Nhân Ngày Người khuyết tật Việt Nam (18/4):

Đồng hành với người khuyết tật

Trên địa bàn tỉnh Lào Cai hiện có hơn 7.300 người khuyết tật đang hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng, trong đó, người khuyết tật đặc biệt nặng là 1.900 người. Với truyền thống "tương thân, tương ái", thời gian qua, các cấp ủy đảng, chính quyền, các tổ chức đoàn thể và Nhân dân trên địa bàn tỉnh đã có nhiều hoạt động chăm lo, giúp người khuyết tật vươn lên.

0:00 / 0:00
0:00
kt1.jpg
Khám sàng lọc khuyết tật cho trẻ em tại Trung tâm Y tế huyện Bát Xát tháng 3/2025.

Để không là gánh nặng cho gia đình và xã hội

Gia đình anh Giàng Văn Hùng cư trú tại thôn Đo Ngoài, xã Thái Niên, huyện Bảo Thắng thuộc diện hộ nghèo. Gia đình có 3 khẩu, trong đó anh Hùng và vợ đều là người khuyết tật nặng (khuyết tật vận động). Gia đình anh Hùng đang sống trong căn nhà tình nghĩa do Hội Chữ thập đỏ huyện và các tổ chức chính trị - xã hội hỗ trợ xây dựng. Kinh tế gia đình chủ yếu dựa vào nghề làm chổi chít. Mỗi ngày, anh có thể làm được khoảng 5 - 7 cây chổi, giá bán lẻ 50 nghìn đồng/chiếc. Lúc đầu, việc bán chổi không suôn sẻ vì ít người biết đến, chủ yếu vợ chồng anh Hùng phải mang lên chợ phiên một tuần họp 2 buổi, mỗi buổi cũng chỉ bán được vài chiếc nên cuộc sống khá chật vật, khó khăn.

Chị Hoàng Thị Hoàn, Bí thư Đoàn Thanh niên xã Thái Niên cho biết: Để giúp gia đình anh Hùng cải thiện cuộc sống, Đoàn Thanh niên và cấp ủy đảng, chính quyền xã Thái Niên đã quảng bá sản phẩm chổi chít của gia đình anh Hùng thông qua mạng xã hội và các kênh thông tin. Đến nay, cái tên “Chổi chít Hùng -Liên” được nhiều khách hàng biết đến, mỗi tháng, gia đình anh có thể bán được từ 30 - 50 chiếc chổi, cuộc sống phần nào vơi bớt khó khăn.

Đầu năm 2024, Công an xã Thái Niên còn tạo thêm công việc cho vợ chồng anh Hùng khi mua máy photocopy và hướng dẫn cách sử dụng, qua đó mỗi tháng, anh chị có thêm thu nhập. Dù việc đi lại gặp khó khăn, đôi khi đau ốm, song vợ chồng anh Giàng Văn Hùng vẫn nỗ lực vươn lên làm chủ cuộc sống, để bản thân không là gánh nặng cho gia đình và xã hội.

Còn anh Hoàng Văn Trực, 29 tuổi, người khuyết tật tại xã Minh Tân, huyện Bảo Yên lại được hỗ trợ theo hình thức khác. Anh Trực cho biết: Năm 2020, anh tham gia khóa học nghề kỹ thuật trồng nấm (đào tạo dưới 3 tháng) tại Trung tâm Dạy nghề tư thục Phú Minh. Sau khi học xong, anh đã ứng dụng những kiến thức được học vào thực tế sản xuất của gia đình. Mỗi tháng, bình quân gia đình nuôi trồng từ 180 - 200 phôi nấm, cho thu nhập khoảng 3 triệu đồng (sau khi trừ chi phí sản xuất). Nhờ đó, gia đình đã vươn lên thoát nghèo vào năm 2022.

Theo ông Đinh Xuân Học, Giám đốc Trung tâm Dạy nghề tư thục Phú Minh, để hỗ trợ người khuyết tật học nghề tại Trung tâm, ngoài học văn hóa, học nghề, học viên còn được chăm sóc sức khỏe thường xuyên; kết thúc khóa học, các học viên được cấp chứng chỉ nghề. Tuy nhiên, thời gian dạy nghề cho người khuyết tật có khi dài gấp 3 - 4 lần so với người bình thường. Việc tiếp thu kiến thức, kỹ năng nghề phụ thuộc rất nhiều vào mức độ và dạng khuyết tật, đòi hỏi người khuyết tật cũng vượt qua mặc cảm để vươn lên.

Nhiều chính sách chăm lo người khuyết tật

Thực hiện Chỉ thị số 39-CT/TW ngày 1/11/2019 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XII “về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác người khuyết tật” (Chỉ thị số 39), những năm qua, tỉnh Lào Cai đã triển khai nhiều chương trình, chính sách dành cho người khuyết tật, nhất là thực hiện có hiệu quả Luật Người khuyết tật, các chế độ của Nhà nước đối với người khuyết tật. Cụ thể, các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh đã nỗ lực tạo điều kiện để người khuyết tật được tiếp cận với các dịch vụ y tế; trợ cấp các trang thiết bị, dụng cụ chỉnh hình, phục hồi chức năng cho người khuyết tật; giới thiệu việc làm; có chính sách ưu tiên, hỗ trợ chi phí cho người khuyết tật khi tham gia giao thông, giáo dục - đào tạo; tổ chức nhiều phong trào văn hóa - văn nghệ… dành cho người khuyết tật.

1.jpg
Ngành y tế tổ chức các đợt khám sàng lọc, phát hiện sớm các dạng khuyết tật cho người dân (Ảnh: Phương Thảo)

Theo Sở Y tế tỉnh Lào Cai, giai đoạn 2019 - 2024, toàn tỉnh đã thực hiện khám sức khỏe cho hơn 37.800 lượt người khuyết tật (đều có thẻ bảo hiểm y tế); điều trị nội trú cho 13.010 lượt người khuyết tật. Hằng năm, ngành tổ chức nhiều đợt khám sàng lọc khuyết tật tại các huyện, các trường tiểu học, trường mầm non trên địa bàn tỉnh, qua đó đã khám cho gần 211.300 lượt người; đã có hơn 20.300 người khuyết tật được hướng dẫn phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng…

Trong chính sách trợ giúp xã hội cho người khuyết tật, các địa phương trong tỉnh tăng cường tuyên truyền đến các thôn, bản, tổ dân phố nội dung về Luật Người khuyết tật, quyền lợi và nghĩa vụ của người khuyết tật để Nhân dân nắm được, từ đó chủ động làm thủ tục đề nghị xác định hoặc xác định lại mức độ khuyết tật. Theo đó, giai đoạn 2019 - 2024, toàn tỉnh đã khám giám định cho 416 lượt người khuyết tật, trong đó có 143 người khuyết tật mức độ nhẹ, 253 người khuyết tật mức độ nặng và 20 người khuyết tật mức độ đặc biệt nặng. Việc xác định và cấp giấy xác nhận khuyết tật là cơ sở để thực hiện chế độ trợ cấp xã hội hằng tháng và các chế độ có liên quan.

Không chỉ trợ giúp từ ngân sách nhà nước, các sở, ngành, hội, đoàn thể trong tỉnh còn xã hội hóa việc hỗ trợ người khuyết tật qua việc vận động các tổ chức trong và ngoài nước, các tổ chức từ thiện, các cơ quan, đơn vị, cá nhân như hỗ trợ nhà; khám, chữa bệnh; cấp học bổng; tặng xe lăn...

Để chăm lo tốt hơn người khuyết tật, thời gian tới, các sở, ban, ngành, địa phương trong tỉnh cần tiếp tục thực hiện tốt Chỉ thị số 39; đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động hỗ trợ, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người khuyết tật với những hoạt động thiết thực như: chăm sóc y tế, trợ giúp về giáo dục, tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao phù hợp; tăng cường dạy nghề, hỗ trợ vốn vay, giải quyết việc làm phù hợp, tạo thu nhập ổn định để người khuyết tật có điều kiện từng bước tự đảm bảo cuộc sống, xây dựng gia đình hạnh phúc, ấm no, vì một xã hội hòa nhập, không rào cản và vì quyền của người khuyết tật.

Có thể bạn quan tâm

Tin cùng chuyên mục

Đêm không mưa, ngày trời nắng

Dự báo thời tiết đêm nay và ngày mai (19/4): Đêm không mưa, ngày trời nắng

Đêm nay (18/4), do chịu ảnh hưởng lưỡi áp cao suy yếu, rãnh áp thấp có trục ở khoảng 25 - 28 độ Vĩ Bắc nối với vùng áp thấp phía Tây có xu hướng mở rộng về phía Đông, nên thời tiết các địa phương trong tỉnh mây thay đổi, đêm không mưa, ngày trời nắng, vùng thấp có nơi nắng nóng, gió Tây Nam cấp 2, đêm về sáng trời se lạnh, vùng cao và núi cao trời rét.

Thực hiện các mục tiêu về bao phủ an sinh sau sắp xếp bộ máy BHXH

Thực hiện các mục tiêu về bao phủ an sinh sau sắp xếp bộ máy BHXH

Bộ trưởng Bộ Tài Chính Nguyễn Văn Thắng - Chủ tịch Hội đồng quản lý BHXH vừa ký Công văn số 4860/BTC-BHXH về việc đề nghị tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT) và bảo hiểm thất nghiệp (BHTN). Công văn gửi các Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các đồng chí Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố.

Nắng gắt bao phủ từ Bắc vào Nam

Nắng gắt bao phủ từ Bắc vào Nam

Thông tin từ Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, ngày hôm qua (17/4), ở Bắc Bộ, Trung Bộ và Nam Bộ đã có nắng nóng cục bộ với nhiệt độ cao nhất ngày có nơi trên 35 độ như: Yên Châu (Sơn La) 38,4 độ, Tương Dương (Nghệ An) 37,4 độ, Đông Hà (Quảng Trị) 37,5 độ, Sơn Hòa (Phú Yên) 37,4 độ… Độ ẩm tương đối thấp nhất, phổ biến 55-60%.

fb yt zl tw