóng, tỷ lệ người trong độ tuổi lao động trong tổng dân số được dự báo sẽ đảo ngược xu hướng tăng trong năm nay. Trong bối cảnh lợi tức nhân khẩu học ngày càng giảm, một số nền kinh tế Hiệp hội quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đang đối mặt với nguy cơ... già trước khi giàu.

Độ tuổi trung bình ở Singapore đã ngang bằng với Nhật Bản.

Áp lực an sinh xã hội

Tuy lợi tức nhân khẩu học (ý nói sự tăng trưởng của một nền kinh tế là kết quả từ sự thay đổi cơ cấu tuổi dân số của một quốc gia) đã giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong khu vực, nhưng mạng lưới an sinh xã hội vẫn chưa phát triển đầy đủ ở nhiều quốc gia trong ASEAN. Mặc dù nhiều nước có độ tuổi nghỉ hưu sớm nhưng chỉ 25% tổng dân số trong độ tuổi lao động (từ 15 đến 64 tuổi) được tiếp cận lương hưu.

Hiện nhiều quốc gia đã phải chịu áp lực củng cố mạng lưới an sinh xã hội để đảm bảo phúc lợi cho người già. Năm 2019, tỷ lệ người từ 65 tuổi trở lên trong khu vực đã đạt 7%, là ngưỡng được xem là “xã hội già hóa”. Tỷ lệ này dự kiến sẽ đạt 14% vào năm 2043 và đưa khu vực vào nhóm “dân số già”. Tại Nhật Bản, quá trình chuyển đổi giữa hai giai đoạn này diễn ra trong khoảng thời gian 24 năm, từ 1970 đến 1994. Trong khi tình trạng già hóa xã hội dường như là không thể tránh khỏi thì nhiều quốc gia Đông Nam Á lại chưa có sự chuẩn bị tốt về vấn đề này. Theo Nikkei Asia, những khoản chi tiêu cho an sinh xã hội chưa đến 10% GDP ở các nền kinh tế Đông Nam Á.

Thách thức suy giảm tăng trưởng

Tốc độ già hóa giữa các quốc gia ASEAN không đồng đều. Công dân từ 65 tuổi trở lên chiếm gần 1/5 dân số Singapore, tăng 11,7% so với một thập kỷ trước. Độ tuổi trung bình ở Singapore đã tăng lên 41,5 tuổi, ngang bằng với Nhật Bản và các nước lớn ở châu Âu, trong khi ở Philippines vẫn ở mức thấp là 29,3 tuổi. Ở Thái Lan, có 16% dân số từ 65 tuổi trở lên.

Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo nền kinh tế nước này sẽ tăng trưởng với tốc độ trung bình hàng năm là 3% trong 5 năm tới, tốc độ chậm hơn nhiều so với mức 5%-6% trong nửa đầu những năm 2000.

Trong khi đó, ngày 19-2, Hội đồng phát triển kinh tế và xã hội quốc gia (NESCD) Thái Lan dự báo tăng trưởng kinh tế của nước này trong năm 2024 ở mức 2,2%-3,2%, giảm so với mức 2,7%-3,7% đưa ra hồi tháng 11 năm ngoái.

Theo tờ The Economist, chẳng bao lâu nữa, Thái Lan, giống như Nhật Bản, Hàn Quốc và hầu hết các nước phương Tây, sẽ chứng kiến nguồn cung lao động suy giảm và nếu không có các biện pháp đặc biệt, năng suất và tăng trưởng sẽ giảm sút. Tuy nhiên, không giống như Nhật Bản và phần còn lại, Thái Lan, với GDP bình quân đầu người 7.000 USD vào năm 2021, không phải là quốc gia phát triển. Khi Nhật Bản có tỷ lệ người già tương tự, nước này giàu hơn Thái Lan ngày nay khoảng 5 lần.

Tình trạng thiếu lao động ở khu vực Đông Nam Á mang tính chất cơ cấu và có thể kéo dài. Theo ước tính của Liên hợp quốc, tỷ lệ người trong độ tuổi lao động ở 11 quốc gia trong khu vực đã đạt đỉnh 68% vào năm 2023, chấm dứt giai đoạn lợi tức dân số thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Do đó, giới chuyên gia cho rằng, khu vực này đang phải đối mặt với thách thức trong việc đối phó với tình trạng dân số già đi nhanh chóng và sự suy giảm tăng trưởng kinh tế trong dài hạn.

Báo Sài Gòn giải phóng

Có thể bạn quan tâm

Tin cùng chuyên mục

Moskva công bố các chủ đề sẽ đưa ra trong cuộc đàm phán với Kiev tại Istanbul

Moskva công bố các chủ đề sẽ đưa ra trong cuộc đàm phán với Kiev tại Istanbul

Theo Thứ trưởng Ngoại giao Liên bang Nga Sergey Ryabkov, Moskva (Moscow) muốn thảo luận về một “giải pháp ổn định lâu dài” với Kiev trong cuộc đàm phán dự kiến sắp tới tại Istanbul, bao gồm cả việc công nhận các vùng lãnh thổ trước đây thuộc Ukraine như một phần không thể tách rời của Liên bang Nga.

Philippines bầu cử giữa nhiệm kỳ

Philippines bầu cử giữa nhiệm kỳ

Theo phóng viên TTXVN tại Đông Nam Á, ngày 12/5, hàng triệu cử tri Philippines bước vào cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ đầy căng thẳng, nhằm chọn ra hơn 18.000 vị trí lãnh đạo từ cấp quốc gia đến địa phương.

Oman - Sứ giả hòa bình

Oman - Sứ giả hòa bình

Những ngày qua, thế giới ghi nhận tín hiệu tích cực khi nhiều điểm nóng được xoa dịu. Cùng với nỗ lực xuống thang căng thẳng của các bên liên quan, phải kể đến vai trò của những nước trung gian hòa giải, làm cầu nối cho đối thoại, trong đó có Oman, quốc gia được mệnh danh là “sứ giả" hòa bình.

Ý nghĩa vĩnh cửu của Chiến thắng phát xít năm 1945

Ý nghĩa vĩnh cửu của Chiến thắng phát xít năm 1945

Ngày 9-5, Nga và Belarus cùng các nước thuộc Liên Xô trước đây tổ chức kỷ niệm một ngày lễ lớn: 80 năm Ngày Chiến thắng trong Cuộc chiến tranh Vệ quốc vĩ đại (9-5-1945 / 9-5-2025), một trong những cuộc chiến đẫm máu và tàn khốc nhất trong lịch sử nhân loại. Kết cục cuộc chiến này có ý nghĩa thời đại đối với nhiều quốc gia và dân tộc trên thế giới, làm thay đổi căn bản và hoàn toàn cục diện chính trị quốc tế và đặt nền móng cho trật tự thế giới đương đại.

fb yt zl tw