Tháng 5 là Tháng có ý nghĩa đặc biệt đối với cán bộ công đoàn, đoàn viên, người lao động cả nước khi có Ngày Quốc tế Lao động 1/5 - Ngày hội của giai cấp công nhân và nhân dân lao động trên toàn thế giới. Đặc biệt, từ năm 2012, Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Kết luận về việc lấy tháng 5 hằng năm là Tháng Công nhân với mục tiêu chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của công nhân, viên chức, lao động; xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ trong doanh nghiệp; tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, nâng cao trách nhiệm của chính quyền các cấp quan tâm xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Từ đó đến nay, các hoạt động trong Tháng Công nhân đã có bước phát triển mạnh mẽ với nhiều đổi mới, sáng tạo trong nội dung và cách thức tổ chức thực hiện, tạo được hiệu ứng và có sức lan tỏa mạnh mẽ trong toàn xã hội.
Đồng thời, từ năm 2017, Tháng hành động về An toàn vệ sinh lao động cũng được triển khai vào tháng 5 nhằm nâng cao nhận thức và sự tuân thủ pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động; đẩy mạnh thực hiện các biện pháp cải thiện điều kiện làm việc, giảm ô nhiễm môi trường lao động; hạn chế tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; chăm sóc sức khỏe người lao động.
Kể từ đó, tháng 5 - Tháng Công nhân - Tháng hành động về An toàn vệ sinh lao động được coi là tháng cao điểm tổ chức các hoạt động chăm lo cho đoàn viên, người lao động về mọi mặt, cả về vật chất, tinh thần và sức khỏe.
Qua 4 năm phối hợp triển khai phát động giữa Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Tháng Công nhân - Tháng hành động về An toàn vệ sinh lao động đã thực sự trở thành ngày hội của công nhân, lao động cả nước với nhiều hoạt động cụ thể hướng về người lao động, nhận được sự quan tâm sâu sắc của các cấp ủy đảng, chính quyền, người sử dụng lao động, sự hưởng ứng của đông đảo đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động.
Năm 2022, với chủ đề “Tiên phong, sáng tạo, trách nhiệm, an toàn, thích ứng” và ‘’Tăng cường các biện pháp giảm thiểu rủi ro về an toàn vệ sinh lao động, cải thiện điều kiện lao động tại nơi làm việc, thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”, các cấp Công đoàn, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội, các cấp, các ngành, doanh nghiệp đã có nhiều hoạt động chăm lo thiết thực, toàn diện cả về vật chất, tinh thần, môi trường làm việc an toàn, đảm bảo sức khỏe cho đoàn viên, công nhân lao động. Đã có 10.203 cuộc đối thoại được tổ chức, 11.131 hoạt động “Cảm ơn thành viên được triển khai, hàng ngàn lượt công nhân, lao động có hoàn cảnh khó khăn được thăm hỏi, hỗ trợ tiếp sức... Các hội nghị tập huấn chuyên đề về An toàn vệ sinh lao động, hội thi an toàn vệ sinh viên giỏi, thi tay nghề được tổ chức rộng khắp trên toàn quốc; phong trào thi đua “Xanh - Sạch - Đẹp, bảo đảm an toàn vệ sinh lao động”, phong trào phát huy sáng kiến, cải tiến hợp lý hóa dây chuyển sản xuất được triển khai hưởng ứng sâu rộng đã góp phần cải thiện điều kiện làm việc, sức khỏe người lao động, giảm bớt tần suất tai nạn lao động và tai nạn lao động đặc biệt nghiêm trọng trong các ngành có nguy cơ cao…
Phát huy những kết quả đã đạt được của năm 2022, năm 2023, Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam định hướng tổ chức các hoạt động trọng tâm của Tháng Công nhân với chủ đề ‘Kết nối công nhân, xây dựng tổ chức” từ tháng 11/2022. Đến nay, 100% Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố; công đoàn ngành Trung ương và tương đương; công đoàn Tổng công ty trực thuộc đã có kế hoạch triển khai thực hiện; nhiều đơn vị đã tổ chức Lễ phát động tại cơ sở với những nội dung thiết thực, phù hợp với tình hình thực tiễn tại cơ quan, đơn vị với một số trọng tâm hoạt động như: Ngày hội công nhân, Tuần lễ văn hóa - Thể thao; biểu dương cán bộ công đoàn, đoàn viên tiêu biểu; tặng quà, động viên công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn; trao Mái ấm công đoàn…
Với vai trò và trách nhiệm của mình, ngay từ cuối năm 2022, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cũng đã ban hành Kế hoạch của Ban Chỉ đạo Trung ương xác định chủ đề, nội dung và phân công tổ chức thực hiện các hoạt động triển khai Tháng hành động về An toàn vệ sinh lao động năm 2023.
Đề cập tới vai trò nòng cốt trong phát triển kinh tế - xã hội của giai cấp công nhân khi tạo ra trên 65% giá trị tổng sản phẩm xã hội, phát biểu chỉ đạo tại lễ phát động Tháng Công nhân - Tháng hành động về An toàn, vệ sinh lao động năm 2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đặc biệt lưu ý tới điều kiện làm việc ở nhiều cơ sở còn hạn chế, tình trạng nhà xưởng chật hẹp, máy móc, thiết bị, công nghệ lạc hậu, dễ xảy ra tai nạn lao động; môi trường làm việc độc hại, nhất là đối với phụ nữ như nóng, bụi, yếm khí, bị ô nhiễm bởi tiếng ồn, độ rung, ánh sáng, hóa chất… vượt tiêu chuẩn cho phép. Việc tuân thủ quy định về an toàn vệ sinh lao động tại nhiều cơ sở chưa nghiêm; bệnh nghề nghiệp còn diễn biến phức tạp; tình hình tai nạn lao động chưa được cải thiện, vẫn có những vụ tai nạn nghiêm trọng làm chết và bị thương nhiều người, nhất là ở các lĩnh vực xây dựng, điện, khai thác than, khoáng sản và sản xuất, chế biến gỗ, cơ khí luyện kim...
Với khoảng 24,5 triệu lao động làm công hưởng lương, trong đó công nhân lao động trong các doanh nghiệp chiếm khoảng 60%, trên 6.000 vụ tai nạn lao động làm chết và bị thương hơn 600 người xảy ra mỗi năm, theo Thủ tướng Chính phủ, chúng ta phải cùng hành động để thực hiện hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước liên quan đến giai cấp công nhân; luôn lắng nghe, chia sẻ và tích cực giải quyết các khó khăn, vướng mắc, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của công nhân, người lao động.
Đảm bảo việc làm bền vững, nâng cao mức sống, cải thiện điều kiện làm việc của công nhân. Tập trung triển khai hiệu quả gói tín dụng ưu đãi 120 nghìn tỉ đồng cho phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân và cải tạo chung cư cũ. Huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực để phát triển các công trình phúc lợi, siêu thị, thiết chế văn hóa, y tế, giáo dục phục vụ người lao động và gia đình, nhất là tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, nơi tập trung đông công nhân để “an cư lạc nghiệp”. Bảo đảm cơ hội tiếp cận đầy đủ với các dịch vụ xã hội cơ bản, thiết yếu cho người lao động.
Đồng thời, sớm có giải pháp căn cơ nâng cao năng suất lao động quốc gia. Đẩy mạnh các hoạt động học tập suốt đời trong công nhân, người lao động tại các doanh nghiệp. Khuyến khích các thành phần kinh tế, các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài tham gia đào tạo, đào tạo lại, đào tạo tại chỗ nhằm chuyển đổi, nâng cao kỹ năng, tay nghề cho người lao động. Tạo điều kiện để người lao động tiếp cận bình đẳng, nhanh chóng, thuận tiện với các chính sách về lao động, việc làm và an sinh xã hội.
Đẩy mạnh phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, hiệu quả, bền vững và hội nhập. Xây dựng và thực hiện chiến lược phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao, quan tâm tới vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, nơi có đông đồng bào dân tộc thiểu số.
Chúng ta cùng hành động để xây dựng và phát triển hệ thống an sinh xã hội hiện đại, đa tầng, bao trùm, bền vững. Kịp thời hỗ trợ người lao động ứng phó, thích ứng, giải quyết các khó khăn, thách thức, rủi ro. Tăng cường nhận thức về tầm quan trọng và triển khai hiệu quả việc bảo đảm an toàn, vệ sinh cho người lao động và người sử dụng lao động. Tiếp tục cải thiện điều kiện làm việc, chủ động ngăn ngừa tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp, nhất là đối với lao động nữ. Bảo đảm đầy đủ, kịp thời các chế độ, chính sách về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp đối với cá nhân và gia đình người lao động.