Mở đầu bài tham luận, đại biểu Sùng A Lềnh nhất trí với chủ trương sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội nhằm thể chế hóa chủ trương, chính sách của Đảng được đề ra trong Nghị quyết số 28-NQ/TW về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội, văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng về cải cách hệ thống bảo hiểm xã hội đa tầng dựa trên nguyên tắc đóng - hưởng, chia sẻ - bền vững, bảo đảm phù hợp với Bộ luật Lao động năm 2019.
Đại biểu Sùng A Lềnh cho rằng việc sửa đổi quy định về bảo hiểm xã hội là cần thiết để đảm bảo mục tiêu mở rộng diện bao phủ, hướng tới mục tiêu bảo hiểm xã hội toàn dân.
Tuy nhiên, đại biểu Sùng A Lềnh cũng nhấn mạnh, để có thể khắc phục được tình trạng số lượng người nhận bảo hiểm xã hội một lần tăng lên hằng năm như thời gian gần đây, cần phân tích, đánh giá kỹ lưỡng để xác định nguyên nhân cơ bản của tình trạng này, nhằm có giải pháp căn cơ và có chính sách đồng bộ về bảo hiểm xã hội song song với chính sách hỗ trợ chuyển đổi việc làm, có thu nhập ổn định, đào tạo kỹ năng cho người lao động… “Tựu chung lại là cần có chính sách cho người lao động yên tâm tham gia bảo hiểm xã hội lâu dài”, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lào Cai nhấn mạnh.
Về hưởng bảo hiểm xã hội một lần ( Khoản 1, Điều 70 của Dự thảo Luật), Chính phủ trình Quốc hội 2 phương án, đại biểu Sùng A Lềnh cho rằng với phương án 2, cần làm rõ trường hợp “50% tổng thời gian đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất” được giữ lại nhưng người lao động sau đó không tiếp tục tham gia bảo hiểm xã hội cả bắt buộc lẫn tự nguyện thì xử lý tiếp theo như thế nào? nếu người lao động đến tuổi nghỉ hưu thì mức lương làm căn cứ tính hưởng lương hưu sẽ tính ra sao? có trừ đi 50% đã rút hay không hay trừ bằng một tỉ lệ nào khác?
Đối với quy định chi phí quản lý bảo hiểm xã hội (Khoản 2 Điều 118), đại biểu Sùng A Lềnh cho rằng tại 2 phương án Chính phủ đề xuất thì phương án 2 có điểm hạn chế là chi phí quản lý sẽ chiếm tỉ lệ % cao hơn so với phương án 1. Trong khi đó, việc chi bảo hiểm xã hội ngoài chế độ hưu trí có thể dự toán được thì các chế độ ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, tử tuất khó dự toán được vì phụ thuộc vào tình hình thực tế. Nếu tính trên cơ sở dự toán chi có thể dẫn đến trường hợp thừa hoặc thiếu kinh phí triển khai thực hiện. Bởi vậy đại biểu đề nghị làm rõ hơn về ưu điểm vượt trội của 2 phương án để lựa chọn chính xác nhất.
Đối với nội dung trợ cấp hưu trí xã hội, đại biểu Sùng A Lềnh cho rằng việc bổ sung quy định về trợ cấp hưu trí xã hội để hình thành hệ thống bảo hiểm xã hội đa tầng là thể chế hóa nội dung của Nghị quyết số 28-NQ/TW. Chính sách này thể hiện tính nhân văn, trách nhiệm của Nhà nước trong bảo đảm an sinh cho người cao tuổi không có lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng khác.
Tuy nhiên, đại biểu cũng cho rằng việc quy định loại trợ cấp hưu trí xã hội không gắn với nghĩa vụ đóng và được điều chỉnh giảm dần độ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội (Khoản 2 Điều 21 của dự thảo Luật) có thể ảnh hưởng tới chính sách phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội cũng như ảnh hưởng tới mục tiêu hạn chế rút bảo hiểm xã hội một lần. Điều này còn có thể dẫn tới tâm lý người lao động suy nghĩ không cần tham gia bảo hiểm xã hội hoặc không cần duy trì đóng bảo hiểm xã hội để hưởng chế độ hưu trí mà đến khi đủ điều kiện về tuổi (dự thảo Luật đang đề xuất là 75 tuổi) thì vẫn được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội.
Đây là vấn đề cũng cần phải đánh giá kỹ tác động và khả năng đáp ứng của ngân sách Nhà nước nhất là trong điều kiện đất nước ta sắp chuyển sang giai đoạn dân số già hóa, số lượng người thuộc diện bảo đảm của chính sách này sẽ ngày càng tăng.
Tiếp tục tham gia vào Dự thảo Luật, đại biểu Sùng A Lềnh cho rằng quy định mức chi quản lý bảo hiểm xã hội (Khoản 3, Điều 118) xác định việc chi 5 năm/lần (thay cho 3 năm/lần) là phù hợp với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và các kế hoạch tài chính, kế hoạch đầu tư công trung hạn.