Qua giới thiệu của Huyện đoàn Mường Khương, chúng tôi về xã Tả Ngài Chồ, nơi có phong trào thanh niên khởi nghiệp được đoàn viên, thanh niên tích cực hưởng ứng. Nhiều bạn trẻ ở xã Tả Ngài Chồ đã chủ động, mạnh dạn xây dựng mô hình sản xuất nông nghiệp thông qua chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi, lựa chọn hướng đi mới để khởi nghiệp. Tiêu biểu như mô hình “Trồng lê Tai nung theo hướng hữu cơ gắn với du lịch cộng đồng” của đoàn viên Thào Seo Lìn ở thôn Máo Chóa Sử.
Anh Lìn cho biết, năm 2018, anh đầu tư trồng gần 2 ha lê Tai nung, sau 3 năm cây bắt đầu cho quả bói. Vụ đầu, gia đình anh thu được 3 tấn lê, giá bán tốt nên anh tiếp tục đầu tư mở rộng diện tích cây trồng. Năm 2022, hoa nở nhiều nhưng tỷ lệ đậu quả thấp, có nhiều cây gần như không đậu quả khiến anh lo lắng. Đúng vào thời gian này, Huyện đoàn Mường Khương đã phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mường Khương mời giảng viên Khoa Nông lâm thuộc Phân hiệu Đại học Thái Nguyên tại Lào Cai về huyện tập huấn cho đoàn viên, thanh niên làm chủ các dự án, mô hình, vì thế anh Lìn được tiếp cận thêm kinh nghiệm, kiến thức, kỹ thuật.
Cũng được Huyện đoàn đồng hành tiếp sức, năm 2022, anh Lù Văn Trẻo, Bí thư Đoàn Thanh niên xã Nấm Lư thực hiện mô hình chế biến chè. Được vay 50 triệu đồng thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội huyện và hỗ trợ nắm quy trình chế biến chè, đến nay, mô hình của anh Trẻo đã đi vào hoạt động và cho chất lượng sản phẩm tốt. Mô hình của anh còn nhận được hơn 1 vạn túi bao bì theo Dự án 3 của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2021 - 2025 do Huyện đoàn làm chủ đầu tư.
Huyện Mường Khương hiện có 1 hợp tác xã, 10 tổ hợp tác và 23 mô hình khởi nghiệp, lập nghiệp do thanh niên làm chủ. Thực hiện phong trào “Đồng hành với thanh niên lập thân, lập nghiệp”, Huyện đoàn Mường Khương đã chỉ đạo các cơ sở đoàn khảo sát, nắm nhu cầu học tập, nghề nghiệp và việc làm của đoàn viên, thanh niên để từ đó tư vấn, định hướng.
Hằng năm, Huyện đoàn phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện tổ chức các lớp tập huấn dành cho đoàn viên, thanh niên làm chủ các dự án, mô hình và có ý tưởng khởi nghiệp, lập nghiệp; phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện giải ngân vay vốn với lãi suất ưu đãi dành cho đoàn viên, thanh niên khởi nghiệp với tổng nguồn vốn hơn 700 triệu đồng.
Năm 2022, Huyện đoàn Mường Khương được giao làm chủ đầu tư thực hiện Dự án 3 của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2021 - 2025. Sau khi rà soát, Huyện đoàn đã lựa chọn 3 mô hình để hỗ trợ với tổng số vốn là 636 triệu đồng thực hiện các nội dung như: Tập huấn chuyển giao kỹ thuật, thiết kế logo, mã số, mã vạch, hỗ trợ xây dựng phần mềm truy xuất nguồn gốc, đăng ký sản phẩm, thiết kế bao bì, đăng ký sản phẩm OCOP… Trong năm 2023, Huyện đoàn tiếp tục hỗ trợ 3 mô hình khởi nghiệp do đoàn viên, thanh niên làm chủ, gồm mô hình trồng, chế biến, sản xuất chè; trồng quýt ngọt; trồng và sản xuất chè Shan tuyết Cao Sơn, với tổng nguồn vốn 1,4 tỷ đồng.
Điều đáng mừng là trên địa bàn xuất hiện ngày càng nhiều mô hình phát triển kinh tế có hiệu quả cao do đoàn viên, thanh niên làm chủ. Đó là những điển hình, gương sáng của tổ chức đoàn.
Phong trào “Đồng hành với thanh niên lập thân, lập nghiệp” ở Mường Khương đã và đang khẳng định vai trò của tổ chức đoàn, giúp đoàn viên, thanh niên vươn lên làm giàu chính đáng, góp phần thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu.