Cách đây 79 năm, ngay sau khi giành chính quyền cách mạng năm 1945, dù đất nước chưa sạch bóng ngoại xâm nhưng Đảng, Bác Hồ đã kêu gọi việc “diệt giặc đói” là một trong ba nhiệm vụ hệ trọng của đất nước, dân tộc. Trong những năm tháng cả nước kháng chiến chống Mỹ cứu nước, các phong trào sản xuất nông nghiệp được phát động mạnh mẽ cũng là nhằm đảm bảo nguồn lương thực, nâng cao đời sống cho Nhân dân, góp phần vào công cuộc xây dựng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc và cung cấp thóc, gạo cho chiến trường miền Nam để quân ta đánh thắng giặc Mỹ.
Với tỉnh Lào Cai, sau ngày tái lập tỉnh năm 1991, hơn 50% số hộ dân thuộc diện đói, nghèo, trong đó hộ thường xuyên thiếu lương thực chiếm tỷ lệ cao. Trước tình hình đó, một trong những nhiệm vụ hàng đầu của Đảng bộ tỉnh đưa ra là phát triển sản xuất, chăm lo đời sống Nhân dân, mục tiêu là giảm nhanh nhất những hộ đói, hộ nghèo. Suốt hơn 30 năm qua, nhiệm vụ xóa đói, giảm nghèo luôn được các cấp ủy, chính quyền coi trọng với quyết tâm chính trị cao nhất, dành nguồn lực tối đa cho sự nghiệp này.
Liên tục trong 4 nhiệm kỳ đại hội của Đảng bộ tỉnh (nhiệm kỳ 2000 - 2005, nhiệm kỳ 2005 - 2010, nhiệm kỳ 2010 - 2015, nhiệm kỳ 2015 - 2020), Tỉnh ủy đều ban hành Đề án “Giảm nghèo bền vững” cho mỗi giai đoạn tương ứng. Những đề án nêu trên xuất phát bởi năm 2001, Lào Cai còn hơn 29% hộ thuộc diện nghèo; 2011 tỉnh còn 46% số hộ thuộc diện nghèo (tiêu chí mới); năm 2016, tỷ lệ hộ nghèo chiếm 34%; đến năm 2020, Lào Cai cơ bản không có hộ đói, thiếu ăn, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 8,6% (tiêu chí cũ khi đó).
Hộ nghèo giảm sâu, dù không tiếp tục ban hành đề án nhưng trong nhiệm kỳ 2020 - 2025, Tỉnh ủy, UBND tỉnh vẫn rất quan tâm đến công tác giảm nghèo, giảm nghèo bền vững với những cách làm mới, sáng tạo, “đột phá” vào “lõi nghèo”, “vùng nghèo”. Đó là việc ban hành các nghị quyết, chương trình, kế hoạch về công tác giảm nghèo bền vững, nổi bật là Kế hoạch số 186/KH-UBND ngày 3/4/2023 của UBND tỉnh về thực hiện phát triển kinh tế - xã hội đối với 10 xã có tỷ lệ hộ nghèo cao tỉnh Lào Cai.
Điểm đặc biệt là gắn với kế hoạch này, các đồng chí Thường trực Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã chủ động nhận trách nhiệm trực tiếp giúp đỡ, cụ thể là trực tiếp tới cơ sở nắm bắt tình hình, có sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao công tác giảm nghèo tại 10 xã đặc biệt khó khăn. Kết quả là số hộ nghèo ở “lõi nghèo” giảm nhanh, có nơi tốc độ giảm hơn 3 lần so với tốc độ giảm nghèo trung bình của tỉnh, nhiều dự án đầu tư, hỗ trợ sản xuất có tác dụng giảm nghèo bền vững đã được triển khai hiệu quả tại đây. Trước đó, ngày 26/8/2021, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết 10 về Chiến lược phát triển nông nghiệp hàng hóa tỉnh Lào Cai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Sau 3 năm thực hiện nghị quyết, nhiều vùng nông thôn, nhất là vùng sâu, vùng xa, những nơi tỷ lệ hộ nghèo còn cao, nguy cơ tái nghèo lớn đã có sự khởi sắc đáng kể.
Do yếu tố tự nhiên, lịch sử và xã hội, cái nghèo ở Lào Cai đang tiếp tục là một vấn đề lớn đặt ra trong công tác lãnh đạo của các cấp ủy, chính quyền. Hết năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh (tiêu chí mới) vẫn chiếm gần 15%, vùng “lõi nghèo” đã giảm mạnh hộ nghèo nhưng nhìn chung đời sống một bộ phận hộ dân còn nhiều khó khăn, nguy cơ tái nghèo cao. Quan tâm giảm nghèo là biểu hiện nhân văn, sự tốt đẹp của chế độ, với tinh thần quyết tâm, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đoàn kết trong cộng đồng, ý thức tự thân thoát nghèo trong Nhân dân, cái nghèo đang tiếp tục được đẩy lùi để tỉnh Lào Cai ngày càng phát triển, phồn thịnh như mong muốn của Bác lúc sinh thời.