Cuối năm 2022, khi có chủ trương mở rộng tuyến đường giao thông nông thôn Hồ Cạn - Cán Cấu, hai anh em Thào A Lử và Thào A Tráng ở thôn Cán Cấu (xã Cán Cấu) đã hiến đất để mở đoạn đường dài hơn 200 m qua nương ngô của gia đình. Mặc dù thời điểm đó cây ngô đã vươn cao, trổ cờ nhưng 2 anh quyết định chặt bỏ cây ngô để việc thi công tuyến đường thuận lợi, đúng tiến độ.
Quyết định hy sinh lợi ích cá nhân vì việc chung giờ đây đã được đền đáp khi vụ thu hoạch vừa qua, xe ô tô đã có thể vào tận nương của 2 anh để thu mua ngô. Bản thân không phải vất vả, không mất công, mất sức vận chuyển như trước nên anh Lử rất vui. Anh Lử tâm sự: Với tôi, hiến chút đất có đáng là bao khi lợi ích đem lại từ mở đường nhiều hơn thế. Tôi rất mừng vì bây giờ đường đã rộng hơn, nhiều hộ được hưởng lợi.
Giai đoạn 2022 - 2023, trên địa bàn xã Cán Cấu triển khai 2 dự án làm đường vào khu sản xuất. Điều đáng mừng là 100% hộ đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống dọc 2 bên đường đều đồng lòng hiến đất, tự nguyện tháo dỡ các công trình để mở rộng tuyến đường. Những tấm gương như 2 anh em Thào A Lử và Thào A Tráng đã được ghi vào Sổ vàng của xã.
Thời gian qua, phong trào hiến đất làm đường trên địa bàn lan tỏa nhờ triển khai tốt công tác dân vận, tạo sự đồng thuận trong Nhân dân. Cấp ủy đảng, chính quyền xã Cán Cấu chỉ đạo, thực hiện nghiêm phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát và dân thụ hưởng”.
Xác định người dân trực tiếp quyết định sự thành công trong xây dựng nông thôn mới, huyện Si Ma Cai đã đẩy mạnh tuyên truyền về Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đến đồng bào dân tộc thiểu số. Nhiều hội nghị tuyên truyền về xây dựng nông thôn mới gắn với giảm nghèo bền vững được tổ chức, nhiều lượt tuyên truyền lưu động được thực hiện tại các xã, thị trấn.
Ông Hoàng Trọng Huy, Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy Si Ma Cai cho biết: Người dân Si Ma Cai ngày càng nhận thức sâu sắc về ý nghĩa của việc xây dựng nông thôn mới. Mặc dù đời sống của đồng bào còn nhiều khó khăn, nhưng họ hiểu rằng có đường là có tất cả và đường mở đến đâu, kinh tế sẽ phát triển tới đó. Nhờ vậy, phong trào hiến đất làm đường đã trở thành một phần không thể thiếu trong triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện.
Theo Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy Si Ma Cai, vai trò của người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số đã được phát huy tối đa. Nhiều bí thư chi bộ, trưởng thôn, người có uy tín tại các thôn, bản tích cực vận động người dân đóng góp, xây dựng nông thôn mới. Các cấp ủy đảng lãnh đạo cán bộ, đảng viên phát huy vai trò, trách nhiệm trong việc nêu gương, làm cho dân thấy, dân tin, từ đó đồng lòng, chung sức cùng hệ thống chính trị thực hiện tốt chương trình xây dựng nông thôn mới.
Xuất phát từ truyền thống hiến đất làm đường giao thông trong những năm qua, ngày 3/2/2023, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Si Ma Cai đã ban hành Nghị quyết 30 về việc vận động Nhân dân hiến đất, tài sản trên đất để mở rộng, làm mới các tuyến đường giao thông giai đoạn 2021 - 2025.
Nghị quyết đã nhanh chóng đi vào cuộc sống, người dân đồng thuận với các mục tiêu đề ra. Đây là tín hiệu vui góp phần mở ra những cơ hội phát triển mới khi hệ thống giao thông nông thôn trên địa bàn được đầu tư mở rộng, thông suốt và ngày càng vươn xa.
Trong 8 tháng năm 2023, đồng bào dân tộc thiểu số trong huyện đã hiến hơn 30 ha đất làm đường giao thông nông thôn và các công trình phúc lợi.
Sự lan tỏa phong trào hiến đất mở rộng đường giao thông nông thôn ở huyện Si Ma Cai đã làm thay đổi bộ mặt vùng cao. Đến nay, 100% đường liên thôn, liên xã được rải nhựa, đổ bê tông và từng bước “cứng hóa” các tuyến đường nội đồng, liên gia, ngõ xóm. Hạ tầng giao thông ngày càng kiên cố giúp giao thương giữa các thôn, bản thuận tiện hơn, góp phần đẩy nhanh công cuộc giảm nghèo trên địa bàn huyện.