Một số chính sách, giải pháp trọng tâm hỗ trợ doanh nghiệp chủ động thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững đến năm 2025.
Nghị quyết nêu: Thời gian qua, dịch COVID-19 và các biến động phức tạp về địa chính trị kinh tế thế giới đã và đang ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế nước ta cũng như hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Trong bối cảnh chịu nhiều sức ép lớn, khó khăn, thách thức chưa từng có tiền lệ của tình hình thế giới, với nguồn lực còn hạn chế, dưới sự lãnh đạo đúng đắn, sát sao của Đảng, sự đồng hành của Quốc hội, sự chung sức, đồng lòng và quyết tâm cao của toàn bộ hệ thống chính trị, sự hợp tác giúp đỡ của bàn bè quốc tế, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo điều hành quyết liệt, thống nhất, kịp thời các bộ, ngành và địa phương triển khai nhiều chính sách, giải pháp giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra, duy trì tỉ giá, lãi suất hợp lý, cơ bản ổn định so với các nước lớn và trong khu vực đang chịu nhiều biến động; giảm đáng kể áp lực chi phí nguyên, nhiên liệu đầu vào để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh.
Chính vì vậy, cùng với sự nỗ lực vượt qua khó khăn, tinh thần đổi mới, chủ động thích ứng của cộng đồng doanh nghiệp, hoạt động sản xuất kinh doanh thời gian qua đã có nhiều tín hiệu phục hồi khởi sắc. Khu vực doanh nghiệp vẫn đạt mức tăng trưởng đáng khích lệ ngay trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp. Niềm tin của các nhà đầu tư và doanh nghiệp tiếp tục được củng cố và có xu hướng tích cực.
Mặc dù vậy, tình hình sản xuất kinh doanh trong thời gian tới dự kiến tiếp tục gặp nhiều khó khăn: ảnh hưởng của dịch COVID-19 vẫn còn hiện hữu; vấn đề biến đổi khí hậu, hạn hán, lũ lụt diễn ra bất thường; cạnh tranh chiến lược của các cường quốc; xung đột quân sự Nga - Ucraina có thể kéo dài; vấn đề lạm phát ở nhiều quốc gia có khả năng trở thành vấn đề dai dẳng trong trung hạn; giá xăng dầu, nhiên, nguyên vật liệu còn ở mức cao; sự phục hồi chậm và khó khăn của các đối tác thương mại lớn... Ngoài ra, sự dịch chuyển chuỗi giá trị, yêu cầu của đối tác, thị trường theo hướng sản xuất và tiêu dùng bền vững, xu hướng kinh tế xanh, kinh tế số, cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ; các cam kết của Việt Nam khi tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26); vấn đề thuế các-bon, công cụ kiểm chứng các-bon được áp dụng ở nhiều nước trên thế giới...đang đặt ra yêu cầu cho các doanh nghiệp Việt Nam cần phải đổi mới để bắt kịp xu thế mới nếu không sẽ bị giảm sức cạnh tranh và bị mất cơ hội tiến sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Trong thời gian tới, tình hình thế giới, khu vực và trong nước có cả thuận lợi, thời cơ và khó khăn, thách thức đan xen. Để có thể đạt được mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII đề ra và hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 đã được Quốc hội thông qua, Việt Nam cần đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, hoàn thiện nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế; trong đó cộng đồng doanh nghiệp đóng vai trò là lực lượng tiên phong, nòng cốt, quan trọng để thực thiện thành công các mục tiêu đề ra.