Các đồng chí: Trịnh Xuân Trường, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Hoàng Quốc Khánh, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; Đỗ Văn Duy, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT; Bùi Quang Hưng, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh chủ trì hội nghị.
Dự hội nghị có lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh; các ngân hàng thương mại trên địa bàn; đại diện Hội Nông dân các huyện, thị xã, thành phố; Hội Nông dân các xã; chi, tổ Hội Nông dân nghề nghiệp; doanh nghiệp, hợp tác xã nông nghiệp; tổ hợp tác, hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi trên địa bàn.
Phát biểu khai mạc hội nghị, đồng chí Trịnh Xuân Trường, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định: Những năm qua, tỉnh Lào Cai luôn ưu tiên đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn, đặc biệt trong việc thúc đẩy liên kết sản xuất, hợp tác phát triển nông nghiệp bền vững. Các nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh đều ban hành đề án hoặc nghị quyết chuyên đề, các chính sách đặc thù nhằm hỗ trợ, khuyến khích thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nông thôn; nhiều chủ trương, chính sách của tỉnh đã được các cấp, các ngành, các địa phương triển khai thực hiện và đạt được những kết quả đáng ghi nhận.
Nổi bật là cơ cấu ngành nông nghiệp đã có sự chuyển dịch tích cực theo hướng khai thác tốt tiềm năng, lợi thế từng vùng, sản xuất hàng hoá, góp phần nâng cao năng suất, sản lượng, từng bước mang lại hiệu quả cao. Các vùng quy hoạch sản xuất hình thành rõ nét, tăng trưởng bình quân ngành nông nghiệp đạt trên 6%/năm. Diện mạo nông thôn tiếp tục có nhiều đổi mới. Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới đã phát huy tốt vai trò chủ thể của nông dân và đạt nhiều kết quả to lớn, đặc biệt là kinh tế nông nghiệp và hạ tầng nông thôn, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân khu vực nông thôn.
Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: Hội nghị đối thoại trực tiếp giữa Thường trực UBND tỉnh với nông dân là diễn đàn trao đổi tạo sự đồng thuận, thống nhất cao từ quan điểm, chủ trương, cơ chế, chính sách đến hành động, phát huy hơn nữa vai trò nông dân là chủ thể, trung tâm của quá trình phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới góp phần nâng cao toàn diện đời sống vật chất, tinh thần của nông dân và cư dân nông thôn.
Với tinh thần thẳng thắn, xây dựng, các đại biểu nêu ý kiến, đề xuất kiến nghị với Thường trực UBND tỉnh liên quanđếnphát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
Đối với cơ chế, chính sách, ông Triệu Phúc Vầy, Hợp tác xã Quế hữu cơ xã Nậm Đét, huyện Bắc Hà nêu ý kiến: Hiện tại, trên địa bàn tỉnh đã có một số doanh nghiệp, HTX tham gia liên kết bao tiêu nông sản cho nông dân. Tuy nhiên, số lượng doanh nghiệp, HTX đầu tư vào nông nghiệp chưa nhiều và gặp nhiều khó khăn, do quy mô sản xuất nhỏ, thiếu vốn, thiếu chính sách hỗ trợ mặt bằng, việc tiếp cận nguồn vốn ngân hàng còn khó khăn, lãi suất vay cao. Các doanh nghiệp, HTX đề nghị tỉnh có cơ chế thuận lợi, thực chất cho doanh nghiệp, HTX đầu tư vào nông nghiệp.
Ông Trần Văn Thơm, xã Liên Minh, thị xã Sa Pa đề nghị tỉnh, địa phương xem xét về chính sách, thủ tục chuyển đổi đất cây hằng năm, cây lâu năm, đất lúa 1 vụ sang đất nuôi trồng thủy sản, bởi hiện nay thủ tục làm phức tạp rườm rà, mất nhiều thời gian, kinh phí.
Ông Tạ Duy Hưng, xã Tả Phìn, thị xã Sa Pa cũng đề nghị tỉnh và địa phương hỗ trợ hội viên nông dân xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp để nông dân tập trung, tích tụ đất đai và ký kết hợp tác sản phẩm nông nghiệp, bởi hiện nay đa số phải thực hiện qua các hình thức dịch vụ nên chi phí rất cao.
“Nhà nước khuyến khích hộ nông dân phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, tuy nhiên việc phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ sẽ tốn công sức, thời gian, chi phí hơn rất nhiều nhưng khi đưa ra thị trường khó cạnh tranh được với nông nghiệp truyền thống, thậm chí thấp hơn. Tỉnh xem xét có chính sách hỗ trợ hoặc tìm đầu ra cho nông sản sạch, nông sản hữu cơ, đảm bảo tương xứng với công sức đầu tư của nông dân”, ông Lý Văn Khoa, thị trấn Bắc Hà, huyện Bắc Hà kiến nghị.
Đối với đất đai, ông Lý Văn Liệu, xã Cam Cọn, huyện Bảo Yên nêu ý kiến: Phần lớn nông dân các địa phương trong tỉnh trồng cấy theo hình thức tự phát, manh mún, nhỏ lẻ, chưa hình thành được vùng nguyên liệu, vùng sản phẩm nên hiệu quả kinh tế chưa cao. Đề nghị UBND tỉnh sớm có giải pháp về quy hoạch, tích tụ ruộng đất để phát triển sản xuất nông nghiệp.
Ông Thào Chí Trung, xã Tả Ngài Chồ, huyện Mường Khương đề nghị, hiện nay một số hộ dân có diện tích đất trồng cây lương thực nằm trong quy hoạch đất lâm nghiệp, người dân muốn chuyển đổi sang trồng chè tập trung, đề nghị UBND tỉnh có giải pháp chỉ đạo, hỗ trợ người dân chuyển đổi tích tụ được quỹ đất tập trung đầu tư phát triển sản xuất chè hoặc thực hiện dự án sản xuất, kinh doanh khác.
“Việc cấp đất rừng dự án, rừng phòng hộ đã có chồng lấn vào diện tích đất canh tác, đất lâm nghiệp của các hộ dân đến nay xảy ra tranh chấp giữa nhân dân với dự án rừng phòng hộ, một số diện tích đất nhân dân đã canh tác lâu năm, nhiều thế hệ liên tục. Do vậy, UBND tỉnh xem xét cần phải rà soát lại làm rõ để nhân dân yên tâm đầu tư sản xuất phát triển kinh tế”, ông Lý Văn Thông, xã Bản Cầm, huyện Bảo Thắng nêu kiến nghị.
Đối với đầu tư, phát triển liên kết sản xuất nông nghiệp, tín dụng nông nghiệp, ông Nguyễn Thế Dự, Chủ tịch Hội Nông dân xã Liêm Phú, huyện Văn Bàn cho rằng, hiện nay việc liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp của nông dân còn hạn chế, chưa có doanh nghiệp, hợp tác xã bao tiêu sản phẩm để giúp bà con nông dân ổn định đầu ra cho sản phẩm; đề nghị có cơ chế, chính sách hỗ trợ, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp ở khu vực nông thôn, thúc đẩy bao tiêu sản phẩm để giúp bà con nông dân ổn định đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp của người dân.
Ông Giàng Seo Thành, Tổ hội Nông dân nghề nghiệp xã Nàn Sín, huyện Si Ma Cai kiến nghị: Hằng năm, Hội Nông dân vận động các hộ sản xuất thành lập các tổ hợp tác, tổ hội nghề nghiệp nhằm nâng cao liên kết giữa các nhà nông và giữa nhà nông với dịch vụ sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, do nguồn kinh phí hoạt động còn ít và hầu như không có để duy trì nên chưa phát huy tối đa các tổ hợp tác và tổ hội nghề nghiệp. Đề nghị tỉnh tăng cường công tác đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực cho đối tượng này để nâng cao hiệu quả của các tổ hợp tác, tổ hội, chi hội nghề nghiệp.
“Tỉnh cần có quy hoạch vùng trồng; liên kết với các doanh nghiệp, hợp tác xã hỗ trợ tiêu thụ nông sản (su su) để không bị ép giá”, bà Phạm Thị Huyền, Chủ tịch Hội Nông dân phường Ô Quý Hồ, thị xã Sa Pa kiến nghị.
Ông Lý Vần Sồ, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Bản Phố, huyện Bắc Hà nêu ý kiến: Trong những năm qua, cơ chế hỗ trợ cho nông dân vay vốn với lãi suất thấp qua Quỹ Hỗ trợ nông dân đã phát huy hiệu quả rất tốt, giúp đỡ nông dân làm kinh tế vươn lên khá giả, ổn định hơn, đề nghị cần có sự quan tâm tạo nguồn vốn nhiều hơn nữa để hỗ trợ nông dân.
Trên tinh thần cầu thị, lắng nghe, chia sẻ, Chủ tịch UBND tỉnh Trịnh Xuân Trường đánh giá cao các ý kiến, kiến nghị, đề xuất, góp ý của các đại biểu. Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo lãnh đạo các sở, ban, ngành liên quan trả lời, làm rõ, chi tiết từng ý kiến, đi thẳng và đi sâu vào vấn đề mà các đại biểu quan tâm, cơ bản đáp ứng được mong muốn của hội viên, nông dân.
Lãnh đạo các sở, ngành khẳng định, dù chỉ chiếm 13,5% trong cơ cấu kinh tế, nhưng nông nghiệp giữ vai trò trụ đỡ, bởi dân số làm nông nghiệp của tỉnh chiếm đến 70%, diện tích rừng tập trung ở khu vực nông thôn. Chính vì vậy, nông nghiệp, nông thôn giữ vị trí rất quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội.
Phát biểu bế mạc hội nghị, đồng chí Hoàng Quốc Khánh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh khẳng định: Hội nghị đối thoại giữa Thường trực UBND tỉnh với nông dân năm 2023 diễn ra dân chủ, trên tinh thần xây dựng đã hoàn thành toàn bộ nội dung, mục đích, yêu cầu đề ra. Đồng chí đề nghị các đại biểu tiếp tục thực hiện tốt phong trào thi đua “Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”.
Các cấp, các ngành, đặc biệt là Hội Nông dân các cấp tăng cường công tác tuyên truyền, vận động để nâng cao nhận thức của nông dân trong thực hiện các nghị quyết, chương trình của Tỉnh ủy về nông nghiệp, nông dân và nông thôn. Tuyên truyền, vận động nông dân chủ động hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; tạo ra nhiều sản phẩm OCOP có giá trị, góp phần đưa sản phẩm nông nghiệp của Lào Cai đến với các tỉnh và các nước trên thế giới.
Các cơ quan, địa phương cần chủ động hướng dẫn nông dân tiếp cận các chính sách của hỗ trợ tỉnh và trung ương về phát triển nông nghiệp; trong đó có chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị của các chương trình mục tiêu quốc gia. Đề nghị Hội Nông dân tỉnh chỉ đạo Hội Nông dân các huyện, thị xã, thành phố chung tay thực hiện có hiệu quả các mục tiêu trong lĩnh vực nông nghiệp đã đề ra theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI.