Các đồng chí: Vũ Xuân Cường, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Hoàng Giang, Phó Bí thư Tỉnh ủy; Hoàng Quốc Khánh, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đồng chủ trì hội nghị.
Tham dự hội nghị có đồng chí Lý Bình Minh, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; lãnh đạo các cơ quan, ban, ngành của tỉnh, các huyện, thành phố, thị xã và 10 xã có tỷ lệ hộ nghèo cao trên địa bàn tỉnh.
Báo cáo đánh giá kết quả sau 3 năm triển khai, thực hiện các mục tiêu của Nghị quyết số 20-NQ/TU ngày 24/5/2019 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Kế hoạch số 239/KH-UBND ngày 19/5/2021 của UBND tỉnh về phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025 đối với 10 xã có tỷ lệ hộ nghèo cao nêu rõ: Mặc dù trong bối cảnh dịch Covid-19 ảnh hưởng không nhỏ đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội tỉnh Lào Cai nói chung và các xã nghèo nói riêng nhưng với sự quyết tâm, quyết liệt trong chỉ đạo và sự vào cuộc của ban, sở, ngành và UBND các huyện có xã nghèo, kinh tế - xã hội 10 xã nghèo đã thu được kết quả tích cực, đảm bảo chỉ tiêu kế hoạch đề ra.
Tại 10 xã có tỷ lệ hộ nghèo cao đã giảm được 1.306 hộ nghèo, tỷ lệ giảm nghèo bình quân/xã đạt trên 10%. Từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, UBND các xã xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện 30 dự án hỗ trợ phát triển sản xuất.
Tỉnh đã giao 231 danh mục công trình, trong đó 198 danh mục công trình được giao theo Kế hoạch 239/KH-UBND. Đến hết năm 2023, đã giao danh mục chuẩn bị đầu tư 106/231công trình; giải ngân đạt 357,7 tỷ đồng, bằng 87,4% kế hoạch giao.
Phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi có nhiều chuyển biến; đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động trên địa bàn được quan tâm, tạo điều kiện cho người dân đi làm việc tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh.
Hoạt động tín dụng trên địa bàn 10 xã nghèo tiếp tục được ngành ngân hàng tích cực triển khai, lũy kế dư nợ cho vay tại 10 xã đến hết năm 2023 đạt 304,8 tỷ đồng, tăng 9,8% so với cuối năm 2022.
Các cấp, ngành và các đồng chí lãnh đạo được phân công nhiệm vụ giúp đỡ xã đã thường xuyên xuống cơ sở phối hợp với chính quyền địa phương nắm tình hình triển khai nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Giai đoạn 2021 - 2023, tổng kinh phí xã hội hóa các hoạt động vận động giúp đỡ từ các đồng chí lãnh đạo được giao nhiệm vụ phụ trách 10 xã lên tới 4,4 tỷ đồng.
Cấp huyện, cấp xã đã tích cực, chủ động bám sát chủ trương, chỉ đạo của tỉnh để cụ thể hóa thành chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội cho xã, huy động hệ thống chính trị, người dân cùng vào cuộc quyết tâm giảm nghèo.
Tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện còn gặp khó khăn khi một số địa phương chưa tạo được các khâu đột phá trong công tác lãnh, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ của địa phương về phát triển kinh tế - xã hội; các chương trình mục tiêu quốc gia đã bắt đầu triển khai nhưng cách thức tổ chức, thực hiện của các địa phương vẫn còn nhiều lúng túng; một số dự án đầu tư hạ tầng chưa phát huy hết hiệu quả nguồn vốn; kinh tế hộ gia đình làm nông nghiệp giản đơn vẫn chiếm đa số, sản xuất phụ thuộc nhiều vào điều kiện tự nhiên...
Đại biểu các sở, ngành đã phân tích, làm rõ những tồn tại, hạn chế và đề xuất các kiến nghị để triển khai thực hiện hiệu quả nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm năm 2024.
Lãnh đạo 10 xã có tỷ lệ hộ nghèo cao đề xuất trong thời gian tới, tỉnh tiếp tục quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng, đặc biệt là giao thông kết nối, trường học, công trình nước sinh hoạt, viễn thông; quan tâm nâng cao tỷ lệ đào tạo nghề cho lao động nông thôn; có cơ chế, chính sách nhằm thúc đẩy phát triển du lịch, nông nghiệp, các giải pháp sinh kế bền vững cho người dân.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, đồng chí Vũ Xuân Cường, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy ghi nhận, đánh giá cao kết quả phát triển kinh tế - xã hội 10 xã nghèo thời gian qua.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Vũ Xuân Cường đề nghị các cấp, ngành trong thời gian tới tập trung triển khai nhiệm vụ, mục tiêu đề ra theo Nghị quyết số 20-NQ/TU ngày 24/5/2019 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Kế hoạch triển khai của UBND tỉnh; huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, tập trung chỉ đạo, thực hiện trúng, đúng và gắn với thực tế.
Đồng chí Vũ Xuân Cường đề nghị cấp ủy, chính quyền địa phương tăng cường tuyên truyền xóa tư tưởng bằng lòng với cuộc sống hiện tại, khơi dậy khát vọng, ý chí vươn lên trong từng hộ gia đình và mỗi người dân. Các địa phương căn cứ vào tiềm năng, lợi thế sẵn có để lựa chọn cách thức phát triển sản xuất phù hợp trên cơ sở nguồn lực đầu tư của tỉnh đảm bảo mang tính bền vững, hiệu quả. Đồng thời thực hiện tốt công tác cán bộ; tăng cường phân cấp; phát huy vai trò, trách nhiệm người đứng đầu cơ sở.
Đối với việc phân công giúp đỡ, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy cho rằng, cần nghiên cứu việc huy động các đơn vị, doanh nghiệp và các huyện, thành phố, thị xã không có xã nghèo cùng vào cuộc, nhằm san sẻ, giúp đỡ các xã nghèo vươn lên.
Phát biểu kết luận tại hội nghị, đồng chí Hoàng Quốc Khánh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh nhấn mạnh, khi đã đặt ra nhiệm vụ, mục tiêu thì phải phấn đấu, với quyết tâm cao nhất để hoàn thành.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đề nghị 10 xã có tỷ lệ hộ nghèo cao cụ thể hóa bằng việc xây dựng kế hoạch thực hiện hằng năm và kế hoạch triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia, xác định đây là nhiệm vụ quan trọng, bao trùm toàn diện để phát triển kinh tế - xã hội của xã. Lãnh đạo, cán bộ xã phải nắm chắc quy hoạch, trình tự, thủ tục, am hiểu chính sách để triển khai thực hiện hiệu quả các chương trình, dự án; tăng cường công tác quản lý, không để xảy ra sai phạm; thực hiện tốt quy chế dân chủ cơ sở để người dân nắm được thông tin về cơ chế, chính sách, định hướng phát triển.
Đối với cấp huyện, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh yêu cầu tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về giảm nghèo bền vững; tăng cường sự phối hợp giữa các ngành, địa phương; xác định thế mạnh, tiềm năng của xã trên từng lĩnh vực; thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, đặc biệt là tạo điều kiện, hỗ trợ các nhà máy chế biến, kho bảo quản; tiếp tục rà soát, đánh giá chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã.
Đối với các sở, đồng chí Hoàng Quốc Khánh đề nghị phối hợp với các địa phương quan tâm thực hiện tốt công tác luân chuyển, điều động cán bộ có năng lực từ huyện về xã, từ xã sang xã, đảm bảo đội ngũ cán bộ có đủ năng lực và tâm huyết thực hiện tốt nhiệm vụ được phân công; tổ chức tốt các phiên giao dịch việc, tư vấn chính sách, kết nối thông tin thị trường lao động; rà soát các điều kiện sản xuất, xây dựng kế hoạch chuyển đổi diện tích kém hiệu quả, phát huy thế mạnh của địa phương mang giá trị kinh tế hàng hóa phù hợp...
Phương hướng, nhiệm vụ năm 2024
1.Tiếp tục rà soát đầu tư cơ sở vật chất cho 10 xã có tỷ lệ hộ nghèo cao đối với 125 danh mục chưa giao chuẩn bị đầu tư; giao Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Sở Tài chính rà soát các nguồn vốn, tham mưu UBND tỉnh giao chuẩn bị đầu tư, giao vốn để triển khai trong giai đoạn 2024 – 2025.
2. Tiếp tục chỉ đạo các cấp, ngành, đơn vị, lãnh đạo được phân công giúp đỡ các xã thường xuyên quan tâm, xuống cơ sở phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương triển khai nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.
3. Đẩy nhanh tiến độ giải ngân nguồn vốn các chương trình MTQG trên địa bàn xã, đặc biệt quan tâm hướng dẫn cấp xã tổ chức triển khai các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, trong đó có sự tham gia của hộ nghèo, hộ cận nghèo và đối tượng chính sách đạt hiệu quả thiết thực, có tác động lâu dài đến công tác giảm nghèo.
4. Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, có sự đổi mới nội dung, phương thức để phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Chính phủ, của tỉnh về chính sách phát triển kinh tế - xã hội đối với khu vực đặc biệt khó khăn...
5. Tiếp tục thực hiện luân chuyển, điều động cán bộ có năng lực từ huyện về xã, từ xã sang xã, đảm bảo đội ngũ cán bộ có đủ năng lực, phẩm chất và tâm huyết thực hiện tốt các nhiệm vụ được phân công. Nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, đánh giá, bố trí, sử dụng, đào tạo bồi dưỡng cán bộ, công chức cấp xã...
6. Tổ chức tốt các phiên giao dịch việc làm, tư vấn chính sách, kết nối thông tin thị trường lao động giúp người lao động có nhiều cơ hội lựa chọn việc làm trong và ngoài tỉnh, lao động ở nước ngoài.
7. Rà soát các điều kiện sản xuất tại địa phương, xây dựng kế hoạch chuyển đổi diện tích đất rừng trồng không hiệu quả sang đất sản xuất nông nghiệp; tiếp tục đề xuất một số mô hình sản xuất nông, lâm nghiệp, cây dược liệu có thế mạnh của địa phương mang giá trị kinh tế hàng hóa.
8. Huy động tối đa các nguồn vốn vay tín dụng ưu đãi đáp ứng nhu cầu vốn vay cho các tổ chức, cá nhân tại các xã, góp phần thúc đẩy kinh tế, giảm nghèo bền vững.
9. Đầu tư hoàn thiện đồng bộ cơ sở hạ tầng các xã theo kế hoạch; rà soát, điều chỉnh bổ sung giao chuẩn bị đầu tư công trình còn lại để bố trí kế hoạch vốn thực hiện trong năm 2024; đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các công trình hạ tầng giao thông đã giao kế hoạch vốn đầu tư...