Với hơn 182 km đường biên giới tiếp giáp với nước bạn Trung Quốc, Lào Cai vừa là địa bàn trực tiếp, vừa là địa bàn trung chuyển của tội phạm mua bán người. Tội phạm tổ chức thành đường dây, ổ nhóm, có sự cấu kết chặt chẽ với các đối tượng người nước ngoài để hoạt động với các thủ đoạn tinh vi, khó nắm bắt, phát hiện. Tỉnh Lào Cai cũng là địa phương có đông du khách, thu hút nhiều người từ tỉnh, thành khác đến sinh sống, làm việc, tiềm ẩn nguy cơ phát sinh tội phạm mua bán người.
Trong khi đó, để tránh bị phát hiện khi phạm tội, các đối tượng mua bán người thường lấy tên, địa chỉ ảo để lừa nạn nhân khi tiếp xúc, làm quen, đồng thời sử dụng nhiều số máy điện thoại để liên hệ với bị hại và đồng bọn. Các đối tượng phạm tội thường sử dụng các trang mạng xã hội làm quen với người bị hại sau đó lừa đưa sang Trung Quốc. Đặc biệt, nổi lên tình trạng đối tượng phạm tội sử dụng ảnh đại diện trên facebook là người nước ngoài hoặc tự giới thiệu là cán bộ công an, biên phòng để làm quen, lừa người khác…
Chủ động triển khai các quy định của pháp luật về phòng, chống mua bán người, nhất là Luật Phòng, chống mua bán người, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương phối hợp chặt chẽ thực hiện tốt việc tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật có liên quan về phòng, chống mua bán người. Để giảm nguy cơ người dân, nhất là phụ nữ, trẻ em trở thành nạn nhân của tội phạm mua bán người, ngành lao động, thương binh và xã hội tỉnh chú trọng giới thiệu việc làm, đào tạo nghề, giảm nghèo, bảo vệ trẻ em và thực hiện bình đẳng giới.
Các cấp, các ngành tỉnh Lào Cai cũng làm tốt công tác quản lý an ninh, trật tự, phòng ngừa xã hội để phòng, chống mua bán người. Trong đó, các lao động đi làm việc ở nước ngoài đều được trang bị kiến thức cơ bản về kỹ năng phòng, chống mua bán người. Giai đoạn 2012 - 2022, toàn tỉnh có 2.206 lao động người nước ngoài được cấp giấy phép lao động hoặc có xác nhận không thuộc diện cấp phép lao động, vào làm việc tại tỉnh. Các lao động đã chấp hành nghiêm pháp luật nước sở tại, không để xảy ra mất an ninh, trật tự.
Lực lượng chức năng của tỉnh cũng thực hiện đồng bộ, hiệu quả các biện pháp công tác nghiệp vụ về phòng, chống mua bán người. Lực lượng công an, biên phòng đã tuần tra, kiểm soát địa bàn, khu vực biên giới; chủ động nắm tình hình, phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm mua bán người, trẻ em. Đồng thời, thực hiện các biện pháp nghiệp vụ để phòng ngừa, ngăn chặn kịp thời, không để tồn tại các đường dây, băng nhóm tội phạm mua bán người xảy ra trong thời gian dài không được phát hiện, xử lý. Công an tỉnh đã khởi tố, điều tra 222 vụ/402 bị can liên quan đến vi phạm về phòng, chống mua bán người tại địa phương.
Từ năm 2012 đến nay, tỉnh Lào Cai đã tiếp nhận 843 nạn nhân bị mua bán trở về, trong đó có 327 nạn nhân bị mua bán là người trong tỉnh, 516 nạn nhân là người ngoài tỉnh. Tất cả nạn nhân bị mua bán trở về được hỗ trợ theo đúng quy định của pháp luật hiện hành. Các nạn nhân được sắp xếp chỗ ăn, ở an toàn, được tư vấn tâm lý, chăm sóc sức khỏe, giáo dục kỹ năng sống, trợ giúp pháp lý khi có yêu cầu, được chuyển tuyến về gia đình hoặc cơ sở hỗ trợ nạn nhân an toàn. Ngoài Trung tâm công tác xã hội, Lào Cai cũng là số ít tỉnh trong cả nước đã sáng tạo, thành lập mô hình “Nhà nhân ái” để tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân mua bán người với nhiều hỗ trợ thiết thực, hiệu quả về tâm lý, sức khỏe, học tập, việc làm, giúp nạn nhân sớm ổn định cuộc sống, hòa nhập cộng đồng.
Nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa, kết hợp chặt chẽ giữa phòng ngừa xã hội và phòng ngừa nghiệp vụ, tình hình hoạt động của tội phạm mua bán người trên địa bàn tỉnh có chiều hướng giảm, nhất là từ năm 2017 đến nay, góp phần đảm bảo an ninh, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn, phục vụ đắc lực nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.