Đại biểu Sùng A Lềnh, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh phát biểu đánh giá cao dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam đã bám sát thực tiễn và nhiệm vụ xây dựng quân đội trong tình hình mới. Đại biểu cũng bày tỏ nhất trí với 16 vấn đề được sửa đổi, bổ sung dự thảo luật.
Vấn đề sửa đổi, bổ sung quy định về tuổi phục vụ tại ngũ của sĩ quan tại Điều 13 Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam, theo đại biểu, việc nâng độ tuổi phục vụ tại ngũ của sĩ quan là phù hợp với thực tế và yêu cầu nhiệm vụ xây dựng quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại và phù hợp với hệ thống pháp luật hiện hành. Đó là:
Đội ngũ cán bộ sĩ quan quân đội được đào tạo cơ bản, có bản lĩnh chính trị, trình độ, kinh nghiệm, sức khỏe đáp ứng yêu cầu quân đội chính quy, tinh nhuệ, hiện đại. Nhưng theo quy định tuổi nghỉ hưu như luật hiện hành thì cấp Thiếu tá nghỉ hưu ở tuổi 48, Trung tá nghỉ hưu ở tuổi 51, như vậy nếu trừ đi 4 đến 6 năm đào tạo trong nhà trường thì mới cống hiến hơn 20 năm công tác, trong khi đó đây đang là độ tuổi “chín”. Nếu cho đội ngũ này nghỉ hưu như luật hiện hành sẽ lãng phí rất lớn nguồn nhân lực có trình độ cao của quân đội, chưa tính đến những sĩ quan được đào tạo các chuyên môn có tính đặc thù, đào tạo dài hạn, kỹ thuật cao, hiện đại. Mặt khác, đặc thù quân đội hiện nay đòi hỏi tính chuyên nghiệp, chuyên sâu cao, tinh nhuệ, làm chủ khoa học - kỹ thuật, vũ khí, trang bị hiện đại nên cần có đội ngũ sĩ quan giàu kinh nghiệm, toàn diện ở nhiều mặt công tác; đòi hỏi có năng lực chỉ huy, điều hành, độc lập tác chiến trong các điều kiện phức tạp, khó khăn, ở những hoàn cảnh khác nhau.
Bên cạnh đó, dự thảo luật sửa đổi lần này cần thống nhất đồng bộ với hệ thống pháp luật hiện hành. Theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội, Bộ luật Lao động, người lao động có thời gian đóng bảo hiểm xã hội đủ từ 35 năm đối với nam và 30 năm đối với nữ mới được hưởng mức lương hưu tối đa bằng 75%. Tuy nhiên, hiện nay, công dân nhập ngũ đúng độ tuổi là 18 tuổi. Được đào tạo sĩ quan, sau khi ra công tác có quân hàm Thiếu tá thì độ tuổi nghỉ hưu là 48 tuổi, với Trung tá là 51 tuổi (tương ứng với năm tham gia bảo hiểm xã hội là 30 năm đối với cấp Thiếu tá và 33 năm đối với cấp Trung tá), không đủ 35 năm đóng bảo hiểm đối với nam.
Không những vậy, quân đội và công an là 2 lực lượng vũ trang quan trọng trong hệ thống chính trị, có vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ và đặc thù. Tuy nhiên, về độ tuổi phục vụ cao nhất của sĩ quan công an và quân đội có sự khác nhau. Theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân, độ tuổi phục vụ cấp Đại tá là 62 tuổi, Thượng tá là 60 tuổi đối với nam; còn Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam hiện hành thì độ tuổi phục vụ cấp Đại tá chỉ là 57 tuổi, Thượng tá chỉ là 54 tuổi đối với nam. Các cấp bậc khác cũng tương tự, độ tuổi phục vụ đối với sĩ quan trong quân đội luôn thấp hơn so với sĩ quan công an.
Ngay trong hệ thống luật quy định về sĩ quan và quân nhân chuyên nghiệp của quân đội cũng có sự chênh lệch khác nhau về độ tuổi nghỉ hưu. Độ tuổi phục vụ tại ngũ theo cấp bậc quân hàm đối với quân nhân chuyên nghiệp cấp ủy là 52 tuổi; cấp Thiếu tá, Trung tá là 54 tuổi, cấp Thượng tá là 56 tuổi đối với nam (nữ là 55 tuổi). Còn theo Luật Sĩ quan hiện hành thì độ tuổi phục vụ của sĩ quan cấp ủy là 46 tuổi, Thiếu tá là 48 tuổi, Trung tá là 51 tuổi, Thượng tá là 54 tuổi.
Với những lý do đó, đại biểu Sùng A Lềnh đề nghị Quốc hội nhất trí với đề nghị về tuổi nghỉ hưu đối sĩ quan quân đội trong Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam để phù hợp, thống nhất với hệ thống pháp luật hiện hành và duy trì nguồn nhân lực chất lượng cao, tinh nhuệ, hiện đại cho quân đội, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới…