LCĐT - Thôn Can Hồ Mông, xã Ngũ Chỉ Sơn (thị xã Sa Pa) có 100% dân số là đồng bào Mông. Những năm gần đây, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của chi bộ, đời sống mọi mặt của người dân Can Hồ Mông có chuyển biến tích cực.
Bí thư Chi bộ Sùng A Cổ chăm sóc cây địa lan. |
Là thôn đặc biệt khó khăn của thị xã Sa Pa, trước năm 2017, do kinh tế chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp ở quy mô nhỏ lẻ nên thôn 54 hộ thì có đến 44 hộ nghèo, còn lại là cận nghèo, thu nhập bình quân người dân chỉ đạt 7,5 triệu đồng/năm. Trước thực trạng trên, Chi bộ thôn Can Hồ Mông xác định phải nâng cao năng lực lãnh đạo, nhanh chóng đưa thôn ra khỏi danh sách đặc biệt khó khăn. Ngay khi xây dựng nghị quyết cho nhiệm kỳ 2020 - 2022, chi bộ đặc biệt coi trọng nhiệm vụ lãnh đạo Nhân dân phát triển kinh tế, phấn đấu mỗi năm giảm từ 5 đến 8 hộ nghèo.
Để thực hiện thành công mục tiêu nghị quyết, bên cạnh sự hỗ trợ của các cấp, các ngành, chi bộ thôn đã nhiều lần họp bàn để đưa ra giải pháp lãnh đạo Nhân dân phát triển kinh tế. Việc nuôi con gì, trồng cây gì được các đảng viên trong chi bộ nghiên cứu kỹ và có những phân tích cụ thể trong mỗi cuộc họp, từ đó có sự thống nhất khi triển khai. Các đảng viên cũng đến các địa phương lân cận có đặc điểm khí hậu, thổ nhưỡng tương đồng để tìm hiểu, tham quan các mô hình kinh tế hiệu quả, từ đó triển khai cho bà con trong thôn.
Một trong những giải pháp được chi bộ thôn thống nhất thực hiện là phát triển đảng viên để nâng cao năng lực lãnh đạo. Đảng viên trong chi bộ được giao nhiệm vụ phát hiện, giới thiệu những quần chúng ưu tú cho tổ chức đảng xem xét, bồi dưỡng, kết nạp. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Chi bộ thôn Can Hồ Mông đã kết nạp được 2 đảng viên, nâng tổng số đảng viên lên 6 đồng chí (nhiệm kỳ 2017 - 2020, chi bộ không kết nạp được đảng viên); 2 quần chúng đã hoàn thiện học lớp đối tượng Đảng.
Khi mục tiêu phát triển đảng viên đã đạt, Chi bộ thôn Can Hồ Mông tập trung thực hiện nhiệm vụ lãnh đạo Nhân dân phát triển kinh tế. Chi bộ yêu cầu các đảng viên nêu cao tính tiền phong, gương mẫu trong lao động, sản xuất, vận động người dân xóa đói, giảm nghèo, không mắc các tệ nạn xã hội. Với vai trò Bí thư Chi bộ, đồng chí Sùng A Cổ đã gương mẫu, đi đầu trong phát triển kinh tế. Anh mạnh dạn vay vốn ngân hàng đầu tư nuôi 3 ao cá hồi, trồng cây dược liệu, cây địa lan và đưa giống ngô, lúa năng suất cao vào sản xuất. Trên diện tích ruộng chỉ cấy được 1 vụ, anh đưa các loại rau vụ đông vào sản xuất, mỗi năm thu thêm gần 40 triệu đồng. “Do mặt bằng dân trí không đồng đều, việc vận động người dân trong thôn gặp nhiều khó khăn. Chi bộ thôn đã giao trách nhiệm cho từng đảng viên, trong đó yêu cầu đảng viên phải tiên phong trong phát triển kinh tế; phấn đấu từ nay đến hết nhiệm kỳ, thôn giảm ít nhất 8%/năm hộ nghèo; thu nhập bình quân đầu người tăng 10%/năm trở lên, thoát khỏi danh sách thôn đặc biệt khó khăn…”, Bí thư Sùng A Cổ cho biết.
Ngay khi nghị quyết được triển khai, gia đình đảng viên Sùng A Dũng đã tích cực hưởng ứng. Thay vì canh tác các giống ngô, lúa theo phương thức tự để giống như trước, anh đã mua giống có năng suất cao đưa vào canh tác. Anh còn mạnh dạn vay vốn đầu tư trồng cây ăn quả, cây dược liệu và nuôi lợn bản địa. Hiện tại, mỗi năm, gia đình anh thu hơn 50 bao ngô, thóc và gần 100 triệu đồng từ bán trái cây, dược liệu… Theo anh Dũng, dù tuyên truyền hay đến đâu nhưng nếu gia đình đảng viên vẫn nằm trong danh sách hộ nghèo thì bà con sẽ không tin và làm theo. Nhờ quan điểm này mà tất cả đảng viên trong thôn không ngừng nỗ lực, đến nay, gia đình 100% đảng viên không nằm trong danh sách hộ nghèo.
Từ khi thấy gia đình bí thư chi bộ và các đảng viên có thu nhập khá nhờ chuyển đổi giống cây trồng, nhiều hộ trong thôn cũng mạnh dạn làm theo, gia đình chị Giàng Thị Su là một ví dụ. Kinh tế gia đình chị Su vốn rất khó khăn, không có tích lũy, khi được các đảng viên tuyên truyền, vận động, chia sẻ kinh nghiệm trồng và chăm sóc cây địa lan, cây dược liệu, chị đã mạnh dạn mua giống về trồng thử nghiệm. Quá trình thực hiện, chị luôn nhận được sự động viên, chia sẻ kinh nghiệm, hướng dẫn kỹ thuật của đội ngũ đảng viên. Đến nay, sau 4 năm trồng cây địa lan, gia đình chị Su đã có hơn 100 chậu, mỗi năm cây trồng này mang về cho gia đình chị gần 100 triệu đồng. Hôm chúng tôi đến nhà tham quan mô hình kinh tế, chị Su vui mừng thông tin, gia đình đã có tên trong danh sách hộ thu nhập khá của thôn. Chị Su cũng không ngần ngại chia sẻ dự định đầu tư nuôi thêm cá nước lạnh và mở rộng quy mô trồng cây địa lan lên từ 200 đến 300 chậu.
Từ sự lãnh đạo trúng và đúng của chi bộ, nhiều hộ ở thôn Can Hồ Mông đã vươn lên phát triển kinh tế, hiện thu nhập bình quân của người dân đạt gần 20 triệu đồng/năm. Giờ đây, thôn đã có hơn 60 hộ, nhưng hộ nghèo chỉ còn khoảng 30%. Can Hồ Mông đã có đường bê tông chạy dài suốt thôn, nhiều mô hình kinh tế cho thu nhập từ 100 đến 200 triệu đồng/năm, một số gia đình đã đủ điều kiện dựng nhà mới kiên cố, mở rộng quy mô sản xuất…