Theo thông tin của ông Nguyễn Trường Chinh, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo thị xã Sa Pa thì địa phương hiện có 6 “thầy giáo đặc biệt”, họ đang công tác tại cấp học mầm non. Các thầy giáo mầm non tại Sa Pa đều có tuổi đời còn trẻ. Thầy Đặng Văn Đổi dạy ở điểm trường mầm non Suối Thầu (thôn Suối Thầu Mông, xã Mường Bo) là một trong những thầy thâm niên nhất cũng mới 35 tuổi. Thầy Đổi đã có 12 năm làm “mẹ hiền”, gắn bó với các em nhỏ tại Sa Pa.
Nghe giới thiệu, chúng tôi vượt hơn 40 km từ trung tâm thị xã Sa Pa đến thôn Suối Thầu Mông để gặp thầy Đổi. Chúng tôi di chuyển khoảng 1 tiếng rưỡi đồng hồ mới đến xã Mường Bo, sau đó mất thêm 30 phút đi bằng xe máy, qua con đường quanh co, nhỏ hẹp mới được đổ bê tông để đến điểm Trường Mầm non Suối Thầu.
Thầy Đổi quê ở Yên Bái, học ngành sư phạm tiểu học nhưng từ một mối lương duyên không hẹn trước, thầy đến vùng cao Sa Pa và trở thành giáo viên mầm non. Tuy xa quê, xa gia đình nhưng thầy Đổi không lấy đó làm cách trở mà càng dạy thầy càng yêu nghề, yêu trẻ nhiều hơn. Với thầy Đổi, giáo viên mầm non giờ không chỉ là nghề nghiệp, mà còn là niềm tâm huyết của thầy.
Năm học vừa qua, thầy Đổi chủ nhiệm lớp mẫu giáo 2 - 5 tuổi, gồm 23 trẻ. Tất cả công việc từ dạy học đến nấu ăn, chăm sóc, vệ sinh hằng ngày, thậm chí là cắt tóc, thay tã hoặc ru trẻ ngủ đều do thầy thực hiện. Những công việc như của một “người mẹ”, thầy Đổi đều quen tay, thuần thục.
Việc dạy trẻ múa hát đối với tôi là điều bình thường. Thậm chí việc dỗ dành, cho trẻ ăn uống, vệ sinh... diễn ra thuần thục, không nề hà gì cả, các cô giáo làm được, tôi cũng làm được. Những nụ cười, sự phát triển của các bé mỗi ngày là động lực để tôi tiếp tục gắn bó với nghề.
Cũng theo tâm sự của thầy Đổi, người thân, bạn bè đã nhiều lần khuyên thầy không nên tiếp tục làm giáo viên mầm non, bởi đây là nghề đặc thù, thường được “đóng đinh, mặc định” cho nữ giới. Thậm chí, trong năm học 2014 - 2015, thầy Đổi đã có cơ hội quay lại công tác đúng ngành tiểu học nhưng thầy vẫn quyết định ở lại vì đã quen với việc chăm sóc, giáo dục trẻ mầm non. Hơn 10 năm gắn bó, thầy Đổi chưa từng ân hận với quyết định của mình. Với thầy Đổi, khi thật tâm yêu nghề, mến trẻ thì không phân biệt giới tính, người thầy sẽ vừa là người mẹ, người cha, đồng hành với các em nhỏ trong hành trình lớn lên từ những ngày chập chững làm quen với trường lớp.
Chia tay thầy Đổi, chúng tôi ngược về điểm trường Tả Van Mông, xã Tả Van thăm lớp học của thầy giáo Đặng Văn Phụng (sinh năm 1986). Thầy Phụng đã có 12 năm gắn bó với nghề “nuôi dạy trẻ”, trong đó có 1 năm “cắm bản” ở nơi “ba không”: Không điện, không sóng điện thoại, không đường giao thông.
Điểm trường “ba không” mà thầy Phụng nhắc tới là Dền Thàng, cách trung tâm xã Tả Van 17 km. Theo mô tả của thầy Phụng, ngày ấy cung đường vào thôn đá lởm chởm, trơn trượt, đi từ trung tâm xã phải mất 2 tiếng đồng hồ. Ngày nắng có thể đi xe máy vào thôn, còn ngày mưa thì chỉ đi bộ.“Năm 2019, điểm trường này chưa có giáo viên phụ trách, tôi lại là giáo viên nam duy nhất của xã. Nghĩ thương đồng nghiệp nữ lên đây sẽ vất vả, mình là nam giới nên chủ động nhận việc khó, tôi xung phong đảm nhận điểm trường này”, thầy Phụng nhớ lại.
Người dân Dền Thàng gọi vui thầy Phụng là “gà trống nuôi con”, bởi giáo viên nam mà 1 tay “nuôi” 7 trò nhỏ từ 2 đến 5 tuổi. Họ coi thầy như người nhà, yêu thương, tin tưởng, sẻ chia. Tuy nhiên, để có được niềm tin ấy là cả một quá trình cố gắng không biết mệt mỏi của thầy Phụng.
Điểm trường Dền Thàng nằm đơn độc giữa tán rừng, 100% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, đời sống gần như “tự cung tự cấp”, nhiều trẻ không được đến trường. Ngay sau khi nhận công tác tại điểm trường Dền Thàng, thầy Phụng không ngại lội bùn tìm đến từng nhà dân vận động học sinh đi học. Thầy Phụng kể: Do bất đồng ngôn ngữ nên việc nói để dân nghe, dân tin không đơn giản. Tôi đã kết nối, phối hợp với chính quyền địa phương, tranh thủ uy tín của già làng, trưởng bản trong những lần gặp mặt đầu tiên để thuyết phục phụ huynh đưa con em tới trường.
Không những gặp khó khăn trong việc vận động học sinh tới lớp, do là nơi “ba không” nên việc dạy học của thầy Phụng cũng gặp không ít trở ngại.
Ngày ấy cắm bản, tôi không thấy vất vả đâu, chỉ thấy thương lũ trẻ thôi. Cứ mỗi sáng tôi phải dậy thật sớm, tranh thủ lên rừng lấy củi. Dù trời mưa, bùn đất bám đặc kịt bánh xe, không chạy được, tôi vẫn phải đi bộ kiếm củi. Bởi lẽ, nếu không có củi thì không có cách nào sưởi ấm cho học trò co ro giữa lớp với tấm áo đã sờn
Với những trường mầm non có giáo viên nam, các thầy luôn là “cứu cánh” trong những công việc nặng nhọc, cần bàn tay đàn ông. Không chỉ làm giáo viên, những người thầy có khi “hóa thân” thành thợ xây, thợ điện, kỹ sư sửa chữa máy móc, thợ hàn xì… nhưng vẫn hoàn thành tốt việc của những “người mẹ” như may vá, nấu nướng, chăm sóc các em nhỏ từng bữa ăn, giấc ngủ.
Nếu như ở các cấp học khác, tỷ lệ giáo viên nam và nữ không có nhiều chênh lệch thì với cấp học mầm non, giáo viên nam có thể coi là “của hiếm”. Trên địa bàn thị xã hiện chỉ có 6 thầy giáo trên tổng số 670 giáo viên mầm non, chiếm chưa tới 1%. Vượt qua những khó khăn, thách thức, các thầy giáo mầm non tại thị xã Sa Pa vẫn miệt mài bám trường, bám lớp để “ươm” những mầm xanh trên núi. Trong hành trình gieo chữ, những ánh mắt thơ ngây, những nụ cười của trẻ chính là động lực để những “người thầy đặc biệt” tiếp tục cống hiến cho vùng cao.