Các cụ xưa có câu “Dạy trẻ từ lúc còn thơ, dạy vợ từ thuở bơ vơ mới về”, theo đó, nhiều đức ông chồng đã tận dụng câu nói này trong việc xử lý quan hệ vợ chồng theo cách của mình. Có người cho rằng, nếu không muốn để vợ vượt mặt hoặc tác oai, tác quái thì phải thể hiện thế thượng phong của người chồng ngay từ khi mới kết hôn. Để làm được điều đó, nhiều ông chồng đã không ngần ngại sử dụng “nắm đấm”để giành quyền, nhưng hệ quả đạt được chủ yếu chỉ là cuộc sống nặng nề hoặc hôn nhân tan vỡ.

(Tranh minh họa).
Đánh vợ là thói quen
Nhiều lần đi làm với vết thâm tím trên người, mắt mũi sung múp nhưng chị L vẫn luôn biện hộ rằng do mình ngã, va đập. Lần thứ nhất, mọi người còn tin, đến lần thứ hai họ bắt đầu nghi ngờ và từ những lần sau thì chẳng còn ai tin nữa. Chị em trong cơ quan nhiều lần to nhỏ tâm sự, mãi chị L mới tiết lộ: Do ông chồng thường “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay”. Chỉ cần bực mình, ngứa mắt cái gì là đấm, bạt tai hoặc đá vợ. Lúc đầu mới lấy nhau, khi bị chồng đánh, chị L khóc lu loa, đòi bỏ về nhà, anh chồng lại xin lỗi, nói rằng rất yêu vợ, chỉ có điều nóng tính một chút. Chị L đã tha thứ cho chồng. Nhưng thời gian trôi qua, những trận đòn tăng lên theo áp lực trong cuộc sống mà chồng chị L gặp phải. Hễ có chuyện bực dọc ở đâu về, ăn cơm không vừa miệng là anh thẳng tay bạt tai chị, bảo: “Đàn bà mà nấu nướng thế à? Tôi phải ra ngoài ăn thì đừng có trách!”. Hơi một chút là anh lừ mặt, dứ nắm đấm, kể cả trước mặt các con. Dần dần chị cũng quen và nhẫn nhịn chịu đựng vì tối đến, anh lấy dầu cao xoa bóp, dùng đá chườm những vết thâm tím trên người, trên mặt chị. Hằng ngày, anh vẫn đi làm rồi về nhà đúng giờ, chăm lo cho gia đình. Dù vậy nhưng nhiều khi chị L thấy mệt mỏi và xấu hổ với con cái, chòm xóm và đồng nghiệp ở cơ quan mỗi khi bị chồng đánh. Đáng buồn là chị luôn cảm thấy nơm nớp mỗi khi về nhà, căng thẳng chờ đợi những trận đòn vô cớ.
Bất lực cũng dùng nắm đấm
Anh T thì đánh vợ vì bất lực, không tìm được tiếng nói chung với “người bạn trăm năm” trên mọi lĩnh vực, từ sở thích, quan điểm sống, đối nhân xử thế bên nội, bên ngoại, nuôi dạy con cái, quan hệ với bạn bè... Khi anh T đề nghị cả nhà về quê nội ăn tết, nhưng cô vợ nhất quyết không nghe, bảo rằng tết là dịp được nghỉ ngơi, vui chơi, về quê thì suốt ngày cơm cơm, nước nước phục vụ cả nhà chồng, còn gì là tết nữa. Sau nhiều ngày thuyết phục, nói nặng, nói nhẹ không được, anh T xông vào vừa đấm đá vợ túi bụi vừa mắng: “Loại vợ gì mà chồng nói cứ cãi nhem nhẻm! Lấy chồng thì phải biết thân phận lo cho nhà chồng, chỉ biết nghĩ đến bản thân mình”. Vợ anh T cũng không vừa, vặc lại: “Tôi làm vợ chứ không phải là người phục vụ, sao anh chỉ nghĩ đến việc có hiếu bên nội mà không nghĩ tới tôi, nghĩ tới đằng bố mẹ vợ?”. Hậu quả, tết năm ấy anh T một nơi, cô vợ một nẻo, về sau hai bên nội, ngoại hàn gắn mãi, họ mới quay lại với nhau.
Đòn ghen
Đối với anh H, chuyện đánh vợ chỉ xoay quanh việc ghen tuông thái quá. Vợ anh là người có nhan sắc, lại làm việc trong một cơ quan lớn, thường xuyên phải giao dịch, công tác. Anh H rất yêu và luôn hãnh diện về vợ của mình, nhưng khi thấy vợ mình suốt ngày “quần là, áo lượt” đi công cán chỗ nọ, chỗ kia, nỗi ấm ức trong lòng anh cứ lớn dần, gặm nhấm tâm trí anh. Anh dần không muốn cho vợ đi công tác dài ngày với đủ lý do, nào phải ở nhà chăm sóc, dạy dỗ con cái, nào anh bận nhiều việc...Vợ anh phản ứng trước thái độ của chồng, vẫn tiếp tục đi như kế hoạch. Khi cô vợ hoàn thành chuyến công tác trở về nhà, anh H đã lôi vợ vào trong buồng, đóng chặt cửa đánh tơi bời, lôi những bộ quần áo đẹp của vợ ra băm nát. Cô vợ gào khóc, đòi ly hôn. Lúc hồi tâm, anh H rối rít xin lỗi vợ, nói rằng mình quá yêu vợ và hành động này chỉ là muốn dạy cô biết phải giữ gìn bản thân, không được phản bội chồng. Cuộc sống của họ lại tiếp tục, nhưng thay vào đó là những ngày tháng nặng nề vì anh H ngày càng ghen tuông. Với cái cớ yêu vợ, giữ vợ, anh H bạo hành vợ hết lần này, đến lần khác. Chỉ cần nghe thấy người đàn ông nào bông đùa khen vợ mình, cũng về lôi vợ ra đánh và cho rằng, nếu không lúng liếng thì làm sao đàn ông thích mà trêu ghẹo...
Nhiều lần, vợ của anh H không thể đến cơ quan với những dấu tích của trận đòn ghen phải hứng chịu từ chồng. Hiệu quả công việc của cô cũng dần bị giảm sút. Cuối cùng, như “giọt nước tràn ly”, không chịu nổi những trận đòn vô cớ, vợ của anh H đã đâm đơn ly hôn, bỏ ra khỏi nhà. Nhiều lần đến nhà vợ để van xin và cả dọa nạt, vợ của anh vẫn không quay trở lại. Hôn nhân của họ thật sự tan vỡ, bắt đầu chính từ những đòn ghen ác nghiệt và tâm hồn nghi kỵ của người chồng.
Trên đây chỉ là một vài câu chuyện liên quan đến tình trạng bạo hành gia đình đang xảy ra trong xã hội hiện nay, xuất phát từ quan điểm bảo thủ của một số người đàn ông. Dù “dạy” vợ bằng hình thức nào, thì cách dùng nắm đấm của những đức ông chồng cũng ít đạt được hiệu quả như mong muốn và còn bị xã hội lên án.